Bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại, số liệu GDP quý II của Singapore gây sốc
Trong quý II GDP của quốc đảo phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu này đã sụt giảm 3,4% so với quý trước.
- 04-07-2019Quỹ đầu tư quốc gia Singapore “đau đầu” vì quá nhiều tiền
- 27-06-2019Singapore có nguy cơ suy thoái vì bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại
- 06-06-2019'Singapore là nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nhất từ chiến tranh thương mại'
Cú sụt giảm bất ngờ của nền kinh tế Singapore trong quý II giống như 1 "phát súng" cảnh báo về sức khỏe kinh tế thế giới, là minh chứng rõ ràng cho thấy căng thẳng thương mại ảnh hưởng đến niềm tin và hoạt động của các doanh nghiệp như thế nào.
Theo số liệu vừa được Singapore công bố, trong quý II GDP của quốc đảo phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu này đã sụt giảm 3,4% so với quý trước, trái ngược hoàn toàn so với mức dự báo tăng 0,5% mà các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Quý I, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,8%.
GDP Singapore sụt giảm mạnh trong quý II. Nguồn: Bloomberg.
Giống như Hàn Quốc – nền kinh tế đã bị co hẹp trong quý đầu tiên của năm 2019, kinh tế Singapore cũng được thị trường coi là "hàn thử biểu" cho lực cầu trên toàn cầu vì phụ thuộc vào hoạt động thương mại quốc tế. Từ châu Á đến châu Âu, hoạt động sản xuất cũng đã suy giảm trong tháng 6, trong khi 1 nền kinh tế khỏe mạnh như Mỹ cũng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng mờ nhạt.
Theo Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng Research tại Singapore, nền kinh tế Singapore là rất mở và rất nhạy cảm với thương mại. Do đó dữ liệu này cho thấy nguy cơ kinh tế châu Á suy giảm sâu hơn nữa.
Châu Á chính là cỗ máy tăng trưởng của kinh tế thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu (theo số liệu của IMF). Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại tập đoàn Nomura, nhận định "GDP Singapore giảm mạnh là tin xấu đối với phần còn lại của châu Á".
Việc hội nhập sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khu vực khiến kinh tế Singapore trở nên mong manh trước sự suy giảm của kinh tế thế giới và cuộc chiến thuế quan. Hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng mạnh trong mấy tháng gần đây, với kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2013.
"Tôi nghĩ rằng các con số sẽ tệ một chút, nhưng thực tế lại là rất xấu", Chua nói, bổ sung thêm rằng "kịch bản suy thoái kỹ thuật giờ đã ở ngay trước mắt".
Ngoài căng thẳng thương mại, sự dịu lại của làn sóng bùng nổ công nghệ cũng đang đè nặng lên triển vọng kinh tế Singapore. Khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Singapore là IC, do đó sự nguội lạnh của thị trường chip bán dẫn toàn cầu được phản ánh ở Singapore rõ nét hơn tại bất kỳ quốc gia châu Á nào khác.
Xuất khẩu suy giảm, đặc biệt là các mặt hàng điện tử giảm mạnh. Nguồn: Bloomberg.
Và không chỉ có lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trong khi ngành sản xuất suy giảm 6% so với quý I, hoạt động xây dựng cũng suy giảm 7,6% sau khi tăng trưởng 13,3% trong quý I. Ngành dịch vụ sụt giảm 1,5%.
Những số liệu yếu ớt có thể khiến NHTW Singapore giữ nguyên hoặc thậm chí là nới lỏng chính sách tiền tệ. Tỷ giá là công cụ chính để Singapore điều hành chính sách tiền tệ. Chính phủ Singapore dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,5% - 2,5% trong năm nay, so với mức 3,1% của năm 2018.
Dù Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán thương mại, chừng đó là chưa đủ để thuyết phục các chuyên gia kinh tế rằng kinh tế toàn cầu có thể thoát được kịch bản suy thoái vào cuối năm nay. Tháng trước Morgan Stanley đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống còn lần lượt 3% và 3,2%, tức giảm 20 điểm cơ bản.