Bí ẩn núi tiền trị giá 69 tỷ USD của Tether, đồng tiền số chiếm hơn nửa thị trường Stablecoin thế giới
Với 69 tỷ USDT đã phát hành, công ty Tether phải có 69 tỷ USD trong kho dự trữ của họ, nhưng cho đến giờ, hầu như không có mấy người biết lượng tiền khổng lồ này đang được cất giữ ở đâu.
- 06-10-2021Elon Musk lại thổi giá tiền số: Chỉ tweet về cún cưng cũng góp phần giúp 1 mã tăng vọt 216% trong tuần, làm lu mờ Bitcoin và Ether
- 27-09-2021Chú chuột hamster tự giao dịch tiền số, tỷ suất sinh lời đạt gần 24% kể từ tháng 6
- 13-02-2018Tiền điện tử Tether bị Mỹ soi, thị trường thế giới thêm cú sốc
Nhắc đến tiền số, thế giới bên ngoài sẽ nghĩ ngay đến Bitcoin, Ethereum, hai trong số các đồng tiền số phổ biến nhất hiện nay và luôn được xem là những đồng tiền dẫn dắt chuyển động của thị trường này. Nhưng ít người biết đến một đồng tiền số quan trọng khác, đảm nhiệm vai trò mạch máu đối với sự sống của gần một nửa thị trường tiền số hiện nay, đó là Tether hay đồng USDT.
Khác với các đồng tiền số khác có giá trị biến động từng giây từng phút, USDT cùng nhiều đồng tiền số tương tự khác được gọi là các stablecoin – với giá trị được giữ ổn định so với một loại tiền giấy nào đó, thường là USD. Mỗi Tether hay mỗi USDT có giá trị tương đương với một USD.
Để làm được điều này, công ty phát hành ra loại tiền số này, Tether Holdings cho biết, họ nhận USD từ những người muốn giao dịch tiền số và cấp cho những người này số USDT tương đương với số USD đó. Một khi đã có USDT, người dùng có thể đưa chúng vào các sàn giao dịch tiền số và đổi lấy Bitcoin, Ether hay bất kỳ loại tiền số nào họ muốn. Cơ chế này ra đời khi đại đa số các ngân hàng trên thế giới không muốn giao dịch với các công ty tiền số, đặc biệt với các công ty nước ngoài.
Hàng chục tỷ USD của Tether đang ở đâu?
Điều đáng nói là chỉ riêng trong năm nay, Tether Holdings đã bơm ra một lượng tiền khổng lồ dưới dạng tiền số. Tổng cộng hiện có 69 tỷ USDT đang được lưu thông, trong đó chỉ riêng năm nay đã có 48 tỷ USDT được phát hành. Nghĩa là về mặt lý thuyết, hiện công ty đang nắm giữ khoảng 69 tỷ USD tiền thật để đảm bảo số USDT theo đúng tỷ lệ quy đổi 1-1.
Với thị trường stablecoin đang có trị giá khoảng 112 tỷ USD, nghĩa là Tether hay USDT đang chiếm hơn nửa thị trường này, bỏ xa các đối thủ xếp sau là USDC (trị giá khoảng 21 tỷ USD) và BUSD (trị giá khoảng 13 tỷ USD).
Nếu thật sự Tether có 69 tỷ USD để chống lưng cho lượng USDT đang lưu hành trên thị trường tiền số, công ty này là một trong 50 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và hoàn toàn không bị quản lý bởi các quy định dành cho ngân hàng. Số tiền này lớn đến mức, ngay cả khi Tether có đủ lượng tiền đó, nó vẫn vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một lượng đủ lớn USD bị rút ra, tỷ lệ 1-1 mà công ty đang duy trì sẽ không còn nữa và buộc công ty phải bán tài sản để bù đắp chỗ thiếu hụt đó.
Nhưng thật sự núi tiền khổng lồ đó có thật hay không và ở đâu, không ai biết chính xác cả. Càng không có ai biết chính xác những người nào đang quản lý số tiền khổng lồ này và làm gì với chúng.
Website của Tether công bố một lá thư từ một hãng kiểm toán cho biết, Tether có khoản dự trữ 30 tỷ USD dưới dạng thương phiếu – các khoản vay ngắn hạn cho các tập đoàn. Nhưng khi các phóng viên của Bloomberg thử điều tra xem liệu Tether có thực sự mua các giấy tờ này hay không. Không ai biết. "Đó là một thị trường nhỏ với nhiều người biết nhau. Nếu có người mới gia nhập thị trường này, thông thường mọi người sẽ biết."
Theo trang Linkedin của công ty, dường như họ chỉ có khoảng vài chục nhân viên, con số quá nhỏ bé so với một công ty đang quản lý khoản quỹ 69 tỷ USD. Theo công bố trên website của công ty, CEO là ông J.L. Van der Velde, một người Hà Lan sống ở Hong Kong và dường như chưa từng tham gia một cuộc phỏng vấn hay hội thảo nào.
Giám đốc tài chính của công ty là Giancarlo Devasini, một cựu bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Ý. Không có nhiều thông tin về Devasini, ngoại trừ một bài báo cho biết ông này từng bị phạt vì bán phần mềm lậu của Microsoft. Và cũng giống như CEO Van der Velde, Devasini không hề trả lời email hay phản hồi các tin nhắn qua Telegram.
Lãnh đạo cấp cao duy nhất của công ty mà phóng viên Bloomberg liên lạc được là luật sư của Tether, ông Stuart Hoegner. Đáp lại những lời chỉ trích hướng đến công ty, ông Hoegner cho biết: "Chúng tôi duy trì một khuôn khổ quản lý rủi ro rõ ràng, toàn diện và tinh vi để bảo vệ và đầu tư các khoản dự trữ." Tuy nhiên luật sư này từ chối cho biết, số tiền đó được công ty giữ ở đâu.
Trong khi kho tàng của Tether vẫn là một bí ẩn, trên Twitter, TV và nhiều sàn giao dịch khác đang đặt nhiều câu hỏi về việc tại sao Tether lại đưa ra thị trường nhiều USDT đến như vậy và liệu họ có đủ tiền mặt để đối ứng khoản tiền số đó không.
Người dẫn chương trình tài chính của kênh CNBC, Jim Cramer đã cảnh báo người xem bán tiền số đi. "Nếu Tether sụp đổ, sau đó, nó sẽ kéo theo toàn bộ hệ sinh thái tiền mã hóa." Không chỉ vậy, với quy mô khổng lồ của Tether hiện nay, sự sụp đổ của họ có thể kéo theo cả hệ thống tài chính được pháp luật quản lý khi làm gãy vỡ thị trường tín dụng.
Hồ sơ Tether trên LinkedIn chỉ có 29 nhân viên
Sự khởi đầu của Tether
Câu chuyện của Tether bắt đầu từ năm 2013, khi Brock Pierce, một trong những người đầu tiên tin tưởng vào Bitcoin, cùng với lập trình viên Craig Sellars đưa ra ý tưởng về stablecoin. Để vận hành công ty, Pierce tuyển dụng Reeve Collins, người sáng tạo ra quảng cáo pop-up trên trình duyệt. Hợp tác với nhóm còn có Phil Potter, giám đốc điều hành một sàn giao dịch Bitcoin có tên Bitfinex. Tether sau đó được đem chào mời cho nhiều quỹ đầu tư danh tiếng như Sequoia Capital, Goldman Sachs, … Không ai quan tâm đến nó.
Vấn đề của Tether, cũng như nhiều đồng tiền số khác, là nó phá vỡ quy tắc của giới ngân hàng. Trong khi ngân hàng có thể theo dõi người dùng thông qua hoạt động tài khoản của họ, và giúp lực lượng thực thi pháp luật lần ra tội phạm thông qua các giao dịch. Thế nhưng Tether Holdings chỉ kiểm tra danh tính người dùng khi mua USDT trực tiếp từ công ty, còn khi đồng tiền số này đưa vào giao dịch, nó gần như ẩn danh khi chỉ gửi đi các dòng code. Đó là lý do vì sao các đồng tiền số này còn là công cụ rửa tiền hữu hiệu cho giới tội phạm.
Brock Pierce, đồng sáng lập Tether
Chán nản, Pierce và Collins bỏ cuộc khoảng một năm sau đó, nhưng còn Potter thì không. Anh ta thuyết phục được cấp trên của mình tại Bitfinex, chính là Devasini để mua lại Tether. Cả hai bỏ ra chưa tới 1 triệu USD để mua lại cổ phần của các đối tác trong Tether và kiểm soát nó.
Thời điểm đó, cả Bitfinex và Tether đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Thậm chí vào tháng Ba năm 2017, khi đã có hơn 50 triệu USD bằng Tether được đưa vào lưu thông, cả tài khoản của Tether và Bitfinex mở tại các ngân hàng của Đài Loan đều bị khóa một tháng sau đó. Điều này khiến các nhà điều hành của Devasini tuyệt vọng đến nỗi họ định dùng máy bay chở các thùng tiền mặt sang nước khác.
May mắn thay, cuối cùng họ cũng tìm được một ngân hàng chấp nhận giao dịch với họ. Đó là Noble Bank International ở Puerto Rico. Theo lời của nhà sáng lập Noble, John Betts, đã có lúc ngân hàng này nắm giữ đến hơn 98% lượng tiền mặt dự trữ của Tether.
Sự bùng nổ của tiền số biến Bitfinex và Tether trở thành các khách hàng lớn nhất của Noble. Tuy nhiên, chính Betts cũng cảm thấy rủi ro trước các tin đồn về việc Tether không có đủ tiền mặt để cân bằng với lượng tiền số mà họ phát hành và yêu cầu Devasini thuê một đơn vị kiểm toán, nhưng bị từ chối. Không lâu sau đó, Potter cũng bất đồng với Devasini và sau đó bán lại cổ phần của mình tại Tether với giá 300 triệu USD cho Devasini và các đối tác khác. Cuối cùng Tether rút hết tiền của mình khỏi Noble và không lâu sau đó, ngân hàng này sụp đổ.
Giancarlo Devasini, CFO của Tether
Mùa hè năm đó, Devasini và Bitfinex đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. Sàn giao dịch này ký gửi 850 triệu USD vào một dịch vụ chuyển tiền của Panama có tên Crypto Capital Corp, để tránh né các vấn đề về ngân hàng. Nhưng đột nhiên, Crypto Capital từ chối chuyển trả số tiền đó về cho Bitfinex, khiến sàn giao dịch này không thể trả tiền cho các khách hàng muốn rút tiền.
Hóa ra Crypto Capital có dính dáng đến việc rửa tiền cho những trùm ma túy ở Colombia và tài sản của họ bị cảnh sát Ba Lan thu giữ. Đây là một tình huống nguy hiểm – nếu điều này bị tiết lộ – nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả sàn giao dịch và đồng tiền số Tether. Để bù đắp lại chỗ trống về tiền mặt của Bitfinex, Devasini vay tiền từ kho dự trữ của Tether và tạm thời làm đồng stablecoin này trở nên mất cân bằng với USD.
Các chi tiết này được tiết lộ công khai vào tháng Tư năm 2019, khi công tố viên New York khởi kiện Bitfinex và Tether do thất thoát số tiền 850 triệu USD kể trên và buộc họ phải giao ra các tài liệu này.
Thật đáng ngạc nhiên, trong khi Devasini làm mất nhiều tiền của khách hàng, thế giới tiền mã hóa vẫn không mất niềm tin vào ông ta. Tháng Năm năm 2019, một liên minh các nhà giao dịch lớn giải cứu Bitfinex với khoản đầu tư bổ sung 1 tỷ USD. Và khi tiền số bùng nổ trở lại nhờ đại dịch Covid-19, Bitfinex và Tether tăng trưởng nhảy vọt, khi bán ra 17 tỷ USDT. Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Tether đã phát hành thêm 48 tỷ USDT nữa.
Những manh mối ít ỏi về kho tàng của Tether
Cho đến nay, vẫn không ai biết lượng tiền khổng lồ 69 tỷ USD của Tether được cất giữ ở đâu để đảm bảo cho các đồng USDT đang lưu hành. Tổ chức tài chính duy nhất tiết lộ với phóng viên Bloomberg rằng họ đang hợp tác với Tether là Deltec Bank & Trust ở Bahamas. Theo tiết lộ của ông Jean Chalopin, chủ tịch Deltec, hiện ngân hàng này chỉ nắm giữ một phần tiền mặt của công ty – khoảng 15 tỷ USD – sau khi công ty bắt đầu sử dụng các ngân hàng khác để giữ tiền.
Ngoài ra phóng viên Bloomberg còn tìm thấy tài liệu cho biết một tài khoản chi tiết về dự trữ tiền mặt của Tether. Nó cho biết hàng tỷ USD của công ty này được lưu trữ dưới dạng các khoản vay ngắn hạn cho các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Mặc dù vậy, luật sư của Tether, ông Hoegner khẳng định công ty không nắm giữ khoản nợ của Evergrande và cho biết, phần lớn thương phiếu đang nắm giữ đều được điểm số cao từ các công ty đánh giá tín dụng.
Bên cạnh đó là khoản vay hàng tỷ USD cho các công ty tiền số khác, với Bitcoin được dùng để ký quỹ - một trong số đó là Celsius Network, một kiểu ngân hàng dành cho nhà đầu tư tiền số. Alex Mashinsky, nhà sáng lập của Celsius cho biết, họ trả lãi suất từ 5%-6% cho khoản vay 1 tỷ USDT.
Quy mô của Tether trở nên đang ngại đến mức vào tháng Bảy vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã tổ chức một cuộc thảo luận xem có nên coi Tether như một ngân hàng và buộc Devasini phải chứng minh số tiền mình đang có. Thế nhưng điều kỳ lạ là dường như những người tham gia thị trường tiền số không mấy quan tâm đến rủi ro này. Chỉ trong tháng vừa rồi, Tether đã phát hành thêm 3 tỷ USD nữa cho những người giao dịch, trong đó có cả các tổ chức tài chính lớn.
Tham khảo Bloomberg
Pháp luật & Bạn đọc