MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bèo bọt hạt muối không nuôi nổi diêm dân

15-06-2017 - 16:06 PM | Thị trường

Về với người dân vùng ven biển xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, tôi mới cảm nhận được sự nhọc nhằn, vất vả của những người dân nơi đây.

Để làm ra hạt muối trắng tinh khiết, diêm dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phơi lưng dưới cái nắng hè găy gắt…


Người dân thu hoạch muối

Người dân thu hoạch muối

Khi mặt trời chưa ló rạng, hàng trăm diêm dân đã có mặt ở trên những cánh đồng muối. Tuy giá bán không cao, làm đồng phụ thuộc vào nắng mưa nhưng diêm dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề.

Ở nơi chỉ thích nắng

Chúng tôi tìm về cánh đồng muối Hải Lý vào những ngày đầu tháng 6 nóng như đổ lửa. Mùa này, cái nắng, gió biển không hề dễ chịu, nắng đến khô cát, rát chân, cạn nguồn nên khuôn mặt ai cũng mệt mỏi mặc dù đang thu hoạch sản phẩm.

16h, khi cái nắng vẫn còn rát mặt, tôi theo chân chị Nguyễn Thị Hà ra đồng muối để tham gia công việc nhọc nhằn và vất vả này. Dụng cụ trong tay chỉ có cái chang gạt muối, xẻng và xe cút kít chở muối.

Vừa tới nơi, chị Hà nhanh chóng cầm cái chang để gạt gọn những hạt muối vào thành đống cho ráo nước. Chị bảo: Làm muối rất vất vả lắm chú à, mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Có lẽ không có nghề nào tốn công sức mà thu nhập lại thấp như nghề muối. Nếu không làm muối thì chúng tôi chẳng biết làm nghề gì nữa.

Tôi hỏi: Hiện tại, một cân muối bán được bao nhiêu tiền? Chị Hà lắc đầu rồi ngao ngán: Ở đây, chúng tôi bán theo phương (mỗi phương muối là 20 kg). Hôm nào giá cao thì bán được 20 nghìn đồng/phương, còn hôm nào giá rẻ thì chỉ bán được 17 - 18 nghìn đồng/phương thôi. Trung bình, một ngày chúng tôi chỉ thu về được khoảng 10 phương muối, tính ra là gần 200 nghìn đồng.

Vừa gạt muối được một lúc, chị Hà lấy tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán rồi tâm sự: Để làm ra hạt nuối, phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên phải ngâm cát vào nước biển (nước mặn độ 1) sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi cát khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ.


Làm bể lọc nước

Làm bể lọc nước

Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn gọi là nước mặn độ 2. Lại phơi cát tiếp và dùng nước mặn độ 2 lọc qua cát đã phơi được nước mặn độ 3. Sau gần 10 tiếng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông. Lúc này, người dân thu hoạch muối rồi chở về nhà kho chứa muối, chờ ngày bán. “Nếu như làm muối từ đầu thì phải 3 ngày sau mới có muối, nhưng từ ngày thứ 4 trở đi thì ngày nào cũng có muối do các nước độ 2, độ 3 đã được làm gối đầu từ những ngày hôm trước”, chị Hà cho biết thêm.

Theo chị Hà, nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trời càng nắng to, sản lượng muối thu về càng cao, trời nắng nhẹ hay âm u thì người dân nghỉ ra đồng, bởi không làm được muối. Người dân nơi đây vẫn thường nói với nhau rằng nghề làm muối rất phù hợp với câu ca dao: Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”.

“Nghề khác thì tôi không biết, chứ nghề làm muối, chúng tôi chỉ thích trời nắng to, càng nắng to chúng tôi càng nhiều muối. Nhiều lúc, trời mưa cả tuần, chúng tôi chỉ biết ngồi nhà chơi, chẳng biết làm gì để kiếm sống”, chị Hà than thở.

Hạt muối không nuôi nổi diêm dân

Cạnh đó, hai vợ chồng ông Thiệu cũng như đang chạy đua với nắng để thu hoạch muối trắng. Nhà có 2 sào ruộng muối, mỗi ngày gia đình cũng chỉ thu về được hơn 200 nghìn đồng. Số tiền quá ít ỏi, không đủ sống, “cày cuốc” quanh vụ muối, gia đình ông cũng không dư dả được đồng nào. Do sức khỏe yếu, ông không đi biển đánh cá được nên đành ở nhà làm muối cùng với vợ. Hiện diện trên những cánh đồng muối giờ đây chỉ thấp thoáng bóng dáng người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em đang gồng gánh, cào trên những ruộng muối. Số thanh niên khỏe mạnh thì đi biển đánh bắt hải sản.

“Đi biển đánh bắt hải sản tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập lại cao, khoảng 5- 6 triệu đồng/tháng. Còn làm muối cũng vất vả nhưng thu nhập lại thấp. Do vậy, chỉ những người không có sức khỏe mới phải gắn bó với nghề này”, ông Thiệu cho hay.


Sau đó đổ nước biển vào lọc để chuẩn bị cho ngày mai

Sau đó đổ nước biển vào lọc để chuẩn bị cho ngày mai

Ông Thiệu ngao ngán: Hạt muối không nuôi nổi chúng tôi. Làm từ sáng cho đến chiều tối mà mỗi ngày nhà tôi chỉ thu về được hơn 200 nghìn đồng. Số tiền này này quá ít so với sức lao động mà hai vợ chồng tôi bỏ ra. Thôi thì, nhà nông lấy công làm lãi vậy. Biết là thế, nhưng vợ chồng ông cũng như các diêm dân khác đành chấp nhận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm đồng tiền nuôi các con ăn học. Và, bởi cả mấy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào những hạt muối làm ra.

Ông Thiệu cho hay, năm nay thời tiết thất thường, mưa liên tục nên người dân nơi đây chơi nhiều hơn làm, ra đồng được vài ngày thì lại phải nghỉ vì thời tiết không thuận lợi, không ủng hộ diêm dân nơi đây. Những ngày ở nhà không ra đồng được, gia đình ông thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì không có tiền tiêu. Mọi chi tiêu của gia đình trông cả vào tiền bán muối. Không có nắng đồng nghĩa không có tiền. Khuôn mặt họ luôn hiện hữu nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và nguy cơ bỏ nghề vì những vất vả cực nhọc từ nghề muối.

Nghề làm muối khó khăn, lại phụ thuộc thời tiết, giá cả muối thấp, bấp bênh nên đời sống của người dân từ bao đời nay vẫn không thoái khỏi cái nghèo, cái khổ. Chẳng bao giờ người ta tìm thấy có người giàu lên nhờ làm muối.

Nam Định là địa phương nổi tiếng với những làng muối ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Trước năm 2000, tỉnh này có hơn 1.000ha muối. Đến nay, diện tích muối chỉ còn trên dưới 500ha, do giá muối quá thấp nên không thể nuôi sống diêm dân.

Mười năm về trước đời sống diêm dân có khá giả đôi chút khi giá muối được thu mua khá cao, nhưng thời gian gần đây muối rớt giá thảm hại. Để đổi được 1kg gạo người dân phải bán tới gần 1 phương muối.

“Nghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng nhiều thì chúng tôi được mùa, còn nếu bất chợt mưa dông đổ xuống khi muối chưa đủ độ mặn để cạo thì coi như công sức đổ xuống sông, xuống biển. Nhiều lúc, muối thu hoạch về còn không bán được, cứ tồn đọng qua ngày này sang ngày khác, bắt buộc chúng tôi phải bán rẻ được đồng nào hay đồng đó”, ông Thiệu giãi bày.

Nghề làm muối Hải Lý một năm chỉ làm được khoảng 5 tháng mùa nắng, giá lại lên xuống theo thời vụ khiến đời sống diêm dân luôn bấp bênh. Từ đầu vụ đến nay, diêm dân ở Hải Lý luôn gặp nhiều khó khăn. Không những do thời tiết không thuận lợi mà còn do giá muối xuống quá thấp.

Đi khỏi cánh đồng muối khi những tia nắng vàng vọt cuối ngày cũng sắp tàn lụi, tôi vẫn nhìn thấy mồ hơi tuôn rơi trên những gò má đen sạm vì nắng gió. Bàn chân đất gân guốc, nhăn nheo đang lầm lũi thồ gánh những chiếc xe cút kít chở đầy muối. Không biết đến bao giờ cuộc đời của những diêm dân nơi đây mới tươi sáng như những hạt muối trắng tinh khôi này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Viết Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết: Đời sống người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với 3 nghề chính là nghề cá, nghề làm muối và làm ruộng. Khoảng 10 năm về trước, toàn xã có khoảng 90ha muối, nghề làm muối đem lại thu nhập ổn định cho người dân, cuộc sống của bà con cũng đủ ăn, đủ mặc.

Tuy nhiên, những năm gần đây toàn xã chỉ còn khoảng gần 20ha muối, do nghề làm muối nhọc nhằn, vất vả, giá bán lại thấp nên người dân đang bỏ dần nghề làm muối, chuyển đổi sang trồng các loại rau màu hoặc làm đầm nuôi trồng thủy sản.

Theo Mai Chiến

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên