Báu vật Việt Nam: "Đại mộc thần" có từ thời An Dương Vương, là tài sản quý giá của người dân Phú Thọ
Người dân địa phương còn trìu mến gọi báu vật này là "cụ".
- 27-11-2023Độc lạ loài cá "báu vật Tam Đảo": Có thể là hậu duệ của khủng long, được đưa vào Sách đỏ Việt Nam
- 16-11-2023Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi
- 13-11-2023Lão nông đào đất trong ao nhà phát hiện, “nhạc cụ cổ” 3.000 tuổi, họa tiết mặt thú ảo diệu: Chuyên gia khẳng định “báu vật quốc gia thật sự”
"Đại mộc thần" có từ thời An Dương Vương
Ai đến thăm đền Thiên Cổ (thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ) đều sẽ được nghe kể về "đại mộc thần" gắn liền với sự tích thiêng liêng của nơi này. Đó là hai cây Táu cổ thụ.
Theo trang Dân trí, tương truyền, ngôi đền nơi những cây táu tọa lạc nằm trên đất kinh đô của nước Văn Lang xưa. Những cây táu đã có từ thời An Dương Vương. Người dân thôn Hương Lan gọi chúng là "cụ cây". Ông Nguyễn Thiện Ninh, người trông coi đền Thiên Cổ chia sẻ, không chỉ là chứng nhân lịch sử, những cây táu này còn chứa đựng những giá trị vô giá về văn hóa, tâm linh.
Báo Pháp Luật Việt Nam thông tin, theo Ngọc phả của thôn Hương Lan, ngôi đền cổ là nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục. Vợ chồng thầy giáo là người có công dạy công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con vua Hùng Vương đời thứ 18). Vợ chồng thầy Vũ Thê Lang có 3 người con trai, nhưng khi các con chưa kịp trưởng thành thì ông bà đột ngột tạ thế mà không ốm đau, vào cùng giờ, cùng ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công Nguyên). Ba người con trai của thầy giáo Vũ Thê Lang sau này trưởng thành đều trở thành đô sĩ cận vệ của vua Hùng. Khi nhà Hùng mất, ba ông đã tìm về thôn Hương Lan trẫm mình xuống hồ tự vẫn để tỏ lòng trung nghĩa. Vua An Dương Vương phong ba ông làm thành hoàng làng, lập nơi thờ tự. Nhân dịp này, nhân dân cũng lập miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và trồng hai cây táu trước đền thờ.
Điểm độc đáo là hai cây táu cùng một giống được trồng hai bên tả hữu trước mặt đền, nhưng khi trưởng thành một cây trổ hoa vàng, một cây lại hoa trắng nên được người dân gọi là "cây Vàng, cây Bạc".
Theo báo Phú Thọ, cây táu hoa trắng (cây bạc) và cây táu hoa vàng (cây vàng). Cây táu bạc có chiều cao 25m, chu vi gốc cây là 6,1m, đường kính tán cây là 27m. Tương truyền khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị gãy. Dân làng vô cùng thương tiếc và đi nhiều nơi tìm cây thay thế nhưng không có. Một thời gian sau, từ gốc cây cũ đã mọc lên những chồi biếc, và cứ thế cây táu hoa vàng vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ trên lưng cây mẹ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi gốc là 4,5m, đường kính tán cây là 30m.
Năm 2012, hai cây táu được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận và trao danh hiệu "cây di sản Việt Nam". Trong đó, cây táu bạc được công nhận là cây di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam. Theo tính toán của các nhà khoa học, cây táu này đã hơn 2100 năm tuổi.
Sức sống mãnh liệt của "cụ" táu
Ông Ninh chia sẻ cùng báo Dân Trí, "năm 2014, cây táu bạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá trình làm đường dân sinh trước đó nên đã xuất hiện tình trạng, héo úa, lão hóa, thân bị sâu mọt đục khoét, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cành bị khô và chết dần. Trước tình trạng "cụ cây" suy yếu, dân làng cương quyết giữ cây, không cho đốn hạ và mời bằng được các nhà khoa học và chuyên gia đến thẩm định, tìm hướng khắc phục, cứu cây". Nhờ kịp thời cứu chữa, "cụ táu" đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, sau đó vài năm, cây táu bạc lại có dấu hiệu suy kiệt. Ông Bùi Phúc Khánh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trả lời phỏng vấn trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã cho biết: "Chúng tôi phải làm một cái hội thảo mời tất cả các nhà khoa học chuyên ngành, khoảng 20 nhà khoa học từ Trung Ương đến địa phương để tìm một giải pháp chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ. Sau hội nghị đó thì chúng tôi sẽ thống nhất ra một phương thuốc, đất thì chúng tôi cải tạo, rễ cải tạo bằng thuốc kích thích, sâu bệnh chúng tôi trừ, lá còn bao nhiêu thì chúng tôi vệ sinh cho ăn qua lá. Và nếu làm được thì sẽ là điểm nhấn cho các cây cổ thụ khác."
Hiện tại, cây táu cổ thụ đã ra nhiều rễ, cành khỏe, lá xanh tươi, không bị quăn mép.
Cũng theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những cây cổ thụ trăm năm tuổi là tài sản vô cùng quý giá của địa phương cũng như nhà nước. Câu táu cổ thụ ở Phú Thọ không chỉ góp thêm cảnh quan cổ kính cho nơi đây, mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của dân tộc trong suốt chiều dài hàng ngàn năm qua. Ngoài ra, việc công nhận các cây di sản Việt Nam đã góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn gen của một số loại cây quý hiếm. Việc vinh danh bảo tồn các cây di sản cũng chính là bảo tồn các di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.
Đời sống và pháp luật