MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bay thẳng đến Mỹ: Vì sao lại khó đến vậy?

Dự kiến việc mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ chỉ có thể được hiện thực hóa sớm nhất vào cuối năm 2019.

Bởi theo tính toán của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), đó là thời điểm hội tụ đủ 3 điều kiện về năng lực của nhà chức trách hàng không Việt Nam, của hãng vận chuyển và quan trọng là sự chín muồi của thị trường.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, cho biết thị trường hàng không Mỹ cạnh tranh rất khốc liệt, hiện nay có hơn 10 hãng hàng không quốc tế cung cấp dịch vụ bay từ Việt Nam đến Mỹ với 1 hoặc nhiều điểm dừng. Trong đó, có những tên tuổi lớn như Korea Airlines, Cathay Pacific, Japan Airlines... Khách bay chủ yếu là Việt kiều, du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ. Đây là đối tượng nhạy cảm với giá, họ sẽ tìm cách mua giá thấp nhất có thể nên muốn cạnh tranh được phải có mức giá phù hợp.


VNA dự kiến đến cuối năm 2019 hãng mới có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ. Ảnh: Tấn Thạnh

VNA dự kiến đến cuối năm 2019 hãng mới có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ. Ảnh: Tấn Thạnh

"Yếu tố quan trọng nhất để mở đường bay thẳng đến Mỹ vẫn là cạnh tranh chi phí, doanh thu có khả thi không? Vì đường bay này có đặc điểm giá vé rất thấp, chi phí lại cao nên khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi cần thời gian rất dài. Chúng tôi phải có nhiều biện pháp khác để giảm lỗ như tìm cách hợp tác với Delta Airlines, Korean Airlines nhằm phối hợp nguồn khách, nguồn hàng, nếu không thì rất khó. VNA đã mở văn phòng tại Mỹ từ 20 năm nay để chuẩn bị và đang hợp tác với Delta Airlines, China Airlines để xây dựng hình ảnh, vị trí về thương hiệu trong cộng đồng người Việt ở bờ Tây nước Mỹ" - ông Dương Trí Thành nói.

Bên cạnh đó, có 2 yếu tố quan trọng khác phải đáp ứng để mở đường bay đến Mỹ, đó là năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không và hãng hàng không Việt Nam phải xây dựng được Bộ quy chế an ninh do phía Mỹ phê chuẩn. Hiện Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đánh giá năng lực giám sát hàng không theo tiêu chuẩn CAT1 và đưa ra khuyến cáo. Dự kiến trong năm nay, FAA sẽ phê chuẩn chính thức CAT1 đối với nhà chức trách hàng không. Tiếp theo là bước đánh giá Bộ quy chế an ninh đối với VNA. Quá trình này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.

Về phương tiện, hiện nay vẫn chưa có loại máy bay nào có thể bay thẳng không dừng đến Mỹ nên trong phương án khai thác, VNA vẫn chọn 1 điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản để tiếp nhiên liệu, lấy suất ăn. Dự kiến, trong thời gian đầu khai thác, VNA sẽ duy trì tần suất 3-4 chuyến/tuần, giá vé sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hãng đang cung cấp sản phẩm trên thị trường.

Trước đó, VNA đã nộp đơn đến Bộ Giao thông Mỹ xin khai thác trực tiếp đến thị trường này theo tinh thần của Hiệp định hàng không giữa 2 nước. Tuy chưa mở đường bay đến Mỹ nhưng VNA vẫn có doanh thu từ thị trường rộng lớn này từ năm 2006 thông qua hình thức khai thác hợp tác liên danh (code share), tần suất 7 chuyến/tuần, điểm đến là 25 thành phố của Mỹ.

Theo tính toán của VNA, tổng dung lượng thị trường hàng không giữa Việt Nam - Mỹ năm 2016 là khoảng 700.000 khách/năm, mức tăng trung bình khoảng 9%/năm. Trong đó, dung lượng khách lớn nhất là từ 2 điểm đến Los Angeles và San Francisco, chiếm hơn 30% tổng dung lượng thị trường. Dự kiến hãng phải chịu lỗ ít nhất 30 triệu USD khi mở đường bay Mỹ.

Tại Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt cũng nhắc đến nội dung sớm mở đường bay đến các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường Mỹ.

Theo Tô Hà

Người lao động

Trở lên trên