MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị bỏ mặc, nhà đầu tư BOT chán nản

Bị bỏ mặc, nhà đầu tư BOT chán nản

Những vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT thời gian qua chưa được giải quyết rốt ráo đã khiến doanh nghiệp không còn mặn mà tham gia đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa tổ chức tọa đàm "Tháo gỡ bất cập dự án PPP (đối tác công tư ) hạ tầng giao thông". Tại tọa đàm, chủ đầu tư các dự án BOT giao thông nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là vấn đề thu hồi vốn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam, nhà đầu tư dự án hầm Đèo Cả, cho biết từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp (DN) này không có nguồn tài chính bù đắp trong khi vẫn phải thực hiện trách nhiệm trả nợ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 - nhà đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 91 từ TP Cần Thơ đi An Giang, cho hay từ năm 2019 đến nay, phương án tài chính của dự án gần như bị phá vỡ do việc thu phí gặp nhiều khó khăn. Ông Khang kiến nghị nhà nước sớm bố trí nguồn vốn (1.879 tỉ đồng) để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Không kiến nghị bố trí vốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn song nhà đầu tư dự án Bắc Giang - Lạng Sơn mong mỏi cơ chế hỗ trợ từ phía ngân hàng sẽ sớm được kích hoạt để vượt qua khó khăn. Bởi lẽ, từ khi vận hành, khai thác đến nay, dự án mới đạt 31% doanh thu so với phương án tài chính ban đầu.

Bị bỏ mặc, nhà đầu tư BOT chán nản - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu tại tọa đàm

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, cho biết thời gian phát triển mạnh mẽ nhất của phương thức đầu tư PPP hạ tầng giao thông ở nước ta là giai đoạn 2011 - 2015. Từ năm 2016 đến nay, phương thức này giảm đáng kể, chỉ có 4 dự án được triển khai; đồng thời phải chuyển 5/8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (năm 2016 - 2021) sang đầu tư công.

"Việc không hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua không chỉ ở những vướng mắc về tín dụng, thể chế chưa hoàn chỉnh, bất bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân. Nguyên nhân chính, quan trọng nhất là vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT thời gian qua chưa được giải quyết rốt ráo, gây mất niềm tin và đẩy nhà đầu tư đơn phương chống chọi, dẫn tới nguy cơ phá sản" - ông Chủng băn khoăn.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng những lợi ích mà các dự án BOT đã mang lại cần được nhìn nhận. Vì vậy, khi dự án gặp vướng mắc, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các bên, gồm nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, ngân hàng thẩm định cho vay vốn và các cơ quan liên quan.

Đầu tháng 10-2022, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận việc bố trí vốn ngân sách (khoảng 13.115 tỉ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư của 7 dự án (khoảng 10.835 tỉ đồng) và bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỉ đồng) hỗ trợ dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên