Bên trong cuộc sống của các phú nhị đại Trung Quốc: Tiệc tùng thâu đêm, 'đốt tiền' không tiếc tay, nhưng luôn cô độc và thất bại khi thoát khỏi cái bóng của gia đình
Phú nhị đại là thế hệ giàu có thứ hai ở Trung Quốc. Bởi những hành động và phát ngôn ngông cuồng nên truyền thông và cư dân mạng luôn thể hiện thái độ ghét bỏ đối với nhóm người này. Tuy nhiên, đằng sau cuộc sống xa hoa của họ lại là những 'điểm tối' không ai muốn có.
- 19-06-2020Oằn mình vì đại dịch, giới nhà giàu ngậm ngùi nhìn khối tài sản 'bốc hơi' nhanh hơn cả trong khủng hoảng tài chính
- 15-06-2020Lo ngại bất ổn tăng cao, giới nhà giàu Hồng Kông ồ ạt 'ôm tiền' tháo chạy ra nước ngoài
- 27-05-2020Bán đất, bán tài sản để định cư, cho con đi du học nước ngoài, nhưng nhà giàu Trung Quốc đang tháo chạy khỏi phương Tây
Bước ra khỏi một club ở Bắc Kinh vào lúc 1 giờ 30 sáng, Mikael Hveem nhanh tay đặt một chiếc xe trên Uber. Anh chọn loại xe giá rẻ nhất và điều bất ngờ là khi chiếc xe đi đến, đó là một chiếc Maserati màu xanh đậm. Tài xế là một người đàn ông Trung Quốc khá trẻ tuổi, có khuôn mặt "búng ra sữa", tự giới thiệu mình là Jason.
Hveem hỏi anh ta rằng tại sao lại làm tài xế cho Uber bởi rõ ràng anh ta không cần tiền. Jason trả lời rằng anh muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là các cô gái. Khi lái xe quanh khu tập trung nhiều club ở Bắc Kinh, anh ta nghĩ rằng mình sẽ tìm được những cô gái sẽ bị hấp dẫn bởi 1 thanh niên 22 tuổi, vẻ ngoài sáng sủa và lái 1 chiếc xe thể thao.
Khi nghe câu chuyện từ một người bạn cũng từng ở trên chiếc xe này, tôi đã xin thông tin liên hệ với tài xế. Tôi tự giới thiệu mình qua WeChat với Jason và yêu cầu phỏng vấn. Anh ta ngay lập tức trả lời bằng một hình chụp màn hình, bao gồm nhiều bức ảnh phụ nữ… khỏa thân. Nhưng tôi giải thích rằng mục đích của tôi không phải tìm đến dịch vụ này và sau đó chúng tôi hẹn nhau đi uống café.
Hẹn gặp tại một quán café ở khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Jason Zhang có nhiều điểm khác biệt so với những thanh niên Trung Quốc cùng tuổi. Anh ta làm việc tại 1 công ty truyền thông chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế, nhưng dường như lại không quá bận rộn. Jason từng du học tại Mỹ nhưng là ở 1 học viện golf tại Florida nhưng 2 năm sau đó đã bỏ học. Cha của Jason là 1 giám đốc công ty nhân sự lớn, còn mẹ là quan chức chính phủ. Anh ta đeo một chiếc đồng hồ IWC có giá 5.500 USD vì đã mất chiếc đắt tiền hơn. Tôi hỏi rằng anh ta có bao nhiều tiền, Jason trả lời: "Tôi không biết. Nhiều hơn số tôi có thể tiêu."
Theo đó, tôi biết mình đã vô tình tìm thấy một "phú nhị đại", hoặc "thế hệ giàu có thứ 2" tại Trung Quốc. Cũng như Paris Hilton ở Mỹ nhiều năm trước đây, các phú nhị đại ở Trung Quốc thường được truyền thông đưa tin về những hành động chơi ngông nổi tiếng, ví dụ như: đốt 1 xấp tiền 100 tệ, các thành viên chụp ảnh quanh những chiếc ô tô thể thao xa xỉ hoặc có 1 người đang bóp cò súng trên đường đua. Ngoài ra, nhiều người còn shock khi năm 2013, báo chí đưa tin về bữa tiệc trụy lạc của các "phú nhị đại" tại 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Cách đây 5 năm, cư dân mạng cũng xôn xao với hình ảnh Vương Tư Thông – con trai của ông trùm bất động sản Vương Kiện Lâm và là người giàu nhất Trung Quốc ở thời điểm đó, cho cún cưng của mình đeo 2 chiếc Apple Watch bằng vàng. Thậm chí, các "rich kid" còn khiến nhiều người phẫn nộ khi họ tiết lộ thông tin mật của chính phủ. Do đó, chủ tịch Tập Cận Bình đã phải lên tiếng, nhắc nhở họ rằng "hãy nghĩ về gốc rễ của sự giàu có và học cách cư xử đúng mực."
Khi đó, Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc cũng đăng tải 1 bài báo, trong đó có viết: "Họ chỉ biết phô trương sự giàu có nhưng không biết cách tạo ra của cải." Trong khi đó, chính quyền 1 số địa phương cũng thực hiện các bước để giáo dục lại thế hệ này.
Sau 1 tuần tiếp cận với nhóm "rich kid", tôi đã thuyết phục được họ mời đến một trong những bữa tối gặp mặt thường xuyên. Khi đến nơi, tôi tự hỏi rằng liệu mình có đến nhầm chỗ không. Đó là một khu "vườn nướng" ngoài trời ở phía bắc Bắc Kinh, mọi người ngồi trên những chiếc ghế thấp đến nỗi như đang ngồi xổm, uống bia Yanjing rẻ tiền và ăn những xiên thịt. Bởi vậy, tôi gần như không thể nhận ra đâu là "tỷ phú" trong những người ở đây. Sau đó, 1 "phú nhị đại" bước vào, mặc áo ba lỗ, quần jeans và đi dép xỏ ngón. Điều khác biệt duy nhất là những chai rượu họ mang đến: champagne Pháp và một chai "quốc tửu" Mao Đài.
Martin Hang – người tổ chức bữa tiệc là biên tập viên của tạp chí Fortune Generation, giới thiệu các thành viên trong nhóm. Tại đó có khoảng hơn 10 người, bao gồm Wang Daqi – 30 tuổi, con trai của 1 nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng; Albert Tang – 20 tuổi, sinh viên ngành triết học tại Đại học Bard, bố của anh điều hành công ty xuất bản lớn tại Bắc Kinh; và Sophie Cheng – 27 tuổi, thành viên nữ duy nhất trong nhóm.
Baem chia sẻ, anh vẫn không rõ một người cần sở hữu tài sản giá trị bao nhiêu để trở thành một "phú nhị đại", nhưng Sophie đảm bảo rằng cô ấy đủ tiêu chuẩn, trong khi Martin lại không đồng ý. Cha mẹ của Sophie đã cung cấp cho cô khoản tiền lớn – hơn 100 triệu tệ, để đầu tư vào phim ảnh, game và các công ty chế biến thịt.
Họ bắt đầu uống rượu ngay khi đồ ăn vừa được phục vụ. Họ nâng ly, tán chuyện về công việc hay chuyện phiếm và hỏi thăm nhau như thể đã thân thiết từ rất lâu. Nhóm này có một người với biệt danh là "hoàng tử champagne" vì thói quen gọi đồ khi đi club, trong khi đó Lin Xin – 30 tuổi lại trò chuyện về công nghệ xác thực đồ cổ của công ty. Nhóm khác thì trêu đùa về việc những đứa trẻ "giả giàu" đi thuê rượu đắt tiền để bày trên bàn.
Trung tâm của bữa tiệc này là Martin. Được biết, anh ta là thành viên nổi bật của Hội tiếp sức thế hệ tinh hoa Trung Quốc (Relay) – một tổ chức phi lợi nhuận kết nối những "rich kid" ở Trung Quốc với mục đích giúp thế hệ giàu có thứ 2 cùng nhau phát triển tốt hơn. Được thành lập vào năm 2008, Relay hoạt động nhằm giúp các phú nhị đại gặp gỡ - những người gặp khó khăn trong tương lai về sự giàu có.
Martin cho biết, Relay khuyến khích các "rich kid" kế nghiệp gia đình hoặc ít nhất là đảm nhiệm vị trí quản lý trong đó. Trong năm, họ tổ chức các diễn đàn về những chủ đề như làm thế nào giảm tối đa thuế hoặc tối đa hóa lợi nhuận, và đến thăm công ty của người khác. Phí gia nhập là 200.000 tệ và các thành viên phải chứng minh rằng công ty gia đình họ đóng thuế hàng năm là ít nhất 50 triệu tệ.
Hạn chế lớn nhất đối với các công ty gia đình đó là hầu hết giới trẻ Trung Quốc lại không muốn làm việc cùng cha mẹ. Martin cho biết: "Họ không sẵn sàng làm điều đó, nhưng vẫn phải làm." Martin thực sự thấu hiểu điều này. Cha anh sở hữu 1 công ty quảng cáo, là 1 trong những công ty lớn nhất tỉnh Giang Tây.
Dẫu vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các phú nhị đại sau khi chu di khắp nơi đều miễn cưỡng trở về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Tốt nghiệp đại học, Martin tiếp tục theo học ngành quản lý tài chính tại Hà Lan. Sau đó, anh mua lại quyền kinh doanh của công ty game online tại Bắc Âu. Ở thời điểm đó, Martin rất tự tin về sự nhạy bén của mình. Anh kể lại: "Tôi cho rằng mình rất giỏi. Tôi là phú nhị đại và không thích nói chuyện với người khác."
Tuy nhiên, khi công việc kinh doanh ở Trung Quốc thất bại, anh lựa chọn vào làm việc tại công ty của bố. Martin chia sẻ: "Tôi có quyền lựa chọn. Tôi có thể làm việc khác nhưng điều đó sẽ khiến bố mẹ tôi vất vả hơn. Họ chưa bao giờ nói tôi phải kế nghiệp nhưng tôi cảm thấy đó là việc mình phải làm."
Ping Fan – 36 tuổi, phó giám đốc điều hành của Relay, đã chuyển đến Thượng Hải để thành lập công ty đầu tư riêng, thay vì làm việc tại công ty bất động sản của cha ở tỉnh Liêu Ninh. Anh nói mình lựa chọn Thượng Hải là vì có thể "xa gia đình".
Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia, Even Jiang (28 tuổi), nhanh chóng cân nhắc việc tham gia công ty nhập khẩu kim cương của mẹ, nhưng lại gặp bất đồng về hướng phát triển của công ty. Thay vào đó, cô làm việc tại Merrill Lynch, sau đó quay trở lại Thượng Hải để thành lập dịch vụ chăm sóc khách hàng, lấy cảm hứng từ American Express.
Trong khi đó, Liu Jiawen – 32 tuổi, gia đình sở hữu công ty đồ may mặc nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, nỗ lực khởi nghiệp với thương hiệu quần áo riêng. Cô nói: "Tôi muốn chứng tỏ năng lực của bản thân." Thế nhưng, công việc làm ăn của Jiawen cũng thất bại.
Trái với sự giàu có, các phú nhị đại thường phải trải qua những tổn thương về mặt cảm xúc. Đó là bởi, thế hệ doanh nhân của Trung Quốc đã trưởng thành trong một thời kỳ đặc biệt, đó là khi cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra. Do đó, họ rất nghiêm khắc và cũng thường giáo dục con theo cách này. Wayne Chen – 32 tuổi, nhà đầu tư giàu có thế hệ thứ 2, cho biết, hầu hết các phú nhị đại đều không cởi mở, họ ít khi tin tưởng ai đó, cũng giống như cha mẹ mình.
Quay trở lại với Zhang – tài xế Uber, anh từng học tại 1 trường nội trú bắt đầu tư khi còn học mẫu giáo, dù cha mẹ chỉ sống cách trường 1 quãng đường ngắn. Có lẽ, để bù đắp cho sự thiếu quan tâm, họ đã mua cho Zhang mọi thứ anh ta muốn, như hàng trăm chiếc ô tô đồ chơi. Năm ngoái, Zhang đã mua cho mình một chiếc Maserati. Tiệc từng thâu đêm suốt sáng là một cách để chàng "rich kid" quên đi sự nhàm chán, anh cho biết: "Nếu không đi club, tôi không thể ngủ được". Trong khi đó, anh chưa từng hẹn hò nghiêm túc với cô gái nào.
Wang (30 tuổi) chia sẻ về điều này: "Có lẽ tuổi thơ của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Tuổi thơ của chúng tôi không trọn vẹn và muốn kéo dài quãng thời gian làm con nít." Hầu hết các phú nhị đại đều là con một, đó là lý do tại sao có rất nhiều người đi du lịch theo nhóm vào cuối tuần. Wang nói: "Chúng tôi muốn được quan tâm và yêu thương."
Chia sẻ với tôi tại cuộc hẹn, Zhang nói rằng anh cũng từng ước mơ làm rất nhiều công việc, ví dụ như vận động viên chơi golf hoặc tay đua xe, bác sĩ… Tuy nhiên, anh nói: "Khi lớn hơn, bạn sẽ thấy được nhiều điều hơn và nhận ra rằng mục tiêu cũng chỉ là giấc mơ".
*Tham khảo bài viết của tác giả Christopher Beam trên trang Bloomberg