Bê bối ở Big4 kiểm toán: Nhân viên bị quấy rối, bắt nạt, phân biệt đối xử, sau đó là sa thải và ép phải ký vào bản thỏa thuận không tiết lộ vấn đề ra ngoài
Financial Times đã thực hiện một cuộc điều tra trong suốt 1 năm, với sự tham gia của 20 cựu nhân viên Big 4 kiểm toán. Những người này từng chủ động nghỉ việc hoặc bị sa thải dù là nạn nhân của tình trạng quấy rối và bắt nạt nơi công sở.
- 10-09-2019Chân dung người tiếp bước Jack Ma chèo lái Alibaba: Đi lên từ kiểm toán viên, kín tiếng đến mức từng bị nhầm là nhân viên tạp vụ nhưng tham vọng không hề kém nhà sáng lập
- 10-08-2018Lỗ hổng của ngành kiểm toán: Thế lực Big Four
- 09-08-2018Lỗ hổng lớn của ngành kiểm toán (P2): Khi tính thận trọng bị coi nhẹ
Lucy cố gắng lên một chiếc taxi để trốn gã quản lý. Anh ta cũng bước vào cùng cô, đi cùng cho đến khi Lucy ra khỏi xe. Sau đó, Lucy run rẩy, khóc lóc từ chối lời mời đi uống nước của ông ta. Trong khi đó Julia cảm thấy bản thân như bị đồng nghiệp tại chi nhánh Tokyo tẩy chay bởi cô không phải là người Nhật Bản. Cô chia sẻ mình phải chịu đựng hành vi bắt nạt được gọi là "mushi" - nạn nhân hoàn toàn bị các đồng nghiệp phớt lờ.
Những người này và các nhân vật trong cuộc điều tra đều đã từng làm việc tại 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới: EY, Deloitte, KPMG và PwC. Họ nằm trong số 20 cựu nhân viên của Big 4 chia sẻ với Financial Times về việc họ bị quấy rối, bắt nạt và phân biệt đối xử ở nơi làm việc trong suốt 1 năm diễn ra cuộc điều tra về việc các công ty đối xử với những người tố giác như thế nào.
Theo FT, kết quả là họ đều bị "ngó lơ", sau đó bị cô lập và cuối cùng là mất việc. Các điều khoản pháp lý chỉ đưa ra nhằm khiến các nạn nhân phải im lặng và làm theo, 9 trong số những người được phỏng vấn đều nói rằng họ bị ép phải ký các thoả thuận không được tiết lộ vấn đề này ra ngoài.
Một trong số các nạn nhân chia sẻ: "Tệ hơn cả vụ việc tôi phải chịu đựng là tôi cứ nghĩ rằng họ sẽ bảo vệ tôi, nhưng sau đó họ che đậy cho ông ta và đuổi việc tôi. Đó là điều gây tổn hại về lâu dài." Nhiều trong số những người dũng cảm tiết lộ sự thật cho rằng họ đã bị công ty đối xử như những nhân viên làm trái quy định, trong khi họ đang rất cần sự hỗ trợ.
Một cựu nhân viên nói: "Khách hàng của họ đến từ mọi ngành trên thế giới, từ các trường đại học cho đến chính phủ, doanh nghiệp và họ là những người tạo ra quy chuẩn về đạo đức. Rất khó để tôi chấp nhận rằng những người viết ra quy định cho các doanh nghiệp trên thế giới chính là những người cản bước nhân viên, không có đạo đức và sẵn sàng huỷ hoại cuộc sống của ai đó để bảo vệ danh tiếng."
Quấy rối ở nơi làm việc
Lucy vẫn nhớ ngày đầu tiên cô bắt đầu làm thực tập sinh kiểm toán tại EY - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Cô đã rất choáng ngợp khi thấy trụ sở của EY ở Anh và vui mừng khi được cung cấp điện thoại, máy tính và một thẻ tín dụng. Cô giãi bày: "Cảm giác lúc đó thực sự phấn khích. Tôi cảm thấy tự hào về bản thân và tôi khiến bố mẹ hãnh diện vì mình."
Được yêu cầu tham gia nhóm kiểm toán làm việc cho một khách hàng châu Á ở London, nhưng không lâu sau, Lucy cảm thấy không hề thoải mái. Một quản lý cấp cao ở nhóm này bắt đầu để mắt đến cô. Lucy đi lấy đồ ăn cho cả nhóm thì người này cũng nhất quyết đi cùng. Dù nhóm này ngồi làm việc theo hệ thống "hot desk", nhưng anh ta luôn ngồi cạnh Lucy.
Một buổi tối trước đêm Giáng sinh năm 2009, người này gửi một tin nhắn thoại với nội dung không mấy lịch sự cho Lucy. Cô thực tập sinh trẻ hy vọng đó chỉ là hành động không kiểm soát được khi đang say xỉn. Nhưng 1 tháng sau, người đàn ông này thậm chí còn có những biểu hiện kỳ lạ hơn. Anh ta khen Lucy "quyến rũ" và đi theo cô khi rời khỏi văn phòng, lên taxi cùng cô, ép phải đi uống rượu cùng mình. Khi Lucy khóc lóc và van xin, người đàn ông này mới rời đi.
Lucy báo cáo sự việc với bộ phận HR và được sắp xếp một cuộc gặp với quản lý trực tiếp, một đối tác và người quản lý nhóm kiểm toán. Cô chia sẻ, tại đây, cô đã phải ký cam kết đồng ý với lời xin lỗi của anh ta và được yêu cầu ký thêm một tài liệu khác - không có bản sao, rằng cô chấp nhận lời xin lỗi, đồng ý giữ kín chuyện này.
EY cho biết trường hợp này đã được điều tra vào năm 2010, dựa theo chính sách của công ty và hiểu rằng vấn đề này đã đi đến kết luận thoả đáng với cả 2 bên. Công ty phát biểu rằng, dựa trên những thông tin về vụ việc, họ không tìm thấy bằng chứng mới nào để đi đến một kết luận khác.
Phân biệt đối xử, tẩy chay vì không cùng quốc tịch
Julia đang lên kế hoạch thực hiện hành động pháp lý chống lại công ty mình, sau khi báo cáo các hành vi quấy rối không có tác dụng. Người mẹ trẻ chia sẻ rằng mới đây cô bị PwC Tokyo kỷ luật vì đưa con đến căng tin của văn phòng vì trường mẫu giáo đóng cửa khẩn cấp.
Đây là một trong nhiều vụ việc mà cô phải chịu đựng từ các đồng nghiệp, họ muốn "hạ bệ" và tẩy chay Julia tại nơi làm việc trong suốt 2 năm qua. Cô tin rằng tất cả những vấn đề này xuất phát từ suy nghĩ Julia "không phù hợp về mặt văn hoá" trong mắt đồng nghiệp và các quản lý.
Rắc rối bắt đầu hiện rõ với Julia khi quản lý của cô không đưa ra mục tiêu cụ thể dù đã hỏi lại rất nhiều lần. Cô chia sẻ, dần dần, cô không được tham gia các hoạt động hàng ngày cùng đồng nghiệp. Trong bảng đánh giá hàng năm, Julia được xếp hạng ở mức kém vì không đạt được mục tiêu - là những điều mà quản lý chưa từng đưa ra. Hành động này được gọi là "mushi" - có nghĩa là bị phớt lờ hoàn toàn.
Sau đó, Julia tin rằng, họ đang tẩy chay và muốn đuổi việc cô. Dù vẫn làm việc ở PwC nhưng cô bị tách biệt hoàn toàn. Giờ đây, người mẹ trẻ chỉ làm những việc "limbo" - được yêu cầu dịch thuật không phải chuyên môn của cô. Julia đã gửi đơn khiếu nại lên văn phòng lao động địa phương và PwC, trong khi đó, luật sư của cô đang dự định đưa ra cáo buộc chống lại PwC Nhật Bản vì giáng chức nhân viên bất hợp pháp.
"Yêu sách" của những "ông lớn"
"Trận chiến" pháp lý của Julia dường như rất khó khăn. Cách tiếp cận mạnh mẽ của Big 4 đối với các hành động này cũng khiến nhiều người tố giác khó chịu, vài người trong số từng được các luật sư khuyên rằng họ thực sự không nên đấu tranh. 2 cựu nhân viên cho biết công ty của họ đe doạ huỷ hoại danh tiếng nếu những người này vẫn quyết thực hiện hành động pháp lý.
Một số khác thì tin rằng các công ty cố ý kéo dài quá trình pháp lý để gây khó khăn cho những người khả năng tài chính yếu. một người phụ nữ chia sẻ, luật sư của cô cho biết yêu cầu bồi thường của một toà án lớn ở Anh sẽ mất ít nhất 2 năm để giải quyết và cô phải trả hơn 300.000 bảng. Không thể chi trả số tiền quá lớn đến vậy, cô làm theo lời tư vấn của luật sư và ký thoả thuận NDA (không tiết lộ thông tin).
Cựu chuyên gia HR nhận định: "Toàn bộ quá trình này sẽ khiến bạn kiệt sức và 'cạn tiền' cho đến khi bạn từ bỏ. Nhiều người chỉ muốn bước tiếp và đó là lý do tại sao các công ty không phải chịu trách nhiệm về những vụ việc như thế này."
20 nhân vật được FT phỏng vấn làm việc tại các trụ sở ở khắp nơi trên thế giới, từ San Diego, Tokyo cho tới London, nhưng những gì họ trải qua có nhiều điểm tương đồng. Hầu như đều phàn nàn về những nhân vật có chức vụ cao trong công ty. Gần như tất cả các trường hợp như thế này, thì các nạn nhân đều rời công ty trong vòng vài tháng vì quá lo ngại, trong khi những kẻ bị cáo buộc quấy rối vẫn ở lại. Theo một số nguồn tin nội bộ, lý do cho điều này là rất đơn giản: Big 4 muốn bảo vệ những người kiếm được nhiều tiền nhất, bất chấp việc này gây bất lợi cho một số khác trong đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, cấu trúc của Big 4 cũng là một nguyên nhân khác. Những người đảm nhiệm chức danh partner đã làm việc hàng thập kỷ để leo lên vị trí quyền lực đó. Tại Anh, những người này có thu nhập trung bình hàng năm từ 600.000 euro đến 900.000 euro. Và chỉ 1/5 trong số đó là nữ.
Một cựu chuyên gia về HR của Big 4 chia sẻ, các công ty này không muốn sa thải những nhân vật có hành động sai trái vì điều này sẽ làm suy yếu mô hình nhân sự, gây gián đoạn cho hàng ngũ nhân sự. Không như cấp bậc cao nhất của các công ty niêm yết lớn, các partner của Big 4 thường làm việc cùng nhau kể từ khi bắt đầu sự nghiệp và rất ít người bước ra khỏi vòng tròn đó.
Tham khảo Financial Times