MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị đối xử lạnh nhạt, thậm chí có khả năng phải hủy niêm yết, tại sao một loạt doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tìm đến Mỹ để huy động vốn?

17-10-2020 - 14:30 PM | Tài chính quốc tế

Theo Adam Lysenko – chuyên gia đến từ công ty nghiên cứu Rhodium Group, việc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ thường dễ dàng hơn ở Trung Quốc – với cơ chế quản lý ngặt nghèo và có nhiều hạn chế.

Những ngày gần đây, các công ty Trung Quốc được chào đón với thái độ không mấy nhiệt tình ở thị trường Mỹ. Tổng thống Donald Trump là người không ngừng phản đối Trung Quốc. Chính quyền của ông từ lâu đã nỗ lực gây áp lực cho "gã khổng lồ" ngành viễn thông Huawei, cấm TikTok và WeChat và dự định hủy niêm yết một loạt các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một số công ty đã chọn cách "tránh" thị trường Mỹ. Điển hình là trường hợp của Ant Financial – "ngôi sao" fintech từng có ý định nối gót Alibaba tìm đến NYSE để niêm yết. Công ty này hiện đang chuẩn bị IPO tại Hồng Kông và Thượng Hải. Tháng trước, Sina – công ty mẹ của Weibo niêm yết trên sàn Nasdaq, cho biết họ sẽ tự nhân hóa với một thỏa thuận 2,6 tỷ USD. Một ngày sau đó, Tencent thông báo họ sẽ mua lại Sogou – công ty phát triển dịch vụ tìm kiếm niêm yết tại NYSE, với giá 3,5 tỷ USD.

Trước đây, nhiều công ty Trung Quốc từng đổ xô đến New York. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang để mắt đến thị trường chứng khoán tại "quê nhà". Theo các nhà tư vấn tại Deloitte, từ tháng 1 đến tháng 9, giá trị các thương vụ niêm yết mới tại Hồng Kông đã tăng khoảng 28 tỷ USD, cao hơn 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền mà những công ty mới huy động vốn trên các sàn giao dịch ở đại lục – Thượng Hải và Thâm Quyến, đã đạt mức 355 tỷ CNY (53 tỷ USD), cao gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, nhiều startup của Trung Quốc vẫn bị hấp dẫn bởi việc niêm yết tại Mỹ. Vào tháng 8, Ke Holdings – công ty bất động sản trực tuyến được hậu thuẫn bởi SoftBank, đã huy động được 2,1 ỷ USD. XPeng – nhà sản xuất ô tô điện, cũng thu về 1,5 tỷ USD. Công ty fintech Lufax mới đây đã nộp đơn để IPO trên NYSE có thể huy động được 3 tỷ USD.

Theo đó, các công ty Trung Quốc đã huy động được gần 9 tỷ USD trong các đợt IPO tại Mỹ kể từ tháng 1 và 8 tỷ USD từ hoạt động bán niêm yết tại thị trường thứ cấp. Goldman Sachs ước tính rằng số tiền huy động được từ các đợt IPO của doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn NYSE và Nasdaq vẫn tăng mạnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Vốn hóa các đợt niêm yết của các công ty đại lục tại Mỹ hiện đã vượt quá mức 1,6 nghìn tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ tới 1/3. Goldman Sachs dự báo số lượng niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc tại New York sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay.

Bị đối xử lạnh nhạt, thậm chí có khả năng phải hủy niêm yết, tại sao một loạt doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tìm đến Mỹ để huy động vốn?  - Ảnh 1.

Vậy tại sao các công ty Trung Quốc vẫn đổ xô đến Mỹ, dù các yếu tố bên ngoài dường như không hề có lợi cho họ? Theo Adam Lysenko – chuyên gia đến từ công ty nghiên cứu Rhodium Group, việc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ thường dễ dàng hơn ở Trung Quốc – với cơ chế quản lý ngặt nghèo và có nhiều hạn chế. Thương vụ IPO "bom tấn" của Ant gần đây đã gặp trở ngại vào phút cuối cùng trong tuần này, khi cơ quan quản lý chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc bất ngờ trì hoãn việc phê duyệt niêm yết kép tại Hồng Kông.

Ngoài ra, việc niêm yết ở nước ngoài cũng cho phép các công ty đại lục tránh được những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về vấn đề tiền tệ của Trung Quốc. Gary Rieschel đến từ công ty đầu tư mạo hiểm Qiming Ventures, cho biết, việc chào bán cổ phần tại New York – trung tâm tài chính nổi tiếng của thế giới, là điều hợp lý với những công ty Trung Quốc – như Lufax, trong tham vọng mở rộng hoạt động ra toàn cầu. Đối với các startup đang lên nói riêng ở Phố Wall, IPO tại đây cũng thể hiện dấu ấn với những nhà đầu tư sành sỏi nhất thế giới, đồng thời tiếp cận một thị trường vốn có thanh khoản tốt nhất.

Về phần mình, các cổ đông nhận được số cổ phần cực kỳ hấp dẫn. Tổng lợi nhuận của 1 chỉ số thuộc BNY Mellon theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã tăng gần 1 nửa trong 12 tháng qua, gấp đôi mức tăng của S&P 500 – vốn theo dõi các công ty lớn của Mỹ.

Lysenko cho biết, từ năm 2017 đến năm 2019, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giao dịch ở mức định giá/lợi nhuận cao hơn so với các công ty thuộc S&P 500, Nasdaq và cả các công ty có cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn Thâm Quyến và Hồng Kông. Bởi vậy, những cổ phiếu này vẫn là "miếng bánh" ngon đối với nhà đầu tư Mỹ.

Tham khảo Economist

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên