MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống 1.272 mẫu xét nghiệm nhằm mục đích gì?

20-12-2019 - 16:21 PM | Xã hội

Nhiều người nhận định việc ghi khống 1.272 kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Xanh Pôn khả năng lớn nhất là để trục lợi vật tư y tế.

Báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, bà Chu Thị Loan, Phó khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện  Xanh Pôn tự ý nhận 40 test Alere HIV Combo từ chi nhánh Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 10/2019.

Bà Loan tường trình mục đích của test này "để kiểm chứng kết quả xét nghiệm bằng  test HIV 1/2". Bộ xét nghiệm HIV 1/2 này là loại vật tư dùng cho bệnh viện theo kết quả đấu thầu được phê duyệt. Tuy nhiên do Lục Tỉnh cung cấp chỉ 40 test "không đủ số lượng test cần kiểm chứng" nên bà chỉ đạo nhân viên cắt các que thử làm đôi.

"Kết quả xét nghiệm bằng các que thử Combo được nhân viên khoa ghi khống thành 1.272 kết quả test vào sơ đồ Test HIV 1/2, trong khi thực tế chỉ kiểm chứng gần 80 test", báo cáo của Sở Y tế viết.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, theo tường trình ban đầu của bệnh viện, sau khi báo chí phát hiện vụ việc và đưa tin vào trưa 9/12, các cán bộ có liên quan của khoa vi sinh y học ghi khống kết quả này, lý do ghi là vì sợ.

Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống 1.272 mẫu xét nghiệm nhằm mục đích gì? - Ảnh 1.

Nhân viên của khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đang cắt đôi que thử để phục vụ trong xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Tuy nhiên, có vẻ như đây không phải là lý do thuyết phục, khi những que thử này đều được Công ty Lục Tỉnh cung cấp miễn phí. Đến nay, mối liên quan giữa các số liệu mà Bệnh viện Xanh Pôn báo cáo vẫn khó có thể giải thích.

Chia sẻ về điều này, một số cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế đặt nghi vấn việc ghi khống là để trục lợi vật tư.

Việc kê mẫu cao hơn số lượng thật có thể để thanh toán khống sinh phẩm hoá chất xét nghiệm và dụng cụ mà thôi. Thường thì giá những sinh phẩm này khá đắt tiền. Nhưng để làm rõ nguyên nhân thật sự cần xem xét các phiếu đề xuất quyết toán và hóa đơn nhận.

Nếu kê khống để gian lận tiền hoa hồng, tiền chi phí bỏ túi riêng mà không nghĩ đến bệnh nhân thì thật thất đức”, chị Nguyễn Thị Phương - điều dưỡng đang công tác tại phòng khám ở Hà Nội chia sẻ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hữu C. - đang công tác tại bệnh viện ở TP.HCM cũng đặt nghi vấn việc kê khống có thể là gian lận để kiếm tiền trên mỗi xét nghiệm. Chỉ có 40 que thử với 80 mẫu thì có thật sự đủ số lượng để kiểm chứng kết quả y khoa. Thế nên việc ghi khống này có thể để trục lợi.

Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống 1.272 mẫu xét nghiệm nhằm mục đích gì? - Ảnh 2.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nơi xảy ra vụ việc.

"HIV và viêm gan siêu vi B không phải là trò đùa để sáng tạo kiểu kiểm nghiệm như thế được. Việc cần làm cấp bách là xác định ngay danh sách xét nghiệm đã làm và nhanh chóng có hành động thiết thực để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Dịch vụ xét nghiệm là con gà đẻ trứng vàng cho nhiều bệnh viện, thế nhưng qua việc này mới thấy có lỗ hổng rất lớn trong quá trình xét nghiệm”, bác sĩ C. nhận định.

Trong khi đó, một bác sĩ giấu tên đang công tác tại Bệnh viện Quân y 175 thì cho rằng có thể có khuất tất phía sau việc khi khống kết quả này. “Có thể số liệu thật lại là con số gần 1.300 mẫu kia thì sao? Tuy nhiên vì sợ trách nhiệm sẽ nặng nề hơn nên họ chỉ khai có 40 que thử với 80 mẫu được cắt đôi.

Từ tháng 7 đến tháng 10 là khoảng 3 tháng nhưng Công ty Lục Tỉnh chỉ cung cấp 40 que thử cho 40 bệnh nhân, vậy thì họ kiểm chứng cái gì với từng đó bệnh nhân? Tất cả các quan điểm bây giờ chỉ là suy đoán, phải chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ”, vị này cho biết.

Được biết, toàn bộ thông tin về sự việc đã được gửi cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội để giải quyết theo trình tự.

Bệnh viện buông lỏng quản lý

Theo GS Nguyễn Ánh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hành động chẻ dọc que thử HIV và trộn 4 mẫu máu trong xét nghiệm ở Bệnh viện Xanh Pôn là sai sót quá rõ ràng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt chuyên môn.

Trước khi cho ra đời một thanh kit, nhà sản xuất phải tính đủ mọi mặt như chiều rộng, sâu, dài và trải qua hàng vạn lần thử nghiệm mới có được thông số cuối cùng, qua đó phát hiện chính xác kháng nguyên.

Nhân viên y tế nếu không thực hiện đúng theo quy định của nhà sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ kháng nguyên thấp, hay bỏ sót kháng nguyên, gây hiện tượng âm tính giả. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng kết quả vẫn cho âm tính.

Xét về chuyên môn, giáo sư Trí đánh giá, Bệnh viện Xanh Pôn buông lỏng quản lý chất lượng về mua sắm trang thiết bị test kit, sử dụng bộ test kit, kiểm tra, đánh giá quy trình xét nghiệm, trả kết quả cho bệnh nhân nên mới để xảy ra hậu quả trên. GS Trí băn khoăn khi có người làm sai nhưng không một ai nhắc nhở, hay cảnh báo để dừng việc đó.

Theo giáo sư Trí để xảy ra vụ việc trên chứng tỏ công tác huấn luyện, đào tạo cho cán bộ nhân viên về kỹ thuật, đặc biệt là ý thức về chất lượng xét nghiệm bị buông thả. Chuyện này rất dễ xảy ra ở những cá nhân tham lam, hám lợi.

Theo Nhật Linh

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên