“Báu vật” hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng của chàng trai genZ
Bộ sưu tập tiêu bản các loài bọ của chàng trai trẻ được đánh giá cao bởi có nhiều loài đã không còn xuất hiện trong tự nhiên.
- 12-10-2022Cách xử lý của Gen Z khi sếp giao việc còn bạn muốn từ chối?
- 02-10-2022Gen Y và Gen Z ‘khẩu chiến’ trên show việc làm: Người cho rằng đi làm phải biết chấp nhận, Tiktoker 50 nghìn follow phản pháo đi làm là phải vui
- 29-09-2022Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư tài chính từ rất sớm?
- 22-09-2022Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương
Mỗi ngày dành 1 - 2 tiếng suốt 7 năm tìm hiểu bọ cánh cứng
Những cuốn truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản được tiếp xúc từ bé đã giúp Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt (21 tuổi, TP HCM) biết đến thú chơi bọ cánh cứng. Sau này, những chú bọ này ngày càng cuốn hút Kiệt hơn khi cậu "gặp gỡ" chúng qua các bộ phim.
Niềm ao ước sở hữu lớn dần lên thành sở thích, đam mê khiến Kiệt bắt đầu tìm hiểu về thú chơi bọ cánh cứng khi đang là học sinh lớp 10. Sau khi có những con bọ cánh cứng đầu tiên, Kiệt ngày càng dành nhiều thời gian để tìm hiểu hơn chúng với một tình cảm đặc biệt.
Kiệt dành thời gian mỗi ngày 1 - 2 tiếng vào buổi tối sau khi học bài xong để tìm hiểu về thế giới của loài vật này. Để mở rộng kiến thức, Kiệt vẫn duy trì thói quen này mỗi ngày để đọc các tài liệu liên quan đến bọ cánh cứng cho đến tận bây giờ.
Không chỉ là thời gian, Kiệt dùng tiền tiết kiệm để tiếp tục sưu tầm thêm nhiều giống mới, đồng thời bổ sung thức ăn chuyên dụng và tự thiết kế những chiếc hộp lớn nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc bọ cánh cứng tốt nhất.
Kiệt với đam mê đặc biệt của mình.
Sau này, khi có thể kiếm được tiền, Kiệt đầu tư mua tủ lạnh để có thể tạo tiểu khí hậu lý tưởng nhất để nuôi bọ cánh cứng. Kiệt cho biết, những con bọ này phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ dưới 22 độ C.
"Càng tìm hiểu, em càng bị những con bọ nhiều màu sắc, hình dáng oai vệ, hầm hố hấp dẫn. Ban đầu, gia đình ngăn cản đam mê này của em nhưng khi mình được một số tổ chức mời tham gia các sự kiện có liên quan đến thú chơi bọ cánh cứng, bố mẹ đã yên tâm hơn", Kiệt kể.
Sau vài năm nghiên cứu, Kiệt học cách cho bọ sinh sản rồi thả ra tự nhiên khi nhận thấy các loài này đang hiếm dần, thậm chí biến mất.
Lan tỏa niềm đam mê bảo tồn đa dạng sinh học
Sau này, phần vì bận việc học, phần vì muốn lưu giữ được hình ảnh, mẫu vật về những loài bọ cánh cứng hiếm, đẹp của Việt Nam và thế giới, Kiệt chuyển hướng sưu tầm xác bọ làm tiêu bản bọ cánh cứng.
Miệt mài thu thập, hiện nay, Kiệt đã sở hữu bộ sưu tập hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng. Trong số này có những phân loài đặc hữu tại Việt Nam như: Dorcus Curviden Babai, Lucanus Kraatzi Giangae, Neolucanus Baongocae…
Bộ sưu tập bọ cánh cứng của Kiệt được đánh giá cao.
Tất cả các mẫu vật được Kiệt bảo quản kỹ lưỡng, cố định vào mặt phẳng đúng chuẩn trong hộp gỗ có nắp đậy bằng kính trong suốt và gìn giữ như báu vật.
Một phần bộ sưu tập của Kiệt đang được trưng bày tại một quán cà phê ở quận 3 (TP HCM) của một người bạn. Bộ sưu tập này được người chơi và giới nghiên cứu côn trùng đánh giá cao.
"Nước ta có rất nhiều loài bọ cánh cứng đặc hữu đẹp, quý. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về sự tồn tại của chúng. Em làm bộ sưu tập tiêu bản bọ cánh cứng như một cách gìn giữ sự đa dạng sinh học và mong muốn mọi người quan tâm nhiều hơn đến chúng", nam sinh bày tỏ.
Đam mê sưu tầm mẫu vật làm tiêu bản, nhưng Kiệt không sử dụng bọ sống để tránh ảnh hưởng đến số lượng của các loài bọ quý hiếm. Em chủ yếu thu lại xác bọ từ những người chơi lâu năm, liên hệ với người dân ở các tỉnh, thành để nhặt xác bọ và gửi về cho mình. Một số mẫu khác, Kiệt được bạn bè ở nước ngoài cho, tặng hoặc trao đổi.
Thú chơi bọ cánh cứng và sưu tầm tiêu bản giúp nam sinh này không chỉ giải tỏa áp lực học tập mà còn rèn được tính tỉ mỉ, kiên trì. Đồng thời bộ sưu tập này cũng góp phần lan tỏa niềm đam mê bảo tồn đa dạng sinh học được Kiệt coi như báu vật, ai trả giá bao nhiêu cũng không bán.
Phụ nữ Việt Nam