Bị chê "thiếu trách nhiệm về tài chính" nhưng thế hệ Millennial vẫn có bí quyết riêng để trở nên giàu có
Theo MSN, đến năm 2020, thế hệ Millennial (thế hệ Y) sẽ nâng giá trị tài sản ròng của họ lên khoảng 5.000 tỷ đô. Hiện nay, thế hệ này chiếm 13% trong tổng số các gia đình có ít nhất 100.000 đô tài sản sẵn sàng đầu tư.
- 08-03-2018Thực hiện những thói quen này ngay hôm nay, bạn có thể nghỉ hưu sớm với sự tự do tài chính khi chưa tới 40 tuổi
- 16-11-2016Những điều thú vị chính bạn cũng không biết dù thuộc thế hệ thiên niên kỷ Millennial
1. Họ lập kế hoạch cho tương lai
Trái với những nhận thức chung, nhiều Millennial đang lên kế hoạch tài chính tương lai. Trong một cuộc khảo sát của Charles Schwab, có đến 88,9% Millennial có thói quen lập kế hoạch tài chính, 29,2% nhận thức được mức chi phí dành cho tài khoản môi giới của họ và cố gắng gấp đôi để tái cân bằng danh mục đầu tư hàng năm.
2. Thế hệ Y nhanh chóng nắm bắt mọi công nghệ
Các Millennial nhanh chóng nắm bắt nhiều công nghệ cao, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến tài chính của họ.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hoa Kỳ cho thấy ngày càng nhiều Millennial chuyển sang sử dụng các ứng dụng mobile banking để thanh toán và tiết kiệm tiền, trong đó hơn 55,2% dùng mobile banking để tiết kiệm học phí, 31% dùng khi mua xe máy, 25% mở tài khoản hưu trí và 41,7% sử dụng khi mua nhà.
Hơn nữa, cuộc khảo sát của Ngân hàng TD Ameritrade chỉ ra rằng có đến 4/10 Millennial chọn các dịch vụ đầu tư tài chính tự động, trong khi chỉ có 1/3 sử dụng dịch vụ truyền thống.
3. Họ sẵn sàng nhận lời khuyên từ nhiều người
Khi phải đưa ra các quyết định về tài chính, các Millennial không ngại tìm kiếm lời khuyên.
Một khảo sát gần đây của Ngân hàng TD Bank cho biết 61% Millennial đã nhờ sự trợ giúp từ cộng sự bán hàng khi họ thực hiện các cuộc mua bán trên 500 đô.
Cuộc khảo sát của công ty Deloitte cũng chỉ ra rằng chỉ có 10% các quyết định tài chính do Millennial tự quyết và 50% những lời khuyên truyền miệng, khuyến nghị cá nhân ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định này.
Điều đó không có nghĩa là họ phớt lờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Có 82% người trẻ tuổi qua khảo sát của Deloitte cho biết họ đánh giá cao những cuộc gặp mặt trực tiếp với cố vấn đầu tư và nhiều Millennial tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia khi lập kế hoạch nghỉ hưu (theo khảo sát của Ngân hàng TD Ameritrade).
4. Họ bắt đầu tiết kiệm từ sớm
Lãi suất kép là một trong những phương pháp "làm giàu thông minh", các Millennial dường như hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai. Cuộc khảo sát lao động lần thứ 18 của Quỹ hưu trí Transamerica chỉ ra rằng có đến 71% thế hệ Y đã tiết kiệm hưu trí ở độ tuổi trung bình 24 tuổi, sớm hơn so với thế hệ X ở độ tuổi trung bình 30 tuổi.
Họ đã làm giàu thành công. Báo cáo điều tra về thói quen tài chính năm 2018 của Ngân hàng Hoa Kỳ cho thấy 47% Millennial có ít nhất 15.000 đô trong tiết kiệm hưu trí và 16% khoe rằng đã tiết kiệm được ít nhất 100.000 đô.
5. Họ quyết không vay nợ tín dụng
Tất nhiên, lãi suất kép cũng có mặt trái của nó. Thế hệ Y đã hiểu rõ và nhìn xa hơn các thế hệ trước, họ đã tránh "kẻ hủy diệt" lớn nhất của giá trị tài sản ròng là "nợ tín dụng".
Một cuộc khảo sát của Go Banking Rates chỉ ra rằng khoản nợ tín dụng trung bình của những Millennial trẻ tuổi nhất là 709,79 đô, thấp hơn khoản nợ tín dụng trung bình của các Millennial lớn tuổi (7.327,42 đô)…và thấp hơn nợ tín dụng ở thế hệ X (4.290,07 đô).
6. Họ xây dựng ngân sách
Không chỉ lên kế hoạch tài chính trong tương lai, các Millennial còn thiết lập các ngân sách để đảm bảo rằng họ sẽ chi tiêu hợp lý. Theo khảo sát của Ngân hàng TD Ameritrade, tỷ lệ thế hệ Millennial "làm việc" với ngân sách cao hơn 31,1% so với thế hệ trước.
7. Thế hệ Y ưu tiên tiết kiệm hưu trí
Với các khoản khấu trừ tự động, thật khó tiết kiệm đủ để đảm bảo các kế hoạch của bạn trong tương lai. Mặc dù vậy, thế hệ Millennial đang nỗ lực làm việc và ưu tiên tiết kiệm hưu trí.
Theo một cuộc khảo sát của Transamerica, tỷ lệ đóng góp trung bình của thế hệ Y vào Quỹ hưu trí tư nhân "401(k)" ở Mỹ là 10%.
So với thế hệ X, thế hệ Y ưu tiên tiết kiệm hưu trí sớm hơn. Khoảng 39% thế hệ Y tham gia vào Quỹ hưu trí tư nhân "401(k)" trong khi thế hệ X chỉ có 30%.
8. Họ tự lập, không phụ thuộc vào An sinh xã hội
Millennial cũng không để cho người khác kiểm soát tương lai của họ. Họ tự lập kế hoạch cho riêng mình mà không phụ thuộc vào các trợ cấp.
Theo công ty Transamerica, khoảng 80% Millennial lo ngại rằng họ sẽ không được hưởng lợi ích từ An sinh xã hội khi họ về hưu.
Đó có thể là lí do vì sao có đến 56% Millennial cho rằng nguồn thu nhập chính trong hiện tại sẽ đảm bảo cho chất lượng cuộc sống của họ sau khi về hưu, trong khi chỉ 17% trông chờ vào An sinh xã hội. Đối với thế hệ trước, chỉ có 39% có kế hoạch tự đầu tư vào quỹ hưu trí của mình và 38% hi vọng vào An sinh xã hội.
9. Họ làm việc vì chính mình
Thể hiện tham vọng và theo đuổi các mục tiêu kinh doanh là "chìa khóa" để trở nên giàu có hơn. Và thế hệ Y không ngần ngại đương đầu với mọi khó khăn trên con đường của họ.
Theo công ty Deloitte, 54% Millennial đã bắt đầu hoặc đang lên kế hoạch bắt đầu khởi nghiệp và 27% đã trở thành chủ doanh nghiệp.
10. Xây dựng quỹ ‘khẩn cấp’
Không chỉ tiết kiệm hưu trí, việc xây dựng một quỹ "khẩn cấp" để trang trải các khoản chi phí phát sinh bất ngờ rất quan trọng đối với tương lai tài chính của chúng ta.
Phần lớn thế hệ Millennial trong cuộc khảo sát của Ngân hàng TD Ameritrade cho biết họ đang tiết kiệm để lập ra một quỹ cứu trợ "khẩn cấp", trong khi đó chỉ có 47% số người ở thế hệ trước có quan điểm như vậy.
11. Họ 'chia sẻ' và 'không sở hữu'
Các Millennial ngày càng ít mua sắm những đồ hiệu đắt tiền, ô tô hay những căn nhà để nghỉ mát, thay vào đó, họ lựa chọn thuê nhà hay sống chung với nhiều người.
Theo một cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs, chỉ có 15% Millennial cân nhắc đến việc mua xe như một nhu cầu thiết yếu và 7% cho biết họ đang xem xét mua nhà.
12. Họ lựa chọn con đường cho riêng mình
Các Millennial không đi theo những phong cách làm việc kiểu cũ, họ sẵn sàng phá vỡ khuôn khổ truyền thống để theo đuổi những điều mới mẻ và tiến bộ hơn trong kinh doanh. Đối với thói quen tài chính cũng vậy, thế hệ Y sẽ không đi theo bước chân của bố mẹ nếu như nó không có ý nghĩa gì với họ.
Theo một cuộc khảo sát của Fidelity's Millennial Money, 41% Millennial cho biết họ không nghĩ bố mẹ họ là "hình mẫu" lý tưởng cho thành công tài chính.
MSN