MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên trong kế hoạch thâu tóm thị trường trị giá 350 tỷ USD của Facebook

27-05-2017 - 17:33 PM | Tài chính quốc tế

Đó là một ngày làm việc bình thường giữa năm 2016 tại trụ sở của Facebook ở Menlo Park, California. Các kỹ sư đang ngồi thảo luận trên những chiếc ghế bành dài trong góc phòng, thì bỗng nhiên một trong số họ nảy ra một ý tưởng điên rồ.

Người kỹ sư này cho rằng sẽ không quá khó nếu Facebook xây dựng một hệ thống của riêng họ: một thiết bị viễn thông giúp truyền tải dữ liệu qua cáp và mạng không dây. Hệ thống này sẽ nhanh hơn về tốc độ nhưng lại rẻ hơn những sản phẩm đắt đỏ hiện đang được cung cấp bởi những ông lớn như Huawei, Ericsson, Cisco, hay Juniper Networks.

Ý tưởng của anh là Facebook sẽ chế tạo ra một loại thiết bị tiếp sóng tự lắp ráp giá rẻ (“white-box" transponder), được làm từ những bộ phận có sẵn như chip của Broadcom và Acacia Communications, bộ phận quang học của Lumentum và phần mềm của một trong rất nhiều khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực này.

Hans-Juergen Schmidtke, giám đốc kỹ thuật của Facebook lúc đó cũng đang tham gia cuộc thảo luận. Ban đầu anh tỏ ra khá băn khoăn. Sau này khi chia sẻ với trang Business Insider, anh cho biết mình đã “hoài nghi khi nghe thấy ý tưởng này lần đầu". Từng là một cựu kỹ sư làm việc tại Juniper Networks, kinh nghiệm mách bảo Schmidtk rằng xây dựng một hệ thống thiết bị viễn thông là một công việc vô cùng đắt đỏ, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dày dặn kinh nghiệm và một ngân sách cho việc R&D không nhỏ.

“10 năm trước, việc xây dựng một hệ thống như vậy cũng tương tự như thành lập một công ty mới vậy” - Schmidtke chia sẻ.

Tuy vậy Schmidtke vẫn đồng ý giúp đỡ nhóm kỹ sư này xây dựng một hệ thống như vậy tại một trong những cuộc thi hackathon của Facebook. Ba tháng sau, nhóm kỹ sư này đã cho ra đời một sản phẩm thử nghiệm. Sáu tháng sau đó, vào ngày 1/11, Facebook công bố với thế giới rằng họ có một sản phẩm thực thụ với tên gọi Voyager.

Thông tin về sản phẩm mới này ngay lập tức gây sốc khắp ngành công nghiệp viễn thông, khiến những ông lớn trong thị trường này cảm thấy miếng bánh béo bở họ kiểm soát hàng thập kỷ qua đang có nguy cơ bị chia lại - và phần lợi sẽ không thuộc về họ nữa.

Kẻ nỗ lực làm điều đó không ai khác chính là Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh mà nguồn doanh thu chủ yếu tới từ quảng cáo trực tuyến - với mục tiêu cố gắng kiểm soát chính vấn đề hạ tầng kỹ thuật. Rủi ro cho các công ty viễn thông đang lớn hơn bao giờ hết, khi họ bắt đầu chứng kiến những sản phẩm của mình có nguy cơ trở thành một thứ hàng hoá rẻ rúng.

Voyager đã được thử nghiệm bởi Facebook và Telia, một công ty viễn thông ở châu Âu, thông qua mạng lưới viễn thông hàng nghìn km của công ty này. Một công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Đức với tên gọi ADVA Optical Networking cũng đang tiến hành sản xuất loại sản phẩm mới này và họ cho biết gần đây đã có 9 khách hàng yêu cầu dùng thử, bao gồm các công ty viễn thông lớn và các doanh nghiệp. Orange, nhà mạng có trụ sở tại Paris, Pháp cũng đang phối hợp với Equinix và MTN, một công ty viễn thông ở châu Phi để thử nghiệm Voyager.

“Việc một dự án được khởi động chỉ với vài kỹ sư trong vòng 6 tháng đã tạo ra một hệ thống như vậy, cho thấy thế giới đã thay đổi quá nhiều" - Schmidtke chia sẻ.

Một nhân vật giấu danh tính cũng chia sẻ với tờ Business Insider rằng Schmidtke luôn tự hào về sản phẩm Voyager, và anh đã trở thành một “ngôi sao" trong thế giới công nghệ. Khi anh và các đồng nghiệp tới các sự kiện hội thảo, mọi người thường nhìn họ với ánh mắt ngưỡng mộ như nhìn những thần tượng.

Đó chỉ là điểm khởi đầu

Voyager chỉ là sản phẩm đầu tiên và là điểm khởi động quan trọng trong dự án non trẻ có tên Telecom Infrastructure Project (TIP - Dự án Hạ tầng Viễn thông), một liên hiệp được dẫn dắt bởi Facebook và ra mắt lần đầu tại hội nghị Di động Thế giới ngày 21/2/2016.

TIP là một nhánh của một tổ chức có sứ mệnh tương tự được Facebook ra mắt vài năm trước với tên gọi Open Compute Project (OCP - Dự án Tính toán Mở). Mục đích khi tạo ra OCP và TIP của Facebook là nhằm nắm quyền kiểm soát hệ thống công nghệ đang hỗ trợ khoảng 1,8 tỷ người dùng của họ trong việc đăng hàng tỷ bức ảnh, video và trạng thái mỗi ngày.


Hans-Juergen Schmidtke.

Hans-Juergen Schmidtke.

Facebook đã nghiên cứu và thiết kế các thiết bị IT trong nhiều năm trời: những thứ như máy chủ, ổ cứng hoặc hệ thống lưu trữ, và mạng lưới lưu trữ dữ liệu. Facebook cho rằng các thiết bị của họ thường rẻ hơn cũng như dễ bảo trì hơn so với những sản phẩm thông dụng trên thị trường của các hãng Dell, HP, EMC, và Cisco.

Những công ty công nghệ lớn như Amazon hay Google thường xây dựng nền tảng công nghệ của riêng họ. Facebook đặc biệt hơn ở chỗ họ thường cho phép những cá nhân bên ngoài đóng góp vào công nghệ của mình, và có những nhà sản xuất sẵn sàng bán các sản phẩm được tạo ra. Hình thức này được gọi là mô hình mã nguồn mở dành cho các thiết bị phần cứng.

Bằng cách này, Facebook đã tận dụng được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng trong việc duy trì và phát triển hạ tầng công nghệ của mình. Ở chiều hướng ngược lại, cộng đồng có cơ hội tiếp cận miễn phí với những công nghệ được xây dựng cho những nhu cầu cụ thể.

OCP đã tạo ra những thay đổi to lớn trong nền công nghiệp lưu trữ dữ liệu, và thậm chí còn tạo ra một làn sóng những người mộ đạo trong giới. Ví dụ như, khi Apple - công ty nổi tiếng với việc giữ bí mật sản phẩm - từ chối gia nhập cộng đồng OCP khiến các kỹ sư phần mềm của họ không thể tương tác được với những người khác trong giới, những kỹ sư này đã lập tức nghỉ việc. Họ tự đứng ra thành lập một khởi nghiệp có tên là SnapRoute và xây dựng mạng lưới phần mềm cho cộng đồng OCP - và câu chuyện dĩ nhiên chưa dừng lại tại đó. Apple sau đó đã phải quyết định gia nhập OCP, và điều thú vị là phần mềm của SnapRoute tạo ra đã được lựa chọn cho sản phẩm Voyager.

OCP đã tạo ra rất nhiều cạnh tranh cho các ông lớn trên thị trường phần cứng như Hewlett Packard và Dell, khiến họ quyết định lựa chọn gia nhập tổ chức này và đi theo mô hình sản phẩm “white-box". Nếu không, họ sẽ buộc phải vật lộn trong vô vọng với việc bán sản phẩm cho các công ty lớn với những trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất thế giới - như Facebook, Microsoft, Goldman Sachs và rất nhiều tên tuổi khác.

Chỉ còn lại một mảng quan trọng nằm ngoài cuộc cách mạng phần cứng miễn phí với mã nguồn mở của OCP: viễn thông. Đó chính là những thiết bị kết nối các gia đình, doanh nghiệp và trung tâm dữ liệu cách xa nhau thông qua cáp ngầm dưới biển, hệ thống không dây vv..

Những gã khổng lồ trong ngành viễn thông sẵn sàng bỏ hàng triệu đô la cho một thiết bị như vậy. Họ cũng đang tìm kiếm một OCP của chính mình - Facebook đã phát hiện ra điều đó khi họ khởi động dự án Internet.org, một chương trình mang Internet tới với các quốc gia chậm phát triển.

“Khi chúng tôi phát triển Internet.org với mục tiêu giúp đỡ nhiều người kết nối Internet hơn, chúng tôi nhận ra rằng mình có thể tạo ra một tổ chức gọi là OCP nhằm hỗ trợ những cộng đồng lưu trữ dữ liệu xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả, giá trẻ, linh hoạt, và thân thiện với môi trường hơn. Rồi chúng tôi tự hỏi rằng mình có thể làm điều đó trong ngành viễn thông hay không?” - Phó chủ tịch phụ trách công nghệ của Facebook, Jay Parikh cho biết.

“Với những kinh nghiệm từ OCP, Facebook có thể đóng vai trò tạo ra chất xúc tác. Chúng tôi sẽ đầu tư con người và tiền bạc vào một thứ công nghệ có thể giải quyết những vấn đề này, và chúng tôi sẽ đóng góp tài sản sở hữu trí tuệ đó vào hệ sinh thái chung để tất cả mọi người đều được hưởng lợi" - Parikh chia sẻ thêm. “Voyager là một ví dụ điển hình, và nó thật kỳ diệu - giống như chúng tôi đã giải quyết được bài toán và hàng tá các ông lớn đang vật vã tìm câu trả lời".

Bắt tay với những đối tác lớn

Ông Alex Choi, giám đốc công nghệ của SK Telecom (Hàn Quốc) cũng đồng ý rằng những nhà khai thác viễn thông như SK Telcom cũng muốn sở hữu những thiết bị nhanh hơn, rẻ hơn và mở hơn giống như những ý tưởng mà Facebook đang thực hiện.

“Ý tưởng này đều bắt nguồn từ Facebook. Mark Zuckerberg luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối những gì còn đang bỏ ngỏ" Choi nói.

Năm 2015 và 2016, Zuckerberg đã tham dự hội nghị Di động Thế giới, phát biểu và nói chuyện với những người đứng đầu của các công ty viễn thông lớn trên thế giới. Anh muốn biết điều gì đã ngăn trở các công ty viễn thông khỏi Internet, và phát hiện ra rằng các nhà mạng đã phải tốn rất nhiều tiền nếu muốn mang dịch vụ viễn thông của họ đến với những miền đất xa xôi trên thế giới.

Facebook muốn giúp họ cắt giảm những chi phí này. Nhưng thực ra chính các quốc gia phát triển tại châu Âu, châu Á và và Mỹ cũng gặp vấn đề tương tự. Mọi người đang mua nhiều thiết bị công nghệ hơn và quay nhiều video hơn bao giờ hết. Và với sự phát triển của Internet of Things (Vạn vật kết nối), hàng triệu đồ vật đang cùng gia nhập Internet, và “giao tiếp" với nhau thông qua hệ thống viễn thông.

Ông Choi cho rằng nhu cầu về lượng truy cập là rất lớn và đang ngày càng gia tăng. “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải lắp đặt nhiều trung tâm, tìm nhiều địa điểm, đầu tư nhiều hơn vào sợi cáp, đường mạng chính và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ". Nhưng những công ty viễn thông không thể đòi hỏi người dùng trả tiền để chi trả cho những chi phí này. Thực tế là người dùng ngày càng yêu cầu được sử dụng dữ liệu mạng nhiều hơn với một mức giá cước rẻ hơn.

Ông Choi cũng khẳng định dù Zuck không thực sự điều phối công việc của TIP, anh ta đã “truyền cảm hứng cho mọi người”.

Khi được những nhân viên của Facebook tiếp cận để đề xuất về việc thành lập một tổ chức mới với sứ mệnh như đã nói trên đây, Choi rất thích ý tưởng này và đồng ý trở thành chủ tịch của tổ chức TIP.

Đó thực sự là một cuộc cách mạng

OCP đã phát minh ra rất nhiều phần cứng “chất lừ" cho những trung tâm dữ liệu. Choi cho rằng trước đây các nhà mạng chưa bao giờ ngồi lại với nhau để tạo ra một thiết bị của riêng mình. “Các nhà mạng đã quá lệ thuộc vào những nhà buôn lớn có tên tuổi. Chúng tôi đã liên tục thúc ép họ đưa ra nhiều cải tiến hơn để hạ mức giá trên trời xuống. Họ cũng tạo ra những tiến triển, song tốc độ thay đổi lại quá chập so với kỳ vọng của chúng tôi. Bạn có thể làm gì trong tình cảnh đó? Tốt nhất là tự tìm hướng đi cho mình".

Axel Clauberg, phó chủ tịch của nhà mạng Deutsche Telekom hoàn toàn thấu hiểu những suy nghĩ của Choi. Ông lần đầu tiếp xúc với những thành viên của Facebook năm 2015 khi cùng hỗ trợ OCP mở rộng các mối quan hệ.

Thời điểm các công ty viễn thông có thêm động lực gia nhập OCP bởi Facebook đã hướng dẫn họ xây dựng mạng lưới kết nối máy tính mới. Facebook đã đưa tất cả những tính năng phức tạp, tinh vi ra khỏi những phần cứng và đặt chúng vào bên trong các phần mềm. Trong hệ thống doanh nghiệp, nó được gọi là Software-Defined Networking (mạng lưới kết nối được xác lập bằng các phần mềm). Trong thế giới của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, nó được gọi là Network Function Virtualization (Mạng lưới kết nối số hoá - NFV).

Facebook không hề tạo ra SDN hay NFV, nhưng OCP và TIP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những hệ thống này phát triển. OCP đã cung cấp những công nghệ phù hợp cho các nền tảng phức tạp như Facebook, hoặc cho mạng lưới viễn thông khổng lồ như AT&T.

“Chúng tôi đang đối mặt với sức tăng trưởng theo cấp số nhân, và chúng tôi cần phải làm gì đó" Clauberg khẳng định.

Ông cũng cho rằng còn một vấn đề nữa không kém phần quan trọng, bên cạnh nguồn ngân sách có hạn và sức tăng trưởng khổng lồ - đó là cuộc chiến nguồn nhân lực. Vài thập kỷ trước, những kỹ sư viễn thông và phần cứng đã đầu quân cho các công ty viễn thông để tạo ra những thứ mới mẻ thú vị - như mạng di động chẳng hạn. Sau đó họ tới những công ty như Cisco để xây dựng hệ thống công nghệ đặt nền móng cho mạng Internet. Ngày nay, họ trực tiếp đầu quân cho những công ty Internet như Google và Facebook để tạo ra những sản phẩm phần cứng mới, bởi những công ty này không muốn lệ thuộc vào các nhà buôn.

TIP tạo cơ hội cho các kỹ sư tiếp cận với những bộ óc vĩ đại nhất mà không làm họ khó chịu.

Clauberg nói rằng trước đây, những kỹ sư mới ra trường thường gia nhập các nhà mạng, sau đó là các nhà cung cấp, và giờ đây là các công ty Internet. “Điều thú vị là với OCP hay TIP, tất cả những đơn vì này đều làm việc với nhau. Và thế là chúng ta có một sân chơi nơi tất cả mọi người từ những công ty Internet, các khởi nghiệp, các nhà buôn lớn, các nhà mạng... tất cả đều ngồi lại với nhau và định hình ra hạ tầng công nghệ của tương lai".

Clauberg cũng gia nhập TIP với tư cách một thành viên trong hội đồng quản trị, cùng với Choi. Đây là những bước đi đầu tiên đầy triển vọng. SDK và DT là những nhà mạng hiện đại nhất thế giới và là hình mẫu cho những đơn vị khác. Facebook cũng đang thuyết phục bà Caroline Chan, phó chủ tịch của Intel gia nhập TIP - điều này thực sự không có gì khó khăn bởi Intel cũng là một thành viên sáng lập của OCP. Còn TIP thì đang có những bước phát triển ban đầu đầy thuận lợi.

Thế nhưng, TIP còn có một thành viên sáng lập rất đặc biệt khác: Laurent Le Gourrierec - Phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Nokia.

Bước đi can đảm của Nokia

Các thiết bị viễn thông được lắp ráp cơ bản cùng với các phần mềm là một mối đe doạ to lớn đối với thị trường thiết bị viễn thông trị giá nhiều tỷ USD, vốn đang được thống lĩnh bởi những tên tuổi như Huawei Technologies, Ericsson, Cisco, ZTE, và Nokia.

Và Voyager không phải là sản phẩm duy nhất đang tạo ra mối đe doạ đó. Một dự án của TIP với tên gọi OpenCellular đang nghiên cứu một hệ thống trạm gốc mã nguồn mở 4G LTE/LTE, với cả phần cứng và phần mềm.

Axel Clauberg, Phó Chủ tịch nhóm Đổi mới Công nghệ, Deutsche Telekom.
Axel Clauberg, Phó Chủ tịch nhóm Đổi mới Công nghệ, Deutsche Telekom.

Theo ông Choi thì mục tiêu của TIP là muốn “dân chủ hoá" công nghệ, giúp cho bất kỳ ai cũng có cơ hội được xây dựng, sử dụng và điều chỉnh chúng. Điều đó có nghĩa là bạn phải lấy lại công nghệ khỏi tay của các nhà cung cấp thiết bị, những người đang độc quyền với các trạm radio và hệ thống trạm gốc hiện nay.

Theo chuyên gia phân tích Rohit Mehra, phó giám đốc của IDC Network Infrastructure thì những ảnh hưởng của TIP sẽ không đến một sớm một chiều. Nhưng mục tiêu của họ thực sự đã quá rõ ràng: đặt thị trường thiết bị viễn thông trị giá khoảng 350 tỷ USD bao gồm phần mềm, phần cứng và các dịch vụ vào tầm ngắm.

“Đây không phải lần đầu tiên Facebook nỗ lực làm điều này. Họ đã phần nào thành công với OCP. Dự án Hạ tầng Viễn thông (TIP) gây chấn động không chỉ đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, mà còn đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông. Mặc dù vậy, trong trường hợp này các nhà mạng cũng được lợi bởi dự án này giúp họ có thêm hạ tầng công nghệ tiết kiệm chi phí hơn".

Điều đó cũng có nghĩa là TIP, bằng cách này hay cách khác, đang đe doạ mảng kinh doanh viễn thông chính của Nokia. Thế nhưng Nokia lại là một đối tác thân thiết của Facebook và một nhà cung cấp thiết bị viễn thông gia nhập TIP với tư cách thành viên sáng lập, và thành viên hội đồng quản trị.

Le Gourrierec, Phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Nokia đã giải thích điều này bằng một câu nói nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln:

“Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó" - Ông chia sẻ với Business Insider. “Bạn luôn thấy những nhà sản xuất thiết bị nói rằng thế giới này luôn thay đổi, và vì thế cần cố gắng tiếp tục làm tốt những gì chúng ta đã làm. Thế nhưng sự thật là thế giới này luôn luôn thay đổi, và điều nên làm là bạn cần tham gia một cách tích cực trong việc định hình lại tương lai".

Le Gourrierec tin tưởng rằng nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, TIP và Facebook sẽ giúp tạo ra nguồn khách hàng mới sử dụng dịch vụ viễn thông, những người đang sống ở các quốc gia kém phát triển và chưa bao giờ tiếp cận với các dịch vụ viễn thông - Internet.

Từ “gián điệp" tới một thành viên trong cộng đồng

Nokia đã không hề run sợ khi Facebook chế tạo thành công Voyager. Le Gourrierec nói rằng những kỹ sư của họ nghĩ sẽ có thể học hỏi được điều gì đó từ sản phẩm này.

Ngoài Nokia, cũng có khá nhiều công ty sản xuất thiết bị viễn thông khác cũng gia nhập TIP. Hiện tại thì có khoảng 100 công ty như vây. Tuy nhiên Choi, Clauberg, và Le Gourrierec khẳng định rất nhiều trong số họ chỉ đang dè dặt quan sát, thay vì đóng góp tích cực cho tổ chức.

Hiển nhiên khái niệm mã nguồn mở không dễ để thực thi: nó đòi hỏi tất cả mọi người phải đóng góp ý tưởng nhằm giúp cộng đồng phát triển.

Một cách mà TIP đang áp dụng để khuyến khích các thành viên tham gia tích cực hơn là đưa ra một cách tiếp cận mới đối với việc chia sẻ các tài sản sở hữu trí tuệ. Những thành viên không bắt buộc phải chia sẻ tất cả những ý tưởng và bí mật công nghệ quý giá giống như cách họ phải làm ở OCP hay tại các tổ chức mã nguồn mở như Linux.

Thay vào đó, các thành viên của TIP có thể lựa chọn việc sử dụng một phương thức chia sẻ đã phổ biến từ lâu, gọi là Điều khoản Hợp lý và không Phân biệt (Reasonable And Non-Discriminatory Terms). RAND cho phép các công ty thu một khoản phí nhỏ mỗi khi ai đó sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của họ, miễn là mức phí này hợp lý và công nghệ được sử dụng kia vẫn cho phép tất cả mọi người cùng tiếp cận một cách vô tư nhất. Ví dụ như công ty đó không được phép đẩy giá lên quá cao hơn so với đối thủ.

Các thành viên hội đồng quản trị của TIP cũng khuyến khích những thành viên của họ gia nhập bằng cách cam đoan rằng TIP cũng sẽ đem lại rất nhiều cơ hội kinh doanh, ngay cả khi TIP đã thành công trong việc biến các thiết bị phần cứng thành những chiếc “white-box" giá rẻ, phổ thông. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng lúc đó có thể phát triển các phần mềm mới bao gồm các gói thuê bao béo bở, tương tự như việc các startup phát triển phần mềm đã làm trong hệ sinh thái của OCP.

Theo Le Gourrierec, trên thực tế Nokia hiện cũng đang thử nghiệm một sản phẩm phần mềm chất lượng cao có khả năng vận hành với mức chi phí thấp, và bằng mạng lưới phần cứng máy tính phổ thông. Điều này hướng họ về hoạt động kinh doanh nhiều hơn là cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.

TIP cũng khuyến khích các kỹ sư và các công ty thành viên tạo ra một văn hoá làm việc nhóm - thứ sẽ giúp các kỹ sư trong ngành viễn thông học được triết lý "work fast and break things" (làm việc nhanh, không ngại sai sót) trong thế giới Internet.

“Điều mà chúng tôi được chứng kiến nhiều nhất trong 1,5 năm qua ở TIP là mọi người luôn hỏi: Làm sao tôi có thể thay đổi văn hoá của mình để có thể tiến lên nhanh hơn?” - Parikh từ Facebook chia sẻ.

Viễn thông là một thế giới mà “làm việc nhanh" vốn không thực sự phù hợp - bạn sẽ làm hỏng cả hệ thống và bị sa thải.

Văn hoá làm việc nhóm đã trở thành một điểm bắt đầu mà các kỹ sư cần làm quen khi gia nhập TIP. Và tiếp đó họ có thể mang những ý tưởng này vào công việc. Nó giúp những kỹ sư trở nên cởi mở hơn trong văn hoá chia sẻ.

Nỗi sợ mang tên Facebook

Một vấn đề thường xuyên được đem ra thảo luận ở TIP là Facebook đang ngày càng trở nên quyền lực. Thậm chí là quá quyền lực. Sau khi Facebook khởi động Voyager, họ đã là chủ đề được bàn tán nhiều nhất ở hội nghị Di động Thế giới.

Facebook đang chế tạo các thiết bị cùng với TIP và OCP, sở hữu những trung tâm dữ liệu hàng đầu, có hàng loạt những tài năng công nghệ cỡ khủng, và đang bắt đầu lắp đặt hệ thống cáp viễn thông riêng - bao gồm cả hệ thống cáp ngầm siêu tốc phá kỷ lục mà họ phối hợp cùng Nokia - nối New York và Ireland.

Laurent Le Gourrierec, phó chủ tịch của các đối tác chiến lược tại Nokia.
Laurent Le Gourrierec, phó chủ tịch của các đối tác chiến lược tại Nokia.

Facebook còn có triển vọng trở thành một nhà mạng hùng mạnh và một đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nay mai, và một số người e ngại rằng Facebook sẽ làm được điều mà Amazon từng làm với Amazon Web Services hoặc Google từng làm với Google Cloud và Google Fiber.

Nhưng Parikh khẳng định Facebook không hề có nhu cầu làm điều đó. “Chúng tôi không có ý định vận hành bất cứ mạng lưới viễn thông nào. Chúng tôi đang cố gắng để giúp các nhà mạng giải quyết vấn đề của họ” - anh chia sẻ. Cốt lõi của ý tưởng này là giúp mọi người học cách chia sẻ và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Ông Choi từ SKT phủ định khả năng Facebook sẽ trở thành một mối đe doạ, và các nhà mạng sẽ được nhiều hơn mất trong cuộc chơi này: “Tôi có thể hiểu được những lo ngại của họ, điều này là rất bình thường bởi những nhà mạng luôn luôn cảm thấy bị đe doạ bởi những công ty Internet như Amazon, Google, and Facebook. Trong dài hạn, tôi tin tưởng vào lợi ích chung”.

Ông Choi cũng nhấn mạnh rằng khi Amazon xây dựng mạng lưới điện toán đám mấy, họ đồng thời tạo ra những thị trường trị giá nhiều tỷ USD và tạo ra lợi ích cho tất cả. Điều đó cũng có thể sẽ xảy ra đối với lĩnh vực viễn thông.

Không phải ai cũng tin rằng TIP sẽ thành công. Mehra từ IDC cho rằng dự án này đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ, và hai công ty buôn bán thiết bị viễn thông lớn nhất là Ericsson và Huawei hiện vẫn có nhiều cơ sở để “không bận tâm" về dự án này.

“TIP có nhiều cơ hội để phát triển trong những năm tới. Nhưng những thách thức thậm chí còn lớn hơn. Họ đang cùng lúc làm việc trên 4 - 5 hệ thống hạ tầng viễn thông của các nhà cung cấp khác nhau, với các nền tảng công nghệ khác nhau".

Tất cả những thành viên hội đồng TIP khẳng định rằng hiện dự án vẫn đang ở trong giai đoạn đầu và hoàn toàn có thể thất bại. Nó có thể thất bại miễn là có thể thu hút được sự chú ý của công chúng, và để tạo ra những sản phẩm là tương lai của thế giới.

Nhưng họ vẫn tin rằng nó có thể thành công.

***

“Ngày nay hầu hết các công ty viễn thông đều đang giữ nguyên hiện trạng của hình, nhưng từ trong thâm tâm họ đều thực sự mong chờ sự thay đổi. Họ muốn những bước đột phá. Và họ cần phải làm được điều đó bằng cách hợp tác với Facebook và những đối tác khác. Chúng tôi mong muốn áp dụng được tất cả những tiến bộ công nghệ vào ngành viễn thông, và điều đó chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho cả các nhà mạng và những người dùng - cho tất cả mọi người” - Mehra chia sẻ.

Theo Lyly Spyderum

Trí thức trẻ

Trở lên trên