MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Báu vật phát lộc' ở Việt Nam: Trả 20 tỷ chưa chắc mua nổi, xứng danh 'vua của các loài cây'

11-07-2023 - 19:32 PM | Thị trường

Nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để có được loài cây ban tài phát lộc, mang đến sự may mắn.

Vua của các loại cây

Theo Từ điển dược học của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), cây duối (tên khoa học: Streblus asper Lour, thuộc họ dâu tằm - Moraceae) là một loại cây đến từ các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

Nó còn được biết đến với nhiều tên gọi như Ruối, Duối Nhám, Duối Dai, Hoàng Anh Mộc, May Xói. Tại Việt Nam, cây duối phân bố nhiều ở các vùng quê và được xem như "vua của các loài cây" nhờ sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với các điều kiện khắc nghiệt.

Cây duối được xem như "vua của các loài cây". Ảnh: Thế giới & Tiếp thị

Loài cây này thường cao từ 4-8m, sống lâu năm, có nhiều cạnh chằng chịt. Cây rễ cọc, to, ăn sâu vào lòng đất, phiến lá có hình trứng, mặt lá cứng và có răng cưa ở mép.

Hoa duối nhỏ, dạng hình cầu và có màu xanh lục (riêng hoa đực màu vàng), cụm hoa đực 10-12 hoa, cụm hoa cái chỉ có 1 hoa. Quả duối hình trứng, kích cỡ khoảng 8-10mm, có màu vàng nhạt, vỏ mềm và nhiều thịt, khi chín có vị ngọt.

Viên ngọc sức khỏe

Dữ liệu từ Thư viện khoa học trực tuyến SciELO cho hay, cây duối là một vị thuốc quý, được sử dụng trong nhiều phương thuốc cổ truyền. Các bộ phận dùng làm thuốc bao gồm vỏ, rễ, thân, lá và nhựa mủ.

Theo y học xưa, cây duối rất hữu ích trong việc điều trị tới 20 loại bệnh. Ngoài ra, một số bộ phận của cây còn có tác dụng hạ sốt và sát trùng vết thương.

Cây duối mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu quốc gia

Ví dụ, vỏ cây có thể kích thích phản ứng miễn dịch, trong khi rễ cây được dùng làm thuốc điều trị các chứng động kinh, rối loạn tim, phù nề, ung nhọt, xoang... Nhựa cây được dùng như chất khử trùng và làm se da, có thể bôi lên vết nứt nẻ ở tay chân, giảm đau gót chân và sưng tuyến.

Lá duối dùng để chữa cảm sốt, điều hòa khí huyết, giảm áp lực, giảm đau khi chuyển dạ. Hạt duối có tác dụng chữa chảy máu cam, trĩ và tiêu chảy. Nhai cành duối giúp làm sạch răng và chữa cả bệnh trĩ.

Năm 2011, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã nghiên cứu thành công nước súc miệng không cồn từ rễ cây duối giúp làm sạch và ngăn ngừa ung thư miệng.

Trong khi đó, theo nghiên cứu "Tiềm năng chống ưng thư nhờ chiết xuất từ cây duối" đăng trên ResearchGate cho thấy, chiết xuất lá và hoa của cây duối, kết hợp với cyclophosphamide (một loại thuốc được sử dụng trong hóa trị), có thể làm gia tăng đáng kể hoạt động chống khối u trong các tế bào ung thư P388.

Báu vật phát lộc: 20 tỷ chưa chắc mua nổi

Ở Việt Nam, có nhiều cây duối cổ thụ có giá trị về mặt lịch sử, thẩm mỹ và kinh tế lớn. Gần 20 cây duối cổ có tuổi đời hơn 1.000 năm tại cánh đồng thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nằm cách khu di tích đền-lăng vua Ngô Quyền khoảng 300m, đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhân là cây di sản Việt Nam.

Mới đây nhất, hôm 9/7, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã trao tặng xã An Hòa, huyện An Dương, TP. Hải Phòng Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với Cây Duối cổ thụ có tuổi đời hơn 300 năm tuổi nằm trong quần thể các công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của làng Phú La.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây người ta thường trồng duối trước nhà, để cây phát triển tự nhiên và tận dụng làm hàng rào thì nay, khi thú chơi cây cảnh trở nên phổ biến, nhiều nghệ nhân đã biến cây duối thành cây bonsai quý, có giá trị rất cao.

Quan niệm phong thủy cho rằng, duối mang tới sự hưng thịnh, bình an cho gia chủ. Ngoài ra, cây còn giúp trừ tà khí và thu nạp sinh khí vô cùng tốt.

Cây duối của ông Trai ở Ninh Bình. Ảnh: Dân Việt

Tại Việt Nam, có thể bắt gặp những cây duối cổ được rao bán hoặc trả giá lên tới hàng tỷ đồng. Theo ghi nhận của báo Dân Trí, vào năm 2017, cây duối "lão mai đắc thọ" 1.000 năm tuổi của ông Lại Quang Hòa (trú tại thôn Đan Nhiễm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được nhiều người tìm đến trả giá rất cao nhưng ông Hòa không bán.

Ông Hòa tiết lộ, cây duối này được ông mua cách đó khoảng 15 năm và phải mất 2 năm đi đi lại lại, theo đuổi, ngã giá rất vất vả mới có được. Gia đình ông coi đó là báu vật của cả dòng họ.

"Dù có trả 10 tỷ hay 20 tỷ tôi cũng không bán" - Ông Hòa tuyên bố ở thời điểm đó.

Tới năm 2020, theo báo Đất Việt, cây duối của ông Hòa đã được bán với giá 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, có người trong giới dự đoán, sau khi về tay chủ mới, giá cây đã lên tới mức 30 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, theo ghi nhận của báo Dân Việt, vào năm 2018, cây duối cổ nghìn năm tuổi, với hình dáng tượng trưng cho "hình ảnh người mẹ bồng con" của ông Trai ở Ninh Bình cũng được định giá lên tới 20 tỷ đồng. Song, ở thời điểm phóng viên ghi nhận, ông Trai vẫn chưa quyết định xuất vườn cây duối quý này.

Mới đây nhất, vào năm 2022, cây duối cổ cao 2,9 mét của ông Đang, trú tại Kỳ Đồng, Thái Bình được rao bán với giá 6 tỷ. Thế nhưng, nhiều cư dân mạng cho rằng chủ cây đang rao bán với giá "quá rẻ".

Theo Tùng Chi

Phụ nữ số

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên