Bị đuổi việc không chết đói được, hãy dũng cảm bước ra khỏi tập thể "làm việc để chết"!
Chia sẻ của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi đã nhận được nhiều sự đồng cảm. Mục đích chúng ta đến thế giới này không phải để kiếm ăn ngày hai bữa, cũng không phải kiếm thật nhiều tiền trong ngân hàng mà ta đến đây là để tiến hoá qua những trải nghiệm sống, thế nên, đừng gục ngã trên bàn làm việc!
- 11-12-2019Sống là phải to gan: Gặp người mình thích dám bày tỏ, gặp tiểu nhân dám từ chối, gặp cơ hội dám thử thách
- 11-12-2019Làm việc liên tục 40 tiếng, một dựng phim trẻ 31 tuổi đột tử: Không có ai làm việc để chết cả!
Thông tin một dựng phim trẻ vừa đột tử vì làm việc quá sức vừa qua đã khiến bao người bàng hoàng. Vừa bàng hoàng, người ta lại quay sang giật mình rồi tự hỏi, bấy lâu nay mình đã đối xử tệ với bản thân mình như thế nào và việc bán máu, bào sức vì cái gọi là deadline, liệu có xứng đáng hay không.
Việc có đáng hay không là một câu hỏi không hề dễ trả lời, bởi lẽ đôi khi, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của một người trưởng thành buộc phải gánh vác. Bạn còn trẻ, bạn còn khỏe và bạn phải lao động, đại loại là vậy. Tuy nhiên, đừng ỷ vào cái tuổi trẻ đó để đày đọa bản thân, để quên đi cách yêu thương bản thân mình.
Ảnh: Tâm Bùi
Mới đây, một bài viết liên quan đến thực trạng những người trẻ làm việc điên cuồng đến quên cả sức khỏe như vậy đã được rất nhiều người chia sẻ lại. Chia sẻ do Tâm Bùi - một nhiếp ảnh gia, một travel blogger nổi tiếng tại Sài Gòn đăng tải khiến mọi người cảm thấy đồng cảm, đồng thời cũng hiểu ra thêm nhiều điều về cái mà những người trẻ hiện tại đang phải chịu đựng.
Nguyên văn chia sẻ:
HÀNH TINH CÔ ĐƠN
Có lẽ đây là bài viết có thông tin tiêu cực duy nhất trong năm 2019 mà mình muốn chia sẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào cái tiêu cực với mục đích chuyển hoá nó thành cái tích cực chứ không phải lên án, chửi bới hay chạy trốn (vì hèn nhát).
Mấy năm gần đây, năm nào cũng có những bạn trẻ trong ngành quảng cáo qua đời do làm việc kiệt sức. Năm ngoái, có một anh trong agency của Nhật, vừa làm xong một job với mình, thì tháng sau nghe mọi người báo anh ấy vừa mất vì đột quỵ, để lại vợ và con nhỏ. Rồi cách đây 2 ngày, một bạn film editor mới 31 tuổi cũng mất do làm việc thâu đêm để hoàn thành deadline.
1. Karoshi, hội chứng chết trong lúc làm việc
Từ năm 1978, người Nhật phát minh ra một thuật ngữ là karōshi để chỉ hiện tượng một người làm việc quá sức dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chính gây tử vong do karōshi là nhồi máu cơ tim và đột quỵ do căng thẳng, thiếu ngủ, kiệt sức do suy dinh dưỡng bởi chế độ ăn thiếu thốn, ngoài ra cũng bao gồm tự tử do áp lực công việc. Nhật nổi tiếng bởi các vụ nhảy tàu điện tự tử. Còn Hàn Quốc thì nhảy xuống nhà cao tầng. Và có lẽ, Việt Nam đang bắt đầu bước vào thời kỳ kinh tế phát triển quá nhanh, kéo theo những áp lực cạnh tranh khốc liệt nơi công sở.
2. Tại sao lại là các công ty quảng cáo?
Quảng cáo, không chỉ ở Việt Nam, là một ngành thời thượng, thu hút nhiều bạn trẻ. Vì nó luôn đi đầu xu hướng, trông sang chảnh, toàn làm việc với người nổi tiếng, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Tất nhiên, sự cạnh tranh để thể hiện bản thân rất tàn khốc.
Ngành quảng cáo là một ngành đòi hỏi sự thích nghi cao độ. Một kế hoạch campaign có thể thay đổi vào phút chót. Một khủng hoảng có thể ập tới ngay vào sáng hôm sau chỉ do sự bốc đồng của một bà nội trợ. Một ambassador tự dưng bị tung clip nóng làm hỏng cả chiến dịch quảng cáo. Với sự phát triển nhanh như vũ bão của mạng xã hội, người làm quảng cáo lại càng đối mặt với việc phải xử lý thật nhanh (quick action), nếu không thì chỉ có ăn cám cả đám. Ngày xưa, chỉ có truyền hình và báo giấy, họ còn có thời gian để suy nghĩ, biên tập. Ngày nay, chỉ 1 cú click chuột là toàn cõi Việt Nam biết hết thông tin.
Tất cả gánh nặng đổ lên vai của những người làm cuối. Họ là nhân viên dựng phim (film editor), viết lời quảng cáo (copy writer), quan hệ khách hàng (account), tổ chức sản xuất (producer), art director, creative director… Sếp có quyền nghỉ ngơi, nhưng nhân viên thì không.
Không hề có bộ luật lao động nào bắt buộc họ làm thâu đêm suốt sáng khi có job gấp. Nhưng nếu họ thử từ chối xem, họ biết chắc là sẽ lãnh ngay "bản án" thôi việc từ phòng HR. Những công ty nước ngoài thì họ tôn trọng quyền của nhân viên hơn. Còn đa phần các agency Việt Nam, sếp là hoàng thượng nên ai cũng có thể bị "trảm" bất cứ lúc nào. Có những người sẵn sàng "say No" vì họ tự tin vào năng lực của mình. Không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Nhưng còn những ai thiếu tự tin vào kỹ năng, mang gánh nặng gia đình phải nuôi vợ trẻ, con thơ, mẹ già thì sao? Họ không từ chối được. Nên họ cứ làm thêm một chút, thêm một chút… và rồi tới một ngày họ gục ngã ngay trên bàn làm việc của mình.
Một cái chết cô đơn đến cùng cực.
3. Lỗi tại ai?
Không thể trách bất cứ ai. Vì người nào cũng có nỗi khổ tâm.
Là chủ doanh nghiệp, bằng mọi giá anh ta phải hoàn thành công việc. Nếu không, anh ta sẽ phá sản, hàng chục, hàng trăm nhân viên sẽ mất việc.
Là người lao động, họ cần công việc để tồn tại.
Nên không ai có thể bảo vệ mình ngoài chính mình.
4. Hãy cùng vượt qua những nỗi sợ
Bị đuổi việc không chết đói được. Lúc còn đi làm nhân viên ở công ty, mình rất sợ túng thiếu, sợ mất việc. Nhưng có một lần sếp bắt mình phải làm một công việc mà mình cho là vô lý, mình đã nhắn tin từ chối với anh ta. Liền sau đó phòng nhân sự gọi mình bảo thu xếp đồ đạc ở bàn làm việc vì hôm đó là ngày cuối cùng mình làm ở công ty. Ban đầu hơi sốc một chút nhưng rồi cũng quen. Cũng tồn tại được tới lúc này với một công việc mới, tự do hơn, đúng sở thích hơn.
Trong 6 năm làm văn phòng, mình qua 4 công ty và bị đuổi 3 lần. Mỗi lần bị đuổi với 1 sắc thái khác nhau. Có lúc cay đắng quá, mình và một cô em đồng nghiệp (hiện giờ đã trở thành 1 MC nổi tiếng) tâm sự với nhau là: "Tụi mình đang làm những điều vất vả này vì cái gì vậy em?" rồi cùng bước ra khỏi công ty. Đây là lần đầu tiên mình tâm sự chuyện này với mọi người. So cool!
Ngay từ lúc này, hãy bổ sung những lổ hổng kiến thức, trau dồi kỹ năng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Để ta có thể tồn tại trong bất cứ môi trường nào cũng được, để công việc chỉ là phương tiện giúp ta thực hiện ước mơ chứ không phải là nhà tù giam cầm thanh xuân.
Hãy thông thái chọn cho mình một môi trường làm việc tốt, một người sếp biết thương nhân viên. Bạn xứng đáng được điều đó.
Hãy tỉnh táo biết được giới hạn mình ở đâu. Và cũng để nhắc nhở những người bạn đồng nghiệp xung quanh.
Hãy dũng cảm bước ra khỏi những tập thể "làm việc để chết". Vì mình biết luôn có rất nhiều những con người cuồng tín như vậy. Cuộc đời của họ đơn điệu đến nỗi coi công việc là tôn giáo, coi phòng họp là thánh đường và chẳng biết gì ngoài bốn bức tường công ty.
Mục đích chúng ta đến thế giới này không phải để kiếm ăn ngày hai bữa, cũng không phải kiếm thật nhiều tiền để chất đống trong ngân hàng. Ta đến đây là để tiến hoá qua những trải nghiệm sống. Ngoài kia còn có dãy Himalaya đang đợi, còn có Vạn Lý Trường Thành sừng sững, có sushi, mì Ý cần bạn thưởng thức, có gia đình yêu dấu, có nụ cười ấm áp của người thương… có bao nhiêu thứ nhiệm màu chờ đợi bạn. Sao lại phải chết ở đây?
Vì cuộc sống bắt đầu ngay sau cánh cửa công ty.
Nguồn: Tâm Bùi
Helino