MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán: Trung Quốc điều tra trách nhiệm PwC trong vụ Evergrande lừa đảo 78 tỷ USD doanh thu, Big 4 liệu có thành Big 3?

22-03-2024 - 15:39 PM | Tài chính quốc tế

Bê bối Enron đã khiến tập đoàn kiểm toán nổi tiếng Arthur Andersen sụp đổ vào năm 2001 khiến Big 5 thành Big 4, trong khi vụ Evergrande được cho là gây thiệt hại cao gấp hàng chục lần.

Hãng tin Bloomberg cho hay các cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra trách nhiệm của tập đoàn kiểm toán nổi tiếng PwC trong vụ Evergrande khai khống 78 tỷ USD doanh thu, tạo nên một trong những vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử.

Xin được nhắc lại rằng vụ sụp đổ của tập đoàn Enron năm 2001 cũng chỉ khai khống 600 triệu USD lợi nhuận, hay vụ Worldcom năm 1999-2002 cũng chỉ bị cáo buộc lừa đảo tài chính 11 tỷ USD. Thậm chí vụ lừa đảo mô hình đa cấp lớn nhất trong lịch sử của tỷ phú Bernie Madoff cũng chỉ khiến nhà đầu tư thiệt hại 64,8 tỷ USD.

Vụ việc Enron đã khiến Arthur Andersen, một công ty kiểm toán nổi tiếng nằm trong Big 5 thời đó sụp đổ và chỉ còn Big 4. Không chỉ bị các hãng khác xâu xé, Arthur Andersen với 89 năm lịch sử và 85.000 chuyên gia thì đến năm 2007 chỉ còn không đầy 200 người, chủ yếu để hầu tòa trong các vụ kiện của cổ đông trong các công ty khách hàng trước đây.

Bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán: Trung Quốc điều tra trách nhiệm PwC trong vụ Evergrande lừa đảo 78 tỷ USD doanh thu, Big 4 liệu có thành Big 3?- Ảnh 1.

Bởi vậy nếu vụ việc Evergrande bị các cơ quan điều tra mở rộng, đây sẽ trở thành một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử ngành kiểm toán. Hình ảnh của PwC sẽ bị ảnh hưởng trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ sụp đổ cũng như ảnh hưởng lan rộng toàn ngành.

Trước đó, Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cáo buộc công ty con Hengda của Evergrande ghi nhận khống doanh số bán hàng và phóng đại doanh thu lên gấp nhiều lần trong khoảng 2 năm cho đến năm 2020, trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn vỡ nợ.

Nguồn tin thân cận cho hay các quan chức Trung Quốc đang điều tra xem vai trò của PwC trong vụ việc này là gì khi công ty kiểm toán để xảy ra sai sót quá lớn gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.

"Lỗi cơ bản"

"Sai sót này là một trong những lỗi cơ bản nhất của ngành kiểm toán. Bởi vậy rủi ro mất danh tiếng của PwC không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn thế giới", Giáo sư môn thực hành kế toán Richard Murphy của đại học Sheffield-Anh khẳng định.

Vụ việc Evergrande diễn ra trong bối cảnh PwC đang gặp rất nhiều khó khăn khi hãng kiểm toán nổi tiếng thuộc nhóm Big 4 này phải giải quyết hậu quả nhiều vụ bê bối trên toàn cầu của mình, qua đó cắt giảm lao động hàng loạt từ Anh cho đến thị trường Canada.

Hoạt động của PwC chi nhánh Australia đã gặp chỉ trích vì tiết lộ kế hoạch thuế của chính phủ cho khách hàng, qua đó phải sa thải hàng loạt nhân sự. Tương tự ở Anh, hãng này bị phạt 5,6 triệu Bảng vào năm 2023 và vẫn đang phải khắc phục hậu quả từ bê bối tại Babcock International.

"Nghi vấn về trách nhiệm của PwC trong vụ lừa đảo tại Evergrande là rất lớn, nhất là mối liên quan trong vấn đề khai khống doanh thu", chuyên gia phân tích Nigel Stevenson của GMT Research nhận định.

Bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán: Trung Quốc điều tra trách nhiệm PwC trong vụ Evergrande lừa đảo 78 tỷ USD doanh thu, Big 4 liệu có thành Big 3?- Ảnh 2.

Trước đó vào tháng 12/2023, GMT đã đặt câu hỏi về báo cáo tài chính của Evergrande khi cho rằng tập đoàn này chưa bao giờ đạt được mức lợi nhuận như họ thông báo. Tuy nhiên Evergrande trả lời rằng nghi vấn của GMT là không có cơ sở khi báo cáo tài chính được một hãng kiểm toán danh giá thuộc Big 4 như PwC thực hiện.

Theo CSRC, ngoài thổi phồng doanh thu, công ty con Hengda còn thổi phồng lợi nhuận thêm 91,9 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 12,7 tỷ USD và chiếm ¾ thu nhập trong khoảng 2019-2020. Con số này cao gấp 20 lần lợi nhuận khai khống trong vụ bê bối Enron năm 2001.

Trước năm 2021, Evergrande cũng đã ghi nhận nhiều doanh thu khống dù dự án chưa hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua. Chiến lược này đã giúp tập đoàn ghi nhận tỷ lệ nợ thấp, qua đó bán trái phiếu dễ dàng hơn.

Sau đó do gặp khó khăn trong dòng tiền nên Evergrande bắt đầu rơi vào tình trạng vỡ nợ khi những căn nhà ghi nhận doanh thu trước đó không được hoàn thiện và bàn giao cho khách đúng thời hạn.

Mặc dù CSRC cáo buộc phần lớn trách nhiệm cho nhà sáng lập Hui Ka Yan của Evergrande nhưng vụ kiện có thể gây ra rắc rối pháp lý cũng như bê bối cực kỳ lớn cho PwC khi mắc lỗi kiểm toán cơ bản này.

Tập đoàn Evergrande đang tiến hành thủ tục thanh lý phá sản ở Hong Kong và những chủ nợ sẽ truy lùng PwC để chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc Hengda bị phạt 4,18 tỷ Nhân dân tệ do khai khống doanh thu sẽ khiến Evergrande càng khó trả hết nợ. Tính đến tháng 6/2023, tập đoàn này đang gánh khoản nợ lên đến 332 tỷ USD.

Bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán: Trung Quốc điều tra trách nhiệm PwC trong vụ Evergrande lừa đảo 78 tỷ USD doanh thu, Big 4 liệu có thành Big 3?- Ảnh 3.

Hậu quả nghiêm trọng

Năm 2023, Bộ tài chính Trung Quốc đã phạt kỷ lục 212 triệu Nhân dân tệ với Deloitte chi nhánh nước này, đồng thời đình chỉ hoạt động văn phòng ở Bắc Kinh trong 3 tháng vì lỗi kiểm toán ở China Huarong trong giai đoạn 2014-2019.

Hãng Huarong đã nhận được gói cứu trợ 6,6 tỷ USD năm 2021 sau khi lỗ lớn và mất khả năng trả nợ.

Trong vụ Evergrande, kiểm toán viên của PwC làm việc với tập đoàn này cũng như Hengda suốt 10 năm cho đến tháng 1/2023 thì xin từ chức vì "những bất đồng liên quan đến kiểm toán".

Số liệu cho thấy PwC có hơn 1.600 kiểm toán viên được chứng nhận ở Trung Quốc với doanh thu 7,9 tỷ Nhân dân tệ năm 2022, trở thành hãng kiểm toán lớn nhất trong số hơn 9.000 công ty tại thị trường này. Doanh thu toàn cầu của PwC lên đến 50,3 tỷ USD.

Ngoài Evergrande, hãng PwC cũng kiểm toán cho các tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Country Garden, Sunac China trước khi họ vỡ nợ.

Trong hơn 2 năm vừa qua, PwC đã rút lui khỏi ít nhất 10 tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Sunac, Shimao... với nhiều lý do không rõ ràng.

Theo các chuyên gia, hầu hết các hãng bất động sản Trung Quốc đều kiếm tiền bằng cách bán các hợp đồng chỉ mới xây dang dở và cam kết sẽ bàn giao sau vài năm. Người mua nhà đặt cọc và thế chấp tài sản để mua chúng. Số tiền này đáng lẽ phải được đưa vào một tài khoản ký quỹ và chỉ được giải ngân khi nhà đã được bàn giao cho khách.

Tuy nhiên, dòng tiền này thường bị "mất tích" bí ẩn ngay trước mắt các kiểm toán viên PwC cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra.

Mãi đến năm 2021-2022, Evergrande mới ghi nhận doanh thu từ những dự án đã bàn giao cho khách hàng, khiến báo cáo tài chính thay đổi một cách đột ngột và làm dấy lên những nghi ngờ lừa đảo.

Big 4 là bốn công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu hằng năm, bao gồm PricewaterhouseCoopers (PwC), Deloitte, Ernst and Young, và KPMG.

Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên