Bị con trai lớp 8 lấy trộm 300 triệu đem chia cho các bạn cùng lớp, người mẹ không đau đớn vì mất của bằng việc nhận ra con mình nghĩ có thể "mua" bạn được bằng tiền...
Nhà trường cùng lắm chỉ dạy được các bạn kỹ năng tính toán... còn về giá trị và ý nghĩa của đồng tiền thì chỉ có bố mẹ là dạy tốt nhất thôi.
- 12-03-2019Công nương Kate Middleton tiết lộ nguyên tắc nuôi dạy con để con có được tuổi thơ đúng nghĩa, bất kì bà mẹ nào cũng nên học theo
- 11-03-2019Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền!
Giáo dục con cái vốn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Họ luôn luôn đặt ra câu hỏi liệu mình có dạy con đúng cách hay không. Chỉ cần một lời phàn nàn từ phụ huynh khác hay từ chính người thân thôi là họ lại cảm thấy mình dường như đi sai hướng giáo dục con trẻ.
Mới đây, nhà báo Thu Hà - một bà mẹ single mom nuôi 2 đứa trẻ - đã chia sẻ một câu chuyện để cảnh tỉnh các bố mẹ về cách nhận biết của con trẻ về giá trị tiền bạc. Tiền là công cụ, phương tiện cần thiết trong cuộc sống nhưng không phải có tiền là có tất cả. Cụ thể câu chuyện như sau:
Chân dung nhà báo Thu Hà.
"Bạn của mình bị cậu con trai lớp 8 lấy trộm hơn 300 triệu, chỉ để mang tới cho các bạn cùng lớp, và mua mấy thứ đồ linh tinh, xài phung phí suốt 2 tháng trời mới phát hiện ra. Có lần cậu cao hứng mua tặng bạn một cái smartphone hơn 6 triệu. Rồi một bạn than không có tiền tổ chức sinh nhật, cậu rút ra tặng 5 triệu đồng, chưa hết, còn lên mạng đặt ngay một đôi giày chục triệu tặng luôn. Đi trà sữa lúc nào cậu cũng là người trả tiền cho cả nhóm. Lúc nào cũng có nhiều bạn vây quanh, xin tiền, vay tiền.
Hơn 300 triệu! Bạn khóc bảo: "Không biết tao có nên đưa con ra công an không, hay là ngậm đắng nuốt cay trong nhà với nhau".
Tháng trước, mình đọc báo thấy có cậu bé lớp 6 lấy trộm của ba mẹ 30 triệu cho các bạn trong lớp, mình đã rất ngạc nhiên. Giờ thì sự ngạc nhiên đã tăng lên gấp 10 lần.
Thực ra chuyện này không cá biệt lắm. Mình biết nhiều bé đã lấy trộm tiền của ba mẹ để cho bạn bè. Mẹ ít tiền thì lấy ít. Mẹ nhiều tiền thì lấy nhiều. Mình biết có bạn mua rất nhiều quần áo, giày dép, xài 1 vài lần, hoặc thậm chí còn nguyên tag thì đã cho bạn luôn.
Một bạn bé lớp 2, cứ rút trộm từ 50.000 đến 100.000, 200.000 mỗi lần, mang cho bạn "đại bàng" trong lớp hay bắt nạt con. Một bé khác lớp 3, thì lấy tiền để cho những người mà bạn ấy yêu quý.
Bạn mình nói: "Mất tiền, xót của là một chuyện, điều làm tao đau hơn là con tao đã nghĩ rằng có thể mua bạn được bằng tiền! Con ngu quá con ơi!".
Ừ, đúng là có nhiều bé đã nghĩ như vậy. Sẽ có được bạn thân nhờ tiền. Sẽ được tên đầu gấu trong lớp dừng bắt nạt nhờ tiền. Sẽ được bạn bè yêu quý, nể phục vì có nhiều tiền. Sẽ có người yêu nếu cho người ấy vay tiền buôn bán online...
Cư xử với đồng tiền, khá khó, cả với người lớn, nói gì đến trẻ con. Chúng ta hầu như không được dạy về giá trị và giá cả.
Tiền thành đơn vị đo người, như nhiệt kế. Lòng trắc ẩn cũng đo bằng tiền. Đám cưới, đám ma, lễ tết, sinh nhật gì cũng quy ra phong bì hết. Vài năm nay còn có dịch vụ tặng bó hoa tiền thật nữa.
Làm sao để dạy con về tiền? "Tiền nhiều để làm gì?"
Nhà trường cùng lắm chỉ dạy được các con kỹ năng tính toán... còn về giá trị và ý nghĩa của đồng tiền thì chỉ có bố mẹ là dạy tốt nhất thôi.
Mình thấy nhiều nhóm các mẹ cũng đã tổ chức những hội chợ nhỏ cho con tới buôn bán. Nhưng thế thì không giống thật. Bé chỉ bán cho bạn bè của bố mẹ, dễ thương, ăn nói ngọt ngào, mua hàng vì nể bố mẹ bé chứ không phải vì món hàng. Chả lo ế, chả lo lỗ, hay hàng hoá hư hỏng... Bé không bị lừa, bị ăn quỵt, bị la mắng... Nên thành ra, đó chỉ như chơi đồ hàng bằng tiền thật, dạy công trừ nhân chia bằng tiền thật mà thôi.
Ngày xưa, bố mẹ chúng ta nghèo, thành ra dạy con lại dễ. Nhà nào con cái cũng được lao động, nào là cày cấy, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau, nào là bán buôn, đúng nghĩa là kiếm ăn. Chúng ta được thực sự đối mặt với nỗi lo bán ế, thử thách bằng những khách hàng ngạo mạn, chúng ta cũng bị lừa đảo nữa...
Và chúng ta may mắn biết hiểu và thương bố mẹ, may mắn được hiểu rằng, có bạn tốt không cần nhờ có nhiều tiền. Mình tin kiếm tiền là năng lực và tiêu tiền là văn hoá.
May thế!
Thời nay không thiếu ăn nữa, chỉ thiếu thời gian bên nhau.
Chông chênh quá, tội nghiệp trẻ con bây giờ..."
Trí Thức Trẻ