Bảy tháng sóng ngầm của chính sách tiền tệ
Có những căng thẳng trong điều hành chính sách tiền tệ 2018 không thể hiện nhiều ra bên ngoài...
Cuối tháng 9/2018, hãng tin Bloomberg có bài viết với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bài viết có một đoạn khiến người đọc nhạy cảm có thể giật mình.
Nó nằm ở đoạn dẫn: Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ sáu, đạt mức 39 tỷ USD trong năm ngoái, chỉ sau mức thặng dư với Mỹ của Trung Quốc, Mexico, Đức, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay, Tổng thống Donald Trump chưa phàn nàn gì về quan hệ thương mại Mỹ - Việt.
Khi tỷ giá nằm ngoài lý thuyết…
Giật mình, vì tại thời điểm đó, thế giới vừa và đang chứng kiến những xung đột thương mại nổ ra gay gắt. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - EU, Mỹ - Nhật Bản được xâu chuỗi bởi sợi dây có tên "thặng dư thương mại", dẫn buộc tới vấn đề bảo hộ và chính sách thuế.
Trong diễn biến đó, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ sáu, tính đến cuối 2017.
"Tôi đã nói với ông Trump rằng tôi nhất trí với ông ấy về việc Việt Nam và Mỹ cần cân bằng quan hệ thương mại. Tuy nhiên, những mặt hàng mà chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ thực sự mang lại lợi ích cho người Mỹ, và dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam cũng thực sự tích cực", Thủ tướng nói trong bài viết của Bloomberg trước vấn đề trên.
Trước đó, khi mà tỷ giá USD/VND ở vào thời điểm nóng bỏng và căng thẳng nhất năm 2018, đầu tháng 8, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu giữ ổn định tỷ giá linh hoạt với khoảng 2%.
Thông điệp trên từng gây xôn xao, và cả hoài nghi. Ngay khi mức độ linh hoạt 2% của tỷ giá USD/VND xuất hiện trên báo chí, một số chuyên gia băn khoăn khi trao đổi bên lề với VnEconomy. Bởi thực tế, tỷ giá đã liên tiếp tăng mạnh tại thời điểm đó, trong khi nhiều áp lực lớn tiếp tục dồn ép.
Nhưng, định hướng ổn định tỷ giá, kiên định mục tiêu ổn định tỷ giá tiếp tục thực thi. Nó như nằm ngoài lý thuyết, khi mà hàng loạt quốc gia đã phải phá giá mạnh đồng nội tệ để chống đỡ cạnh tranh trong xuất khẩu, chống đỡ tình huống vốn ngoại đảo chiều.
Như trên, xung đột thương mại nổ ra gay gắt. Tỷ giá trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Trung Quốc là một điển hình. Đồng Nhân dân tệ liên tục sụt giảm kỷ lục từng đặt ra vấn đề tỷ giá có là một vũ khí phòng vệ trong xung đột hay không. Và ở khía cạnh khác, phá giá mạnh đồng nội tệ càng dễ khoét sâu mối quan ngại điểm nóng thặng dư thương mại giữa các nền kinh tế với Mỹ.
Trở lại với tình huống có thể giật mình nói trên, Việt Nam xuất siêu lớn vào Mỹ, nếu càng phá giá mạnh đồng nội tệ, tình huống quan ngại đó không ngoại trừ. Những mối quan hệ này, đặt trong thời điểm và bối cảnh 2018, khiến tỷ giá dường như độc lập hơn với các yêu cầu lý thuyết, những tính toán số học, đại ý là phải điều hành thế này, hoặc phải phá giá thế kia… mới hợp lý.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Ảnh: Quang Phúc.
Việt Nam vẫn kiên định ổn định tỷ giá. Đến nay, VND được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á trải qua năm 2018.
Kết quả ổn định xây trên nền những sóng ngầm, cùng áp lực lớn khác liên quan với tỷ giá.
Chữ "Tín" trong điều hành
Hai tuần sau thông điệp của Thủ tướng trên Blomberg, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sang Bali (Indonesia) dự hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018.
Bên lề hội nghị, có những cuộc tiếp xúc cụ thể, mà dĩ nhiên không hoặc ít được đề cập ra bên ngoài.
Quan hệ thương mại Việt - Mỹ cùng thực tế tỷ giá USD/VND đang và sẽ như thế nào là câu hỏi đặt ra không kém phần nóng và căng thẳng như diễn biến tỷ giá trên thị trường nước nhà lúc đó. Vì câu trả lời có thể ảnh hưởng đến một tương lai lớn hơn và rộng hơn vấn đề tỷ giá...
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một phần câu trả lời từ trước. Một số đợt bán ra ngoại tệ bình ổn là thực tế.
Để củng cố thêm, lần lượt các ngày 23 và 26/11, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm nghiệp vụ bán ngoại tệ kỳ hạn. Thông điệp đi kèm: nhà điều hành sẵn sàng tạo cung ngoại tệ hỗ trợ thị trường với một mức giá chủ động xác định trong tương lai, đồng nghĩa với việc tạo chỗ dựa cho các thành viên tham gia trong trường hợp có biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Ngày đầu tiên, các tổ chức tín dụng đồng loạt đăng ký mua, lượng ngoại tệ bán kỳ hạn vượt mốc 500 triệu USD. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá đây là nhu cầu có quy mô khá lớn. Mà ngày giao dịch tiếp theo, quy mô đặt mua vọt lên khoảng 1 tỷ USD…
Giả sử nhu cầu và lượng đăng ký mua tiếp tục dồn lên nữa, thì sao?
Từng nhiều năm thực chiến trên thị trường ngoại hối với vai trò chuyên trách cấp cao của thành viên có thị phần hàng đầu - Vietcombank, ông Phạm Thanh Hà nắm rõ sự nhạy cảm của tâm lý thị trường. Nếu nhu cầu gây sức ép lớn, nếu nhà điều hành nao núng, niềm tin dễ bị lung lay; cái giá của niềm tin trên thị trường thường đắt đỏ.
"Có những điểm quan trọng và căng thẳng, cấp vụ chức năng có thể băn khoăn. Nhưng Thống đốc kiên định và quyết liệt, sẵn sàng đáp ứng để củng cố niềm tin trong điều hành và niềm tin trên thị trường", ông Hà chia sẻ lại với VnEconomy trong cuộc trò chuyện cuối năm, khi mà tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt và chữ "Tín" trong thông điệp điều hành được khẳng định.
Đến đầu 2019, thêm bước điều chỉnh giá mua vào ngoại tệ, cùng xử lý các cân đối trong lãi suất…, các tổ chức tín dụng đồng loạt hủy lượng mua ngoại tệ kỳ hạn nói trên. Và chỉ một tháng sau, Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào tới hơn 4 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối.
Hạ nhiệt điểm nóng tiềm ẩn
Những năm 2011 - 2013, tỷ giá USD/VND có những lúc căng thẳng. Là Phó thống đốc trực tiếp xử lý vấn đề tỷ giá và thị trường vàng, khi đó ông Lê Minh Hưng từng nói bên lề: nhìn ngoại tệ bán ra bình ổn, ngoại tệ xuất đi để nhập vàng như thấy máu chảy ở tay mình vậy. Vì khi đó, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia còn quá mỏng.
Rồi nguồn lực này liên tục lập kỷ lục trong năm 2017, nửa đầu 2018. Và cho đến đầu 2019, chính sách tiền tệ trải qua bảy tháng sóng ngầm để thực hiện mục tiêu bình ổn rồi trở lại mua ròng lượng lớn ngoại tệ.
Sóng ngầm không chỉ ở tỷ giá. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, áp lực lớn song song trong bảy tháng qua còn nằm ở lãi suất. Với các dòng chảy thông tin cập nhật trên thị trường, lãi suất từ trong 2018 đã là điểm nóng tiềm ẩn.
Bảy tháng, tính từ thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đẩy lên cấp độ cao vào tháng 5/2018, Nhân dân tệ rớt giá kỷ lục, và ngay sau đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gia tăng lãi suất. Một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt nâng theo.
Ông Phạm Thanh Hà cho biết, để ổn định tỷ giá, yêu cầu cân đối lãi suất, sự dồn đẩy và cộng hưởng từ nhiều yếu tố tác động trên thế giới, từ bốn đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed trong năm 2018, áp lực đối với ổn định lãi suất VND cũng rất lớn.
Thực tế, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động cập nhật từ nửa cuối 2018 tăng lên.
Nhưng, cùng với tỷ giá, điểm nóng tiềm ẩn này đang có xu hướng bình ổn và hạ nhiệt.
Từ đầu 2019, nhóm ngân hàng thương mại chiếm trên 50% thị phần tín dụng đã giảm lãi suất cho vay nhiều đối tượng, một cách thực chất (giảm cho cả dư nợ cũ). Lãi suất huy động khối này, cũng quanh 50% thị phần, ổn định ở mặt bằng thấp so với một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng lên thời gian qua.
Toàn hệ thống cũng vừa bước qua mùa cao điểm thanh toán, chi trả cận Tết Nguyên đán với thanh khoản ổn định. Thậm chí tuần cận Tết, một số ngân hàng thương mại lớn đã bắt đầu giảm lãi suất huy động VND.
VnEconomy