MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh thận nguy hiểm vì gây mất chức năng vĩnh viễn: BS khuyến cáo 10 dấu hiệu sớm chớ bỏ qua

22-09-2020 - 21:43 PM | Sống

Thận là bộ phận vô cùng quan trọng với cơ thể chúng ta. Thận có chức năng thải độc và các bệnh của của thận thường âm thầm, nếu không chú ý có thể hỏng thận mà không hay biết.

Nhiều thói quen hại thận

Ths.BS Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội cho biết, các bệnh lý về thận đang gia tăng. Riêng tại Mỹ có khoảng 37 triệu người đang có vấn đề về thận nhưng chỉ có 10% người biết mình có bệnh. Điều đó cho thấy các tổn thương của thận rất âm thầm, ít có biểu hiên ra ngoài nên nhiều người không nhận biết được.

Tại Việt Nam, người dân còn có nhiều thói quen nguy hiểm hơn như: không đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, sử dụng thuốc men không có kiểm soát... dẫn tới thận là cơ quan chịu hậu quả nặng nề.

Mặc dù Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, tuy nhiên, BS Khánh cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 5 triệu người bị suy thận. Trong đó, số bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận khoảng 800.000 người, chiếm khoảng 0,1% dân số. Nguyên nhân gây bệnh thận mạn chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường gia tăng.

Bệnh thận nguy hiểm vì gây mất chức năng thận vĩnh viễn. Khi đó, người bệnh cần phải áp dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận để duy trì sự sống. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh thận là rất quan trọng để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, giảm biến chứng và tử vong.

Bệnh thận nguy hiểm vì gây mất chức năng vĩnh viễn: BS khuyến cáo 10 dấu hiệu sớm chớ bỏ qua - Ảnh 1.

Bệnh thận nguy hiểm nhưng mọi người không biết đến dấu hiệu

Hiện nay, nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện thận có vấn đề khi đã ở giai đoạn muộn như suy thận, đái ra máu hay đái ra đạm (protein trong đạm cao). Vì vậy, mỗi người cần cố gắng lắng nghe cơ thể của mình để có thể phát hiện kịp thời những bất thường.

10 dấu hiệu sớm

BS Khánh đưa ra 10 dấu hiệu sớm dưới đây:

Số 1: Khó tập trung, mệt mỏi

Số 2: Chán ăn, các dấu hiệu trên là do thận có chức năng thải độc khi thận kém chức năng các chất độc không thải ra ngoài được khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, chán ăn.

Số 3: Khó ngủ, khi thận có vấn đề nghĩa là độc tố không thể đào thải ra ngoài và bị tồn lại trong máu. Mức độ độc tố tăng lên khiến bạn khó ngủ. Đó là lý do tại sao khi người bị thận thường ngủ ít.

Số 4: Ngứa da và khô da, đây là dấu hiệu báo hiệu việc mất cân bằng các khoáng chất và chất dinh dưỡng đã gặp vấn đề. Thận có chức năng thải độc khi thận kém chức năng các chất độc không thải ra ngoài được gây ngứa da, khô da.

Nếu bạn có làn da khô và ngứa, hãy cố gắng uống nước nhiều hơn. Hãy nhớ rằng, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc da liễu nào hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ. Một số loại thuốc có thành phần có thể làm hỏng chức năng thận.

Số 5: Chuột rút, cơ bắp, thận còn điều hoà điện giải nên khi thận trục trặc sẽ dẫn tới dấu hiệu này.

Bệnh thận nguy hiểm vì gây mất chức năng vĩnh viễn: BS khuyến cáo 10 dấu hiệu sớm chớ bỏ qua - Ảnh 2.

Thạc sĩ, BS Trần Quốc Khánh - Bv Hữu Nghị Việt Đức

Số 6: Ngủ dậy có bọng nước ở mắt, khi chức năng thận kém màng lọc của thận kém làm cho đạm trong cơ thể bị trôi ra ngoài qua đường tiểu. Đạm bị mất khiến nước không đưa vào tế bào mà đọng ở mô tạo nên tình trạng phù, tích nước nên cảm giác thấy mọng mắt, nặng mi mắt. Các bọng quanh mắt của bạn có thể do thận đang bị rò rỉ một lượng lớn protein vào nước tiểu.

Số 7: Phù ở cổ cân, bàn chân ấn tay thấy lõm một lúc mới hết

Số 8: Nước tiểu có bọt biểu hiện đái ra đạm và đạm tạo bọt. Vì vậy khi đi tiểu nhiều bọt phải đi khám ngay.

Số 9: Đi tiểu nhiều lần có thể chức năng lọc của thận kém sự hồi giữ nước kém nên chúng ta dễ đi tiểu. Ngoài ra, tiểu nhiều cũng có thể do phì đại tuyến tiền liệt.

Số 10: Đi tiểu ra máu do màng lọc thận kém, có thể còn có thể dấu hiệu u bàng quang, u niệu đạo. Đây là dấu hiệu muộn vì lúc này là đái máu đại thể, dấu hiệu đã chậm trễ

BS Khánh cho biết, để phát hiện sớm bệnh thận cũng không quá khó chỉ cần khám sức khoẻ hàng năm bác sĩ sẽ siêu âm, xét nghiệm nước tiểu. Siêu âm có thể thấy được thận có sỏi hay không, đo huyết áp để biết thận bị ảnh hưởng hay không.

Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày, thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol, hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp, không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn, tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Không tự ý dùng thuốc vì một số thuốc có hại cho thận, không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu. Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu... theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo Ngọc Anh

Pháp luật và Bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên