Bệnh viện quá tải, "cò" sống khỏe!
Không ít bệnh nhân muốn được chen ngang, ngại khi trị những bệnh nhạy cảm đã vô tình tạo ra đất sống cho "cò" cùng các phòng khám tư với giá cắt cổ.
- 06-06-2018Vụ chạy thận chết người: Lộ sai phạm của lãnh đạo bệnh viện Hòa Bình
- 24-05-2018VKS nói về việc cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xuất cảnh
- 19-05-2018Xử phạt chủ ô tô xưng xe của Bộ Công an, đậu trái phép trước Bệnh viện Từ Dũ
- 18-05-2018Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bệnh viện 'ăn chia' với bên ngoài
Đó là những gì mà lãnh đạo các bệnh viện (BV) có lực lượng"cò" xuất hiện nhiều chia sẻ.
Để kiểm chứng, trong vai người mắc bệnh da liễu, vừa trờ xe đến góc đường Nguyễn Thông - Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP HCM), tôi đã lập tức được một người đàn ông nhào tới hỏi "khám bệnh phải không?". Sau cái gật đầu của tôi, ông ta nói sẽ dẫn đến phòng khám gần đó có bác sĩ là phó giám đốc BV Da Liễu! Ông ta còn dọa rằng thời điểm đó (khoảng 9 giờ 30 phút) nếu vào BV khám thì tới tối mới xong, vì hầu hết người bệnh lấy số thứ tự từ 4 giờ.
Sau đó, "cò" dẫn tôi đến phòng khám số 63 Nguyễn Thông. Nam thanh niên ngồi ngay quầy thuốc nói: "Đến đây khám thì chị cứ an tâm. Chị chờ chút sẽ đến lượt". Lân la hỏi chuyện một người đàn ông trong số gần chục người ngồi chờ khám, tôi mới biết ông quê Bạc Liêu, vừa đón xe tới cổng BV Da Liễu đã được một người đứng gần cổng khuyên qua đây để khám nhanh, "chứ vào BV khám thì tới tối mới xong".
Khi khách vừa đến cổng Bệnh viện Da Liễu (TP HCM), người đàn ông (x) liền nhào tới "tư vấn" đi phòng khám ngoài cho "nhanh và tiện" Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trái ngược với lời "cò", khoảng hơn 10 giờ cùng ngày, ghé vào BV Da Liễu, tôi thấy bệnh nhân không nhiều. Nhiều người cho biết không phải đợi lâu và y - bác sĩ rất ân cần.
Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ BV Da Liễu, khẳng định bác sĩ ở phòng khám 63 Nguyễn Thông không phải của BV. "Hiện nay, "cò" bên trong BV hoàn toàn không có nhưng "cò" bên ngoài vẫn còn và rất khó giải quyết triệt để" - ông Thạch nói.
Vậy phải chăng "cò" chỉ hoạt động được là do bệnh nhân muốn khám nhanh và thiếu hiểu biết? Có thể ở BV Da Liễu thì đúng nhưng ở BV Đại học Y Dược và BV Chợ Rẫy thì không hẳn vậy. Bằng chứng là suốt 2 ngày ghé BV Đại học Y Dược, tôi và một đồng nghiệp đều chứng kiến cảnh "cò" hoạt động náo nhiệt. Chúng tôi vừa tấp xe vào lề đường là "cò" nhào đến tiếp cận. Khi tôi đồng ý khám tổng quát, "cò" đưa 2 phiếu khám bệnh màu vàng của BV để điền thông tin. Khoảng 10 phút sau, một phụ nữ bịt khẩu trang kín mít giới thiệu tên Mai đến lấy 2 phiếu đăng ký khám bệnh của tôi đút vào túi áo rồi đi nhanh đến nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh. Khi đã lấy số thứ tự xong, bà Mai nói nếu khám tổng quát cho 2 người thì tốn khoảng 5 triệu đồng. Trong đó, tiền khám khoảng 4,4 triệu đồng, tiền công trả cho mỗi người là 600.000 đồng.
Những ngày vừa qua, báo chí lại tiếp tục phanh phui một đường dây "cò" ở BV Chợ Rẫy. Cụ thể, một phóng viên đã chi tiền hoa hồng và lập tức được "cò" luồn lách trong đám đông, mang ra một tờ phiếu đăng ký ghi số 142 (trong khi lúc này bảng điện tử đã hiện lên số 140)…
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao có chuyện "đi tắt đón đầu" như trên, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng như BV Chợ Rẫy đều cho biết lực lượng bảo vệ luôn tìm cách dẹp nạn "cò" thông qua việc phối hợp các cơ quan chức năng. Nếu vậy, vấn đề là tại sao "cò" vẫn tồn tại? Đó chính là do BV quá tải nên không ít bệnh nhân đành chấp nhận bỏ tiền để "đi tắt đón đầu". Đó chính là chuyện không ít nhân viên y tế đã cấu kết với "cò".
Để xử lý chuyện này thì chỉ có cách duy nhất là giảm tình trạng quá tải cho BV, xử lý thật nghiêm những nhân viên y tế biến chất và quản chặt các phòng khám tư. Nếu các vấn đề này được giải quyết thì dù bệnh nhân có đông, "cò" cũng chào thua.
Người lao động