MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bèo bọt cổ tức doanh nghiệp địa ốc

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết công bố kế hoạch trả cổ tức của năm 2015. Tuy nhiên, thông tin cổ tức không mang lại niềm vui cho cổ đông vì tỷ lệ chi trả quá thấp.

Có còn hơn không

Ngày 12/10, CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (TKC) công bố chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 5%. Ngày chốt danh sanh cổ đông là 25/10, ngày dự kiến thanh toán 30/11.

Danh sách các doanh nghiệp địa ốc trả cổ tức trong tháng 9 và tháng 10 cũng không mấy khả quan, thậm chí có doanh nghiệp còn trả thấp hơn. Đơn cử là các trường hợp như: CTCP Tư vấn đầu tư Idico (INC) tỷ lệ 3,5%, CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) tỷ lệ 4%, CTCP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA) tỷ lệ 4,5%, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) tỷ lệ 5%, CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) tỷ lệ 5%.

Nhỉnh hơn chút đỉnh là CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HU1) với tỷ lệ 6%, CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) ở mức 7%.

Tỷ lệ chi trả cổ tức thấp đã đành, có doanh nghiệp còn bất ngờ điều giảm tỷ lệ chi trả cổ tức như trường hợp của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC). Mới đây, doanh nghiệp này công bố Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức từ 5% xuống chỉ còn 3,5%.

Tuy nhiên, dù cổ tức nhận được thấp nhưng cổ đông của các doanh nghiệp vẫn còn may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã xin cổ đông khất cổ tức cho các năm sau khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sáng sủa hơn như: CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín (SCR), CTCP Tập đoàn FLC (FLC) hay CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR).

Nhu cầu vốn khủng

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc doanh nghiệp địa ốc trả cổ tức thấp là do hoạt động của các doanh nghiệp chỉ mới khởi sắc trong vài năm trở lại đây. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để tái khởi động lại các dự án nên quỹ tiền mặt không còn nhiều để trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Đơn cử là HAR vừa chào bán 40 triệu cổ phiếu thu về 400 tỷ đồng, Số tiền này nanh chóng được HAR đổ vào các dự án như: Boutique Hotel (62 tỷ đồng), Center Point (80 tỷ đồng), Hồ Tràm - Long Sơn (200 tỷ đồng), đầu tư vào công ty con (80 tỷ đồng).

Tương tự, FLC cũng vừa tăng vốn điều lệ lên 6.380 tỷ đồng sau khi phát hành 108 triệu cổ phiếu (tương đương 1.080 tỷ đồng). Số vốn này cũng nhanh chóng được FLC giải ngân vào các dự án bất động sản của mình.

Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp doanh nghiệp làm có kết quả kinh doanh tương đối khả quan nhưng thay vì trả cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Điển hình là trường hợp của CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG).

Doanh nghiệp này vừa mới chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (số cổ phiếu dự kiến phát hành là 17,7 triệu cổ phiếu). Song song đó, DXG còn chào bán 114,2 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Với hai phương án phát hành này, DXG dự kiến huy động được 1.357 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu tăng không được nhà đầu tư đón nhận do rủi ro pha loãng cổ phiếu là hiện hữu trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại là vấn đề trong tương lại. Đó còn chưa kể đến việc nắm giữ quá nhiều cổ phiếu sẽ gây ra khó khăn trong việc bán ra nếu thanh khoản của cổ phiếu đó thấp.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu của những doanh nghiệp không chi trả cổ tức lại liên tục tăng vốn thường thấp hơn mệnh giá. Trong khi những doanh nghiệp có trả cổ tức, dù không nhiều nhưng vẫn duy trì được ở mức giá tương đối.

Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên