'Bêu tên' nhiều doanh nghiệp chây ì nộp bảo hiểm xã hội
Tính đến tháng 6, tổng số nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của 5 công ty mang tên COSEVCO đang hoạt động tại Quảng Bình lên đến trên 62 tỷ đồng. Cá biệt có công ty trong nhóm này chây ì đến 113 tháng không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động.
- 17-08-2023Bảo hiểm Quân đội ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 52%, giữ vững vị trí Top 5 thị phần
- 13-07-2023Bộ Tài chính đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
- 07-07-2023Hiệp hội Bảo hiểm lên tiếng về kết quả thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ
Thông tin từ BHXH Quảng Bình cho biết: Đứng đầu danh sách nợ tiền BHXH của “họ nhà” COSEVCO là Tổng Công ty CP SXVL&XD COSEVCO 1, có địa chỉ tại 334 đường Quang trung, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn. Tính đến tháng 6, công ty này có đến 113 tháng không đóng đầy đủ tiền BHXH cho người lao động với số tiền lên trên 23 tỷ đồng.
Đứng thứ nhì trong bảng “xếp hạng” của “họ” COSEVCO là Chi nhánh nhà máy Xi măng COSEVCO 11, có địa chỉ tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch nợ BHXH 87 tháng, với số tiền hơn 14 tỉ đồng.
Tiếp theo là Xí nghiệp SXVLXD COSEVCO 12, có địa chỉ tại xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, nợ BHXH 63 tháng, với số tiền gần 10 tỷ đồng. Nhà máy tấm lợp Fibrocement COSEVCO, có địa chỉ tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, nợ BHXH 89 tháng, với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Cuối cùng là Công ty Cổ phần COSEVCO 6, có địa chỉ tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, nợ BHXH 70 tháng, với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Được biết, những công ty này trước đây là Công ty con của Tổng Công ty Xây dựng miền Trung COSEVCO, thuộc Bộ Xây dựng, có trụ sở chính tại TP. Đà Nẵng, chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Được biết, sau khi ông Trần Xuân Đính - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung Cosevco - bị bắt năm 2008, “họ” COSEVCO dần tan rã, bán và chuyển nhượng hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất. Trong đó, Nhà máy Xi măng Sông Gianh có công suất 1,4 triệu tấn/năm, đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, được xem là có giá trị tài sản lớn nhất cũng được bán cho doanh nghiệp Thái Lan.
Mặc dù đến nay, tất cả 5 công ty nói trên đã được cổ phần hoá, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ỳ ạch, thậm chí có công ty gần như ngừng hoạt động, khiến người lao động lao đao.
Tiền phong