MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn đằng sau cái tên “Black Friday” - “Ngày Thứ Sáu đen tối”

29-11-2019 - 10:01 AM | Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên thuật ngữ "Thứ Sáu đen tối" xuất hiện thật ra không gắn liền với sự mua sắm, mà là với khủng hoảng tài chính.

Hàng năm, vào ngày Thứ Sáu cuối cùng của tháng 11, phần lớn người dân sẽ đổ xô đến các cửa hàng mua sắm, hoặc ngồi canh hàng giờ trên các website bán online, để kiếm được món hàng với giá "hời" nhất có thể. Tuy nhiên, nguồn gốc của "cơn sốt mua sắm" này vẫn là một ẩn số với nhiều người. Vậy, cái tên "Ngày Thứ Sáu đen tối" rốt cuộc là từ đâu mà có?

Nguồn gốc và lịch sử

Lần đầu tiên thuật ngữ "Thứ Sáu đen tối" xuất hiện thật ra không gắn liền với sự mua sắm, mà là với khủng hoảng tài chính.

Jim Fisk và Jay Gould - hai chuyên gia tài chính tại Phố Wall, đã cùng nhau mua tích trữ một lượng lớn vàng với hy vọng giá sẽ tăng vọt và thu được lợi nhuận khổng lồ khi bán lại. Tuy nhiên, vào thứ Sáu 24/09/1969 - ngày mà sau này được nhắc đến như "Thứ Sáu đen tối", thị trường vàng Hoa Kỳ đã sụp đổ và hành động của Fisk và Gould đã khiến hàng loạt các nam tước ở Phố Wall phá sản.

Những câu chuyện về ngày "Thứ Sáu đen tối"

Trước đây, khi ghi nhận hạch toán sổ sách bằng tay, các cửa hàng ở Mỹ thường đánh dấu lợi nhuận bằng màu đen và thua lỗ bằng màu đỏ.

Người ta cho rằng nhiều cửa hàng đã "chìm vào màu đỏ" trong suốt phần lớn thời gian của năm, nhưng sau đó, họ lại "ngập trong màu đen" vào dịp Lễ Tạ ơn, khi người tiêu dùng mua một lượng lớn hàng hóa đã giảm giá.

Những năm gần đây, còn có những lời truyền miệng cho rằng, trong khoảng giai đoạn 1800, chủ sở hữu đồn điền khu vực Nam Mỹ có thể mua nô lệ với giá chiết khấu sau Lễ Tạ ơn. Đó mới là lí do có "Ngày Thứ Sáu đen tối".

Ai là người đã đặt tên cho ngày "Thứ Sáu đen tối"?

Trong những năm 1500, các sĩ quan cảnh sát ở Philadelphia là những người đầu tiên gắn cái tên "Thứ Sáu đen tối" với khoảng thời gian sau Lễ Tạ ơn - khi một lượng lớn khách du lịch đến thành phố để chuẩn bị cho cuộc giao hữu bóng đá giữa bộ binh và hải quân. Sự kiện này đã gây ra sự hỗn loạn, ùn tắc giao thông và nạn trộm cắp ở khắp nơi. Các sĩ quan cảnh sát trong thành phố đã phải làm việc theo ca dài liên tục để kiểm soát sự ổn định. Do đó, họ đã gọi ngày đó với cái tên "Thứ Sáu đen tối".

Khi cái tên này lan rộng khắp Philadelphia, một số thương nhân của thành phố không thích ý nghĩa tiêu cực của nó, nhưng họ đã thất bại trong việc cố gắng đổi nó thành "Big Friday" - "ngày Thứ Sáu to lớn".

Vào năm 1966, sau khi được quảng cáo trên tạp chí The American Philatelist, khái niệm "Thứ Sáu đen tối" bắt đầu xuất hiện trên các ấn phẩm báo khác. Đến cuối những năm 1980, thuật ngữ này được biết đến trên toàn quốc và các nhà bán lẻ đã sớm gắn nó với doanh số sau Lễ Tạ ơn.

Ngày nay, "Thứ Sáu đen tối" là sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm tại Mỹ. Nhiều cửa hàng đồng loạt giảm giá các sản phẩm của họ nhằm tăng lợi nhuận và chính thức khởi động mùa lễ hội.

Cơn sốt mua sắm tại Mỹ

Vào năm 1924, cửa hàng bách hóa Macy là nơi đầu tiên thực hiện chiến dịch quảng cáo mua sắm sau Lễ Tạ ơn bằng cuộc diễu hành ở New York.

Trong suốt những năm 1930, khái niệm ngày mua sắm đã dần trở nên phổ biến, mặc dù cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929 (The Great Depression) đã gây ra không ít trở ngại cho các nhà bán lẻ.

Năm 1939, Tổng thống Franklin D Roosevelt đã đưa ra quyết định dời ngày Lễ Tạ ơn sớm hơn một tuần so với bình thường, với hy vọng doanh số bán hàng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Sự kiện này còn được biết đến với cái tên "Franksgiving".

Sau vụ các sĩ quan cảnh sát gắn khái niệm "Thứ Sáu đen tối" với sự hỗn loạn ở Philadelphia, cơn sốt mua sắm Black Friday thậm chí còn trở nên phổ biến hơn trong những năm 1970 và 1980, với một lượng khách khổng lồ đến các cửa hàng.

Ngày nay, hàng triệu người Mỹ đã đến các cửa hàng và tìm kiếm trên các trang web mua sắm nhằm có được món hàng với giá rẻ nhất; đồng thời, các nhà bán lẻ cũng thường kéo dài giảm giá trong suốt cuối tuần và kết thúc bằng các ưu đãi online vào thứ 2 tuần kế tiếp (Cyber Monday).

Khi phân tích 80 trong số 100 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Mỹ, Adobe Analytics cho biết, doanh thu trực tuyến vào ngày Black Friday 2018 đạt 6,2 tỷ USD, bao gồm 2 tỷ USD đến từ lĩnh vực smartphone.

Hiện tượng "Black Friday" trên toàn thế giới

Không chỉ có tại Anh và Mỹ, Black Friday - "Thứ Sáu đen tối" đã xuất hiện trên khắp thế giới.

Theo Citipost Mail, 6,4 triệu người Canada lấy ngày "Thứ Sáu đen tối" làm ngày lễ và nhiều người thậm chí còn đến Mỹ để mua sắm. Tuy nhiên, việc này đã giảm trong những năm gần đây do chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Ở Mexico, họ gọi phiên bản Black Friday của họ là "El Buen Fin", nghĩa là "cái kết đẹp". Còn ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, họ tự có cách gọi riêng là "White Friday" - "Thứ Sáu trắng".

Liệu xu hướng Black Friday có bị thay thế bởi "Black November - Tháng 11 đen tối"?

Black Friday đã và đang trở thành một giai đoạn quan trọng đối với những nhà bán lẻ đang hy vọng việc giảm giá sẽ giúp tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng, cùng với sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ, đã khiến các trang web trực tuyến quá tải lượng truy cập và các chuỗi cửa hàng mất an ninh trật tự.

Để giúp cải thiện quy trình bán hàng và giao hàng trực tuyến, đồng thời đối phó với cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà bán lẻ hiện đang chọn phương án kéo dài số ngày giảm giá hơn là chỉ trong vòng 24 giờ.

Những năm gần đây, càng nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi đã bắt đầu trước "Black Friday" một vài ngày, và còn được biết đến là "Black Fiveday". Một số nhà bán lẻ trực tuyến thậm chí còn áp dụng chiến lược "Black November", khi họ thực hiện giảm giá ngay từ đầu tháng 11, kéo dài qua tuần lễ Black Friday và kết thúc vào thứ 2 tuần kế tiếp (Cyber Monday).

Dự kiến vào năm 2019, xu hướng Black Friday sẽ tiếp tục nở rộ trong thi trường bán lẻ do sự tăng trưởng doanh thu vượt bậc vào 2018.

Bí ẩn đằng sau cái tên “Black Friday” - “Ngày Thứ Sáu đen tối” - Ảnh 1.

Cyber Monday - "Thứ 2 online"

Tuy chưa được biết đến nhiều như Black Friday, nhưng sự phát triển của công nghệ và xu hướng mua sắm trực tuyến đã góp phần tạo nên hiện tượng "Cyber Monday".

"Cyber Monday" là ngày người tiêu dùng tiếp tục được hưởng các ưu đãi và giảm giá như Black Friday, tuy nhiên chỉ áp dụng với mua sắm online. Năm nay, "Cyber Monday" sẽ diễn ra vào ngày 2/12.

Vào năm 2005, Ellen Davis - phó chủ tịch cấp cao của Liên đoàn bán lẻ quốc gia tại Mỹ, là người đầu tiên sử dụng khái niệm này, khi cô nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ của doanh số bán hàng trực tuyến vào thứ 2 sau dịp Lễ Tạ ơn.

Trên thực tế, theo số liệu Adobe Analytics thu thập ở Mỹ năm 2018, số giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện vào "Cyber Monday" thậm chí còn nhiều hơn số trong ngày "Black Friday", với doanh thu chạm mốc 7,9 tỷ USD..

Mỹ Linh

Trở lên trên