MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bé trai 7 tuổi nhập viện vì xi măng bắn lên người: Bỏng xi măng nguy hiểm ra sao?

11-06-2021 - 19:34 PM | Sống

Bé trai 7 tuổi nhập viện vì xi măng bắn lên người: Bỏng xi măng nguy hiểm ra sao?

Bỏng xi măng là chấn thương hy hữu, ít người biết tới. Người bị bỏng có thể còn không nhận ra xi măng đã gây ra vết bỏng cho tới 6 giờ sau đó.

Theo một báo cáo trên tạp chí Y học Cấp cứu (The Journal of Emergency Medicine), một bé trai 7 tuổi đã phải nhập viện sau khi vô tình bị hỗn hợp xi măng bắn lên người.

Một thành viên trong gia đình đang đổ xi măng và bé trai đang chơi ở gần đó, xi măng dội ướt đầu và khắp thân. Một lúc sau, vùng da bị dính xi măng đau rát và bị ửng đỏ. Bé nhanh chóng được đưa tới cơ sở y tế, tại đó nhân viên y tế rửa da cho bé bằng một chất hữu cơ gọi là polyethylene glycol.

Bé trai 7 tuổi nhập viện vì xi măng bắn lên người: Bỏng xi măng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 1.

Sau đó, bé trai được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, để đánh giá xem liệu vết bỏng của bé có cần điều trị thêm hay không. Tại đây, các bác sĩ xác nhận bé bị bỏng ngoài da - bỏng cấp độ một - trên đầu, cổ và thân mình. Họ cũng thấy rằng xi măng vẫn chưa được rửa sạch hoàn toàn - các hạt xi măng li ti vẫn còn bám trên da và tóc của bé trai.

Điều may mắn là trường hợp bé trai này đã sớm được rửa vết bỏng với nước, cho nên vết bỏng nhẹ và đã được xuất viện.

Bỏng xi măng là gì?

Bỏng xi măng là chấn thương do tiếp xúc lâu với xi măng hoặc xi măng lưu lại trên da trong một thời gian dài. Thành phần chính tạo ra xi măng là hợp chất canxi oxit, khi trộn với nước, canxi oxit sẽ có tính bazơ (tính kiềm) cao, có nghĩa là nó có độ pH cao.

Độ pH của một chất có giá trị từ 0 đến 14, trong khi xi măng ướt có thể có độ pH cao tới 14. Tiếp xúc với xi măng ướt không gây bỏng hóa học ngay lập tức, nhưng nếu tiếp xúc lâu với xi măng, hoặc xi măng lưu lại trên da trong một thời gian dài, nó có thể gây bỏng.

Các tác giả của báo cáo trên cũng cho biết thời gian trung bình từ khi tiếp xúc với xi măng ướt đến khi có dấu hiệu bỏng là sáu giờ. Do đó, mọi người có thể không nhận ra rằng xi măng đã gây ra vết bỏng cho họ.

Bé trai 7 tuổi nhập viện vì xi măng bắn lên người: Bỏng xi măng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 2.

Những người thường xuyên tiếp xúc các loại vật liệu xây dựng như vôi, vữa… có nguy cơ bỏng xi măng cao (Ảnh: Internet)

Xi măng ướt thường là nguyên nhân ít được công nhận là gây bỏng do kiềm. Các bác sĩ thường thấy loại chấn thương này ở người lớn sau khi tiếp xúc nhiều với xi măng. Bỏng xi măng ướt hiếm khi gặp ở trẻ em, các tác giả cho biết trường hợp của bé trai là duy nhất.

Cách xử lý thường gặp khi bị dính xi măng vào da là rửa kỹ với nhiều nước để loại bỏ xi măng ướt. Các bác sĩ đôi khi cũng sử dụng các loại dung dịch khác, bao gồm polyethylene glycol để rửa da, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đây là giải pháp thay thế tốt hơn nước, các tác giả cho biết. Nếu vết bỏng tiến triển xấu, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật.

Nguồn: Livescience

Theo Karry Trần

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên