Bệnh nhân thiếu chỗ nằm, bệnh viện nghìn tỷ xây mãi chưa xong
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương xuống cấp, bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang, trong khi công trình bệnh viện cơ sở mới vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, liên tục trễ hẹn về đích.
- 01-11-2023Hàng loạt bệnh viện phía Nam thiếu máu, do đâu?
- 30-10-2023Bệnh viện Da liễu Nghệ An nợ lương toàn thể cán bộ nhân viên 3 tháng liền
- 28-10-2023Nhìn gần ký túc xá xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa an toàn bệnh viện ở TPHCM
Bệnh viện thiếu thuốc, chỗ nằm cho bệnh nhân
“Do phòng bệnh nhân thiếu chỗ, tôi được bố trí nằm ở khu vực hành lang, chi phí vẫn phải thanh toán như nhau. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là tuyến cuối, người bệnh đông nên dù nằm ngoài hành lang, tôi cũng không trách bác sĩ, có chỗ là tốt rồi”- bà N.T.M (ngụ phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), bệnh nhân đang điều trị ở khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết.
Không chỉ thiếu chỗ nằm, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc, bệnh nhân được bác sĩ kê đơn ra bên ngoài mua, bao gồm cả trường hợp có bảo hiểm y tế. “Do bệnh viện thiếu một số thuốc điều trị, dụng cụ y tế, nên tôi phải bảo người nhà ra bên ngoài mua vào. Một số xét nghiệm cũng phải sử dụng dịch vụ của cơ sở y tế tư nhân”- ông T.V (ngụ Bình Dương) nói và cho biết ông có bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do công tác đấu thầu. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín, từ đầu năm 2023 khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế rất nhiều. Bình Dương đang vận dụng từng bước, từng khâu để tổ chức đấu thầu, mua vật tư y tế. Tuy vậy, ngành y tế Bình Dương chưa dám khẳng định thời gian cụ thể sẽ đủ mọi thứ, bởi vì địa phương này đã từng mở thầu, làm hết một giai đoạn dài, song không có công ty nào tham gia đấu thầu.
Đại diện chủ đầu tư dự án bệnh viện khẳng định, dù rất nỗ lực song để đưa vào hoạt động vào năm 2023 là rất khó. Theo Ban Quản lý dự án xây dựng tỉnh Bình Dương, công trình bệnh viện 1.500 giường có thể hoàn thành vào đầu năm 2024.
Liên quan đến quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế, Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Nguyễn Duy Hiểu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 87 cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng bảo hiểm y tế và đang gặp vướng ở bệnh viện công lập.
Theo ông Hiểu, phía Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã nắm bắt và thường xuyên trao đổi thông tin với Sở Y tế, báo cáo với UBND tỉnh để đôn đốc các gói thầu có thể tiến hành sớm. Trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm là cung cấp đủ tiền, kinh phí để đảm bảo thực hiện đúng luật, đảm bảo cung cấp đủ vật tư y tế và thuốc cho người khám chữa bệnh bảo hiểm.
Bệnh viện xây mãi chưa xong
Trong điều kiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh xuống cấp, quá tải, tỉnh Bình Dương đã thực hiện xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa cơ sở mới quy mô trên 1.500 giường để thay thế. Dự án có vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2012. Dự án được bố trí vốn khởi công xây dựng phần móng từ cuối 2014. Tuy nhiên, công trình sau đó ngưng thi công suốt gần 3 năm.
Đến cuối năm 2018, dự án thi công trở lại và dự kiến đến khoảng tháng 6/2020 đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ bùng phát mạnh tại Bình Dương, cùng với công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn… công trình tiếp tục gián đoạn. Công trình “lụt” tiến độ, ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công, do đó ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu tháng 11/2023 phải cơ bản hoàn thành đưa vào hoạt động thử nghiệm, tuy nhiên đến nay công trình còn dở dang.
Tiền phong