MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York: Nơi những giao dịch kim cương trăm ngàn USD được chốt dựa trên "lòng tin" và những cú bắt tay suốt 200 năm qua

12-02-2020 - 07:06 AM | Sống

Dù ở bất cứ thành phố nào trên thế giới, bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy một cửa hiệu kim cương. Nhưng một khi đã đặt chân tới New York, nhất định bạn sẽ phải ghé thăm khu phố 47 - nơi còn được gọi là “Quận Kim cương” của nước Mỹ.

Nằm trên đoạn đường kéo dài của phố Đông 47, giữa Đại lộ 5 và Đại lộ 6, là Quận Kim cương danh tiếng của thành phố New York (Mỹ). Đây là thủ phủ buôn bán kim cương lâu đời bậc nhất nước Mỹ, nơi khách hàng có thể làm nhiều thứ từ sửa đồng hồ cho đến tham gia các hoạt động bán hợp pháp. 

“Quận Kim cương tồn tại để đem lại niềm vui cho con người”, một người bán kim cương tại đây cho biết. “Người ta cần kim cương để làm gì ư? Sinh nhật. Lễ Tình nhân. Bất cứ ngày lễ nào cũng đều hỗ trợ việc buôn bán của chúng tôi.”

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 1.

Một góc khu phố 47 - nơi được mệnh danh là thủ phủ kim cương nước Mỹ.

Thủ phủ kim cương của thế giới suốt 2 thế kỷ 

Từ giữa thế kỷ 19 đến khoảng những năm 1920, trung tâm kim cương của New York là nằm ở hẻm Maiden, cách phố Wall khoảng 4 tòa nhà về phía bắc. Khi các ngân hàng giàu có lần lượt thuê địa điểm trong khu trung tâm, việc buôn bán kim cương bắt đầu chuyển lên khu phố 47.

Phố 47 ngày càng trở nên quan trọng khi các thương nhân buôn bán kim cương tới Mỹ tị nạn trong Thế chiến II. Khi Bỉ và Israel trở thành thủ phủ kim cương sau Thế chiến II, ngành kinh doanh thuộc quyền kiểm soát của các thương nhân Do Thái - những người liên tục di chuyển giữa Antwerp, Tel Aviv và New York. Bất cứ du khách nào tới khu phố 47 này vào những năm 1970 đều sẽ nghe thấy tiếng Y-đít và tiếng Do Thái nhiều như tiếng Anh. Bắt đầu từ những năm 1990s, một loạt các thương nhân Ấn Độ đã gia nhập ngành công nghiệp, biến Mumbai trở thành thủ phủ mới của thế giới kim cương ngày nay.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 2.

Các giao dịch được thực hiện công khai. (AP Photo/Mark Lennihan)

Dù bộ mặt của khu phố này đã thay đổi đáng kể, hoạt động buôn bán ở đây vẫn duy trì như cũ. Năm 2001, tờ New York Time đã gọi phố 47 là “sự lỗi thời - một cú đấm từ thế kỷ 17 vào vào giữa lòng thành phố của thế kỷ 21”. 

“Quận Kim cương” có một sức chịu đựng rất đáng kinh ngạc. Nó đã vượt qua thời kỳ đen tối vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, khi Quảng trường Thời đại - nơi chỉ cách đó vài tòa nhà về phía đông - tràn ngập các vụ cướp của và những kẻ nhìn lén. Quãng thời gian đó kinh khủng tới mức tờ Rolling Stone đã gọi đó là những “tòa nhà bẩn thỉu nhất nước Mỹ”. Kể cả khi giá thuê nhà tại Manhattan lên tới mức kỷ lục, khu phố này cũng chưa từng bớt đi sự đông đúc vốn có.

“Có những người chỉ cần đến phố 47 đôi ba lần một năm để giao dịch rồi sống nhờ số tiền đó trong suốt quãng thời gian còn lại. Tất nhiên là có những lúc cũng khó khăn. Đó chính là khởi nguồn của văn hóa”, một tay buôn tại Quận Kim cương nói.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 3.

Kim cương được bán tự do như… hoa quả trên đường

Một khi đã đặt chân tới khu phố 47, bạn sẽ được chào đón bởi hơn 2600 cửa hiệu kim cương độc lập, với những chuyên gia lâu năm sẵn sàng tư vấn cho bạn. Dù là khách thường xuyên hay khách vãng lai, họ sẽ vẫn vui vẻ mà phục vụ bạn.

Tại đây, mọi người sẽ không bắt gặp bóng dáng của những vị khách sành điệu như trên Đại lộ 5 và Đại lộ 6. Thay vào đó là những người đàn ông Do Thái cao tuổi mặc áo đen và đội mũ phớt, những tay buôn đến từ Nam Á hoặc Trung Á đầu đội mũ karakul và vài đám thương nhân đang rao bán với đủ loại ngôn ngữ trên thế giới.

Các thương nhân ở đây tự do buôn bán kim cương ngay trên vỉa hè, trả giá như thể những viên đá quý ấy chỉ là hoa quả ngoài chợ. Những người khác hét vào điện thoại, tay cầm vali khóa bằng còng, chốt các thương vụ bằng thứ ngôn ngữ mà không ai có thể hiểu. Thỉnh thoảng, có vài người rao bán trang sức ngay trước mặt khách qua đường, gợi nhớ về những khu chợ trời ngày xưa.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 4.

“Chất lượng kim cương cũng có nhiều loại, giống như bất cứ thứ gì. [...] Nghệ thuật cũng vậy: bạn không tới khu mua sắm tại Midwest để mua một bức tranh của Andy Warhol mà phải đến bảo tàng. Điều đó giống chúng tôi. Chúng tôi chính là bảo tàng”, Robert Friedman - chủ một tiệm kim cương - so sánh.

Hầu hết kim cương trên khu phố 47 này đều là hàng mới; chỉ một số ít là đến từ các hiệu cầm đồ và buôn bán bất động sản. Chúng được chuyển tới New York thông qua rất nhiều con đường. Một viên kim cương thô có thể được khai thác trong mỏ DeBeers ở châu Phi, sau đó được bán tại London, trước khi tiếp tục được chuyển qua Antwerp. Tiếp theo, nó sẽ được chuyển tới Mumbai và Gujarat (Ấn Độ) để đánh bóng và gọt giũa, trước khi về đến New York và rơi vào tay của các thương nhân và tay buôn trong khu phố 47.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 5.

Thông thường, giá kim cương và trang sức trong Quận Kim cương sẽ thấp hơn các cửa hiệu bên ngoài ở Manhattan. Nếu hiểu biết tốt, cẩn thận và giỏi trả giá, bạn có thể tiết kiệm tới 50% khi mua kim cương tại khu phố này. 

Một người giấu mặt sinh sống tại đây tiết lộ bí quyết mua sắm tại khu phố này: “Kích cỡ là điều quan trọng nhất. Cửa hàng càng to thì càng uy tín. Kim cương càng to thì càng tốt”.

“Ở đây chia thành nhiều cấp bậc. Những tay bán rong sẽ đưa khách hàng vào gặp nhân viên đứng quầy. Càng vào sâu bên trong cửa hiệu, bạn càng dễ gặp người bán tốt. Hầu hết các tay buôn đều có văn phòng và xưởng xử lý kim cương trên tầng cao. Tầng trên cùng chỉ dành cho một số khách hàng đặc biệt. Càng xa con phố, kim cương càng chất lượng. Nó giống như một dây chuyền thẳng đứng vậy”, Christopher - một nhân viên an ninh tại khu phố 47 - bật mí.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 6.

Giao dịch cả trăm ngàn USD dựa trên “lòng tin” và những cú bắt tay

Nếu là người có mắt quan sát tốt, bạn có thể sẽ bắt gặp thấy những cú bắt tay báo hiệu một cuộc “giao dịch kim cương” ngay trên đường. Những cái bắt tay này này biểu thị sự tin tưởng đặc trưng trong cộng đồng người Do Thái. 

Vì kim cương có giá trị lớn - vài viên có thể lên tới cả trăm ngàn USD, không tay buôn nào có đủ tiền mặt để trả. Tại đây, kim cương thường được giao dịch thông qua tín dụng, nhưng không phải với nghĩa thông thường, mà “dựa trên lòng tin”. 

Điều này khiến cho các nhà buôn kim cương phải đối mặt với rủi ro tài chính khá lớn. Kim cương có thể dễ dàng vận chuyển, lại có giá trị trên toàn cầu và rất khó để lần theo dấu vết. Do đó, người mua có thể dễ dàng bỏ trốn cùng hàng đống viên kim cương đắt tiền. Kể cả khi kẻ lừa đảo bỏ nhà để chạy trốn thì đống tài sản mà hắn để lại cũng chẳng là gì so với giá trị của số kim cương đã mất.

Trong trường hợp đó, kể cả luật pháp cũng không thể bảo vệ được dân buôn kim cương tại khu phố 47. Để đảm bảo các hoạt động mua bán diễn ra an toàn, tất cả mọi người trong giới kim cương đều phải tuân thủ một nguyên tắc tối thượng: tin tưởng lẫn nhau.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 7.

Thợ kim hoàn người Ai Cập Ramses Said đã làm việc cho gia đình tại Diamond District từ năm 14 tuổi. (AP Photo/Richard Drew)

Theo một bài báo của New York Times năm 1984, các tay buôn kim cương “phải tin rằng người kia sẽ không bỏ trốn cùng với thứ hàng hóa giá trị và cũng dễ giấu nhất trên thế giới… Họ được bảo đảm bởi phẩm chất của người vận chuyển”. 

Tuy nhiên, các thương nhân ở đây biết rằng, niềm tin mù quáng là một điều ngây thơ. Họ hiểu rằng niềm tin chỉ có thể sử dụng được khi những kẻ vi phạm phải gánh chịu hậu quả. Cơ chế tin tưởng trong giới kim cương diễn ra dựa trên 2 nguyên tắc: thưởng người có công - phạt người có tội và tự bảo vệ danh tiếng của mình. 

Đối với những kẻ lừa đảo, họ sẽ bị xua đuổi khỏi giới, còn danh tính sẽ được công bố cho toàn ngành kim cương. Những người làm ăn trong sạch thì sẽ được đảm bảo điều kiện tốt nhất để làm ăn sinh lời tại khu phố 47.

Bên cạnh đó, hầu hết những dân buôn kim cương ở đây thường kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối. Đối với họ, danh tiếng là điều rất rất quan trọng, là thứ giúp họ làm ăn, buôn bán, kiếm lời mỗi ngày. Bất cứ ai vi phạm luật lệ không chỉ hủy hoại danh tiếng của bản thân mà còn cả di sản của gia đình, cũng như tự triệt hạ kế sinh nhai sau này của mình.

Bí ẩn con phố 47 giữa lòng New York - nơi những giao dịch kim cương cả trăm ngàn USD được chốt dựa trên lòng tin và những cú bắt tay suốt 200 năm qua - Ảnh 8.

Ngoài ra, các tay buôn cũng thực hiện một số biện pháp đề phòng khác như lắp đặt camera, thuê nhân viên an ninh, thậm chí là cấm chụp ảnh.

“Tại khu phố này, hoặc là bạn nắm đằng chuôi, hoặc là bị dí dao kề cổ. Khá là giống với mafia, hoặc thứ gì đó mà người ta thường không nghĩ là còn tồn tại. Nhưng thực sự kiểu làm ăn này vẫn đang tồn tại”, tay buôn có tên Juan cho biết.

Theo The Conservation, Interview Magazine, Apps,...

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên