Bị doạ 'đuổi' khỏi Mỹ, TikTok quyết định đổ hàng tỷ USD cho Đông Nam Á
“Chúng tôi sẽ đổ hàng tỷ USD đầu tư vào Đông Nam Á trong vài năm tới”, CEO Shou Zi Chew của Tiktok thừa nhận.
- 01-05-2023Thất sủng tại Mỹ, Tiktok dồn lực cho một quốc gia ở Đông Nam Á, đánh bại cả Shopee cùng nhiều trang bán hàng trực tuyến khác
- 26-04-2023ByteDance âm thầm xây ứng dụng 'chị em của TikTok', đã hút 17 triệu lượt tải nhưng vẫn có nguy cơ bị 'đuổi' khỏi Mỹ
- 24-04-2023TikTok một mực phân trần nhưng vừa lộ ra có rất nhiều lỗ hổng: Nhân viên dùng máy chủ đào tiền số, trung tâm dữ liệu có liên kết đặc biệt với ByteDance
Theo hãng tin CNBC, sức hút quá mãnh liệt của Tiktok tại Đông Nam Á, cùng với cản trở tại Phương Tây do xung đột thương mại đã khiến ứng dụng của nhà ByteDance-Trung Quốc quyết định gia tăng gấp đôi nguồn lực, đổ hàng tỷ USD cho thị trường láng giềng.
Hiện Đông Nam Á với 630 triệu dân, một nửa chưa đến 30 tuổi, đang là một trong những thị trường có số người sử dụng nhiều Tiktok nhất trên thế giới. Tuy nhiên ứng dụng của nhà ByteDance này lại chưa tận dụng được ưu thế đó để tăng cường doanh thu thương mại điện tử do phải đối mặt với quá nhiều đối thủ, ví dụ như Shopee, Lazada hay Tokopedia.
“Chúng tôi sẽ đổ hàng tỷ USD đầu tư vào Đông Nam Á trong vài năm tới”, CEO Shou Zi Chew của Tiktok thừa nhận.
Mặc dù không cung cấp kế hoạch chi tiết nhưng Tiktok cho biết họ sẽ đầu tư đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ người bán hàng tham gia nền tảng thương mại điện tử của công ty tại Đông Nam Á.
Hiện Tiktok đang có khoảng 8.000 nhân viên ở Đông Nam Á và khoảng 2 triệu nhà bán hàng đang sử dụng nền tảng TiktokShop ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực tính theo GDP sức mua tương đương (PPP).
Số liệu của momentum Works cho thấy tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm qua đã lên đến gần 100 tỷ USD, riêng Indonesia chiếm khoảng 52 tỷ USD.
Nền tảng Tiktok chiếm 4,4 tỷ USD tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm ngoái, cao hơn so với 600 triệu USD năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 48 tỷ USD của Shopee.
Gặp khó
Kế hoạch của Tiktok được công bố trong bối cảnh nền tảng sở hữu bởi doanh nghiệp Trung Quốc này bị chính phủ hàng loạt nước Phương Tây điều tra. Trong khi Mỹ mở phiên điều trần trước nghị viện thì Anh và New Zealand đã chính thức cấm Tiktok trên tất cả điện thoại của nhân viên chính phủ.
Dù Tiktok liên tục phủ nhận việc cung cấp thông tin cho chính phủ Trung Quốc nhưng vấn đề nằm ở cuộc cung đột thương mại, chạy đua công nghệ và địa chính trị hơn là lợi ích doanh nghiệp.
Hiện Tiktok chưa bị cấm ở Đông Nam Á nhưng một số nước đã siết chặt kiểm soát với nền tảng này.
Năm 2018, Indonesia đã từng tạm cấm Tiktok một thời gian do nội dung của ứng dụng này vi phạm các quy định tiêu chuẩn cộng đồng của quốc gia đạo Hồi.
Tại Việt Nam, Tiktok cũng đang bị điều tra vì những nội dung độc hại gây ảnh hưởng đến giới trẻ, văn hóa và truyền thống nơi đây.
*Nguồn: CNBC
Nhịp sống thị trường