MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bé 2 tuổi mang vi khuẩn gây ung thư dạ dày: BS chỉ ra thói quen sai lầm nhà nào cũng mắc

29-05-2019 - 12:10 PM | Sống

Theo PGS Nguyễn Duy Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Tiêu hoá, gan mật Việt Nam cho biết tỷ lệ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP ở nước ta đang ở mức cao.

96,2 % trẻ em mang vi khuẩn này

Tại hội nghị khoa học tiêu hoá, gan mật do Viện Nghiên cứu và đào tạo gan mật tổ chức, PGS Nguyễn Duy Thắng cảnh báo tình trạng nhiễm vi khuẩn HP hay còn gọi H.pylori tên đầy đủ là Helicobacter Pylori là loại vi khuẩn duy nhất có thể sống trong môi trường acid dịch vị dạ dày.

Chúng tồn tại chủ yếu ở phần sâu của lớp nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày, tiết ra enzym urease gây độc cho tế bào niêm mạc.

PGS Thắng cho biết theo nghiên cứu của riêng ông trong 2 năm qua tỷ lệ nhiễm HP lên tới hơn 90%. Đặc biệt trong hơn 300 gia đình nghiên cứu nhiễm HP theo nhóm gia đình thì tỷ lệ mắc HP của trẻ em dưới 8 tuổi là 96,2 %, đặc biệt tỷ lệ ở bé trai rất cao. Đây là số liệu ban đầu vì hiện nay chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ mắc vi khuẩn HP trong gia đình.

 Bé 2 tuổi mang vi khuẩn gây ung thư dạ dày: BS chỉ ra thói quen sai lầm nhà nào cũng mắc - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Duy Thắng.

Tại Việt Nam trong cộng đồng nhiễm HP khoảng 55 - 70% và PGS Thắng cho rằng đây là con số cao so với Mỹ chỉ có 45%, Anh 47%, các nước ở Châu Âu chỉ có 15 – 35%, các nước công nghiệp phát triển khác chỉ 20 -13% dân số mang vi khuẩn này.

Vi khuẩn HP là thủ phạm gây ra viêm loét dạ dày. Người ta chưa chứng minh được vì sao vi khuẩn HP này gây ra viêm loét dạ dày nhưng các báo cáo nghiên cứu đều cho thấy sự có mặt của HP vô cùng nguy hiểm. Viêm loét dạ dày, bệnh tái đi tái lại, xung huyết dạ dày, chảy máu dạ dày và cái kết là ung thư dạ dày.

PGS Thắng nhấn mạnh HP được xem như thủ phạm gây ung thư dạ dày chưa có nghiên cứu rõ rệt cả thế giới đã chấp nhận HP chính là yếu tố số 1 gây ung thư dạ dày số.

Khi có 1 người trong gia đình bị nhiễm HP, các bác sĩ khuyến cáo cả gia đình đi thử HP qua test thì tỷ lệ lên tới hơn 80% trong gia đình cả nhà cùng nhiễm HP so với tỷ lệ nền của Việt Nam.

Vi khuẩn HP chủ yếu lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc chất phân. HP cũng có thể lây lan qua nước không được xử lý. Vi khuẩn HP xâm nhập cơ thể qua miệng và chuyển vào hệ thống tiêu hóa.

Con đường lây bệnh

Theo PGS Thắng mới đây nhất là trường hợp bé N. C. A (2 tuổi, trú tại Hà Nội) được gia đình đưa đi kiểm tra vi khuẩn HP và bé dương tính với vi khuẩn HP.

 Bé 2 tuổi mang vi khuẩn gây ung thư dạ dày: BS chỉ ra thói quen sai lầm nhà nào cũng mắc - Ảnh 2.

Vi khuẩn HP là yếu tố thuận lợi gây ung thư dạ dày

Trường hợp này cả gia đình bé nhiễm vi khuẩn HP. Mặc dù, chưa đặt ra điều kiện điều trị vi khuẩn nhưng tình trạng trẻ nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ em bị buồn nôn, đau bụng dưới rốn gia đình đưa đi kiểm tra đã bị viêm loét dạ dày và đều có sự tham gia của vi khuẩn HP. HP là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ đặc biệt trẻ dưới 8 tuổi.

Nhận biết trẻ có bị vi khuẩn HP bằng cách nếu gia đình có người nhiễm vi khuẩn này hoặc khi trẻ có dấu hiệu nôn, ẹo, đau bụng cần cho trẻ đi khám. Những trường hợp cả nhà cùng nhiễm HP, trẻ có biểu hiện viêm dạ dày thì có thể điều trị HP.

Điều trị HP, PGS Thắng cho biết cũng phải loại trừ theo tuổi ví dụ dưới 10 tuổi, dưới 18 tuổi có đối tượng loại trừ sử dụng các thuốc phù hợp và không điều trị các bé có dị ứng với thuốc. Việc điều trị theo phác đồ khoảng từ 7-10 ngày. Bệnh dễ tái phát vì vi khuẩn này có nhiều tuýp. Lần điều trị trước hết HP nhưng đợt khám sau lại thấy có sự xuất hiện của HP tuyp khác.

Con đường lây nhiễm HP, theo PGS Thắng tỷ lệ ở trẻ em cao bất thường như thế đó là do HP dễ lây lan. HP không lây qua đường hơi thở nhưng có thể lây qua nước bọt.

Thứ nhất: Qua đường ăn uống đồ ăn chưa nấu chín, cốc chén không vệ sinh. Ăn uống chung bát đĩa, chung bát chấm, thói quen gắp thức ăn cho nhau.

Thứ hai: Qua nước bọt. Những bà mẹ có vi khuẩn mớm cơm cho con hoặc đơn giản chỉ nhấm nháp chút cháo cho bé cũng có nguy cơ lây vi khuẩn HP cho bé.

Ngoài ra, việc trẻ ăn bán trú, vệ sinh bát đĩa không sạch sẽ cũng khiến tỷ lệ HP ở trẻ em cao hơn.

Thứ ba: qua nhân viên y tế nếu lấy cao răng, dụng cụ nội soi không sát khuẩn tốt thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Điều tốt nhất là phòng tối đa nhiễm HP cho trẻ. Cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hạn chế ăn uống chung bát đĩa, dùng đũa của bố mẹ cho con ăn.

Theo Tiểu Nhã

Trí thức trẻ

Trở lên trên