MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bẫy đa cấp biến tướng, đưa chiêu trò lãi khủng

09-10-2016 - 10:28 AM | Xã hội

Nhiều hình thức đa cấp biến tướng, trá hình rất tinh vi ngày càng nở rộ, len lỏi khắp nơi để “giăng bẫy” song vẫn thu hút hàng nghìn người tham gia.

Thiết lập website góp tiền và kêu gọi người tham gia để hưởng hoa hồng, hô hào đóng góp tài chính lãi suất lớn... là những dạng thức mới của đa cấp biến tướng đang ngày càng nở rộ.

Tràn ngập chiêu trò đa cấp

Điều tra của chúng tôi, tại Hà Nội đang nở rộ “đầu tư” vào đồng tiền có tên “Airbit”. Khi phóng viên trực tiếp tham dự hội thảo giới thiệu “cơ hội đầu tư” tại Hà Nội, những người cầm đầu tổ chức này lộ diện không chỉ có người VN mà còn có một số người nước ngoài, được giới thiệu là “lãnh đạo cấp cao”.

Nhiều chiêu thức dụ dỗ, lôi kéo được đưa ra và hàng trăm người đã tham gia.

Lựa chọn gói đầu tư thấp nhất với 250 USD sau khi được người trong tổ chức chào mời, anh Lâm (Ba Đình) chính thức tham gia vào mạng lưới.

Để lấy lại số tiền đầu tư và tin theo lời giới thiệu “sinh lời hấp dẫn”, “có tiền ngay về tài khoản”, anh Lâm cho biết đã mời được khoảng 20 người tham gia, với mỗi người anh sẽ được trả hoa hồng trực tiếp là 20% và tiền thưởng 10 USD.

Ngoài gói 250 USD anh Lâm theo, còn có gói 500 USD và 1.000 USD mà tổ chức này giới thiệu người tham gia có thể thu về từ 500 đến... 10.000 USD/ngày. Chưa kể những phần thưởng hấp dẫn như đồng hồ hàng hiệu, ôtô hạng sang... Nên có người đã bỏ ra hàng tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Airbit được thành lập ở nước ngoài với mạng lưới tại nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Brazil... Hình thức tham gia rất đơn giản, chỉ cần lập tài khoản trên hệ thống nội bộ là một website của nước ngoài, trực tiếp chuyển tiền mà không có hóa đơn giao dịch.

Do vậy, mới chỉ vào VN được ba tháng nhưng theo lời giới thiệu của tổ chức này, đã có tới 4.000 “nhà đầu tư”.

Bỏ tiền thật, mua tiền ảo có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng không nhỏ khi các tổ chức có thể đánh sập hệ thống bất cứ lúc nào.

Điển hình vụ việc liên quan đến gold889.com mới đây, hàng loạt người tham gia rót tiền vào theo hình thức “cho nhận tài chính” cũng đã bị mất toàn bộ số tiền khi người cầm đầu tổ chức này bất ngờ “đánh sập hệ thống” và xóa toàn bộ dữ liệu.

Chị P.T.Mai - một nạn nhân tại TP.HCM - cho biết để làm thành viên của gold889.com, phải có người chơi trước giới thiệu, mua mã PIN với giá 150.000 đồng. Sau đó, tiền được nộp vào hệ thống này là 2,6 triệu đồng để được nhận lại 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong khi chờ hoa hồng chuyển về thì chị Mai ngã ngửa khi không truy cập được hệ thống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, website này có người cầm đầu là Trần Văn Hạnh và Phạm Văn Trường, hiện đã bị công an bắt giữ. Chào mời khả năng sinh lời cao, nên chỉ một tháng đã có gần 1.000 người chơi, với số tiền huy động lên tới gần chục tỉ, số tiền bị chiếm đoạt là gần 3 tỉ đồng.

Cơ quan công an đã bắt giữ được máy chủ của website này tại TP.HCM.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Hằng, trưởng phòng thương mại điện tử - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), cho biết những mô hình kiểu “cho nhận tài chính” theo hình thức trả lãi và hoa hồng khi giới thiệu thêm người tham gia đang ngày càng phổ biến.

Trong đó, bên cạnh mô hình “cho nhận tài chính” sử dụng tiền Việt như M5, G5, Ex101, srow... thì không ít hình thức huy động đầu tư dạng tiền ảo như Airbit Club, Bitkingdom, BMW...

Theo bà Hằng, bản chất các mô hình này đều là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi khủng lên tới 30-80%/năm để hút người chơi.

Cẩn thận mất trắng

Một hình thức huy động tiền khác cũng đang len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm là “đầu tư” vào các dự án bất động sản, du lịch hay khoáng sản...

Theo ông Nguyễn Trọng Tín - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), các tổ chức thường dựng nên những dự án hoành tráng để huy động tài chính. Cần cảnh giác bởi bản chất đây là những dự án bánh vẽ, vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền người sau trả người trước.

Hàng loạt “chiêu” mới “độc” hơn đang xuất hiện cả ở TP.HCM và Hà Nội. Chị Lan (Đông Anh, Hà Nội) cho biết mới đây tham dự một hội thảo về cho thuê tài chính, bất động sản của Công ty RFI, được giới thiệu là thành lập tại Mỹ.

Chỉ cần có tài khoản ngân hàng và email, lựa chọn gói đầu tư tối thiểu là 1.000 USD và tối đa là 50.000 USD, người chơi sẽ được hưởng lãi từ 0,5-1%/ngày.

Tuy nhiên, tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ với website được công ty này giới thiệu là rfiroy.com lại đang trong tình trạng... không hoạt động.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), hoạt động kinh doanh tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro do hệ thống mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang điện tử, với máy chủ đặt tại nước ngoài.

Do đó, cá nhân, tổ chức hệ thống này có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính mà không có sự ràng buộc hai bên.

Ngoài ra, hệ thống cũng có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào, mọi dữ liệu đều bị xóa. Trong khi đó, theo quy định thì tiền ảo và hình thức đầu tư tương tự không phải là tiền tệ. Do đó nếu xảy ra tranh chấp, người đầu tư không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bộ luật hình sự sửa đổi cần điều chỉnh

Theo thông tin từ Bộ Công thương, dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp mới (thay thế nghị định 42/2014) đang được soạn, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng này.

Nhiều quy định mới được đưa ra nhằm siết chặt hơn hoạt động này, song theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, những mô hình như huy động tài chính, tiền ảo đều không liên quan đến ngành công thương, song lại sử dụng mô hình đa cấp.

Bởi vậy, ngay cả dự thảo nghị định về quản lý bán hàng đa cấp đang được soạn thảo nêu trên cũng không thể có chức năng quản lý và ngăn chặn các hiện tượng đa cấp biến tướng như trò chơi tiền ảo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, nêu hiện Bộ Công thương đang đề xuất sẽ đưa ra quy định về tội kinh doanh qua mạng, kinh doanh trái phép liên quan đến đa cấp trong Bộ luật hình sự sửa đổi, như thế sẽ có thể xử lý vấn đề này.

“Chúng tôi cũng đề xuất giao Bộ Tư pháp quy định chế tài, chứ nếu để trong quy định quản lý bán hàng đa cấp, chỉ xử lý hành chính sẽ không đủ răn đe” - ông Tuấn nói.

Do đó, để tránh những rủi ro trong hoạt động đa cấp biến tướng như kinh doanh tiền ảo, huy động tài chính, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng bản thân người tiêu dùng cần cảnh giác, tự bảo vệ mình trước lời mời chào đầu tư tiền vào tiền ảo, dự án tài chính theo kiểu giới thiệu người tham gia.

Đồng thời, cần tránh cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin tài khoản... để tránh những cuộc gọi từ hệ thống đa cấp lừa đảo.

Ông Trịnh Anh Tuấn (phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh):

Chỉ quản chặt được đa cấp với hàng hóa

Quy định về quản lý bán hàng đa cấp yêu cầu phải có hàng hóa, do đó chỉ quản lý chặt được hoạt động đa cấp liên quan đến hàng hóa.

Còn đối với các hoạt động mua bán tiền ảo, huy động tài chính theo hình thức đa cấp, mà bản chất là đa cấp biến tướng thì phải đưa vào Bộ luật hình sự 2015 hiện đang được sửa đổi.

Theo Ngọc An

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên