MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị hack 650 triệu trong tài khoản nhưng chỉ bằng 300 nghìn, nạn nhân đã buộc ngân hàng bồi thường đầy đủ

30-06-2016 - 12:09 PM | Tài chính quốc tế

Dù nằm ở thế khó, nhân vật chính của chúng ta vẫn vô cùng tỉnh táo và đưa ra quyết định thông minh giúp lấy lại tài sản của mình.

Thẻ ngân hàng rõ ràng vẫn ở trên người nhưng điện thoại lại nhận được tin nhắn tiền vừa chuyển đi. Những trường hợp trộm cắp qua thẻ ATM như vậy chắc hẳn chúng ta đã bắt gặp nhiều lần.

Tiền đã mất, giờ trách nhiệm thuộc về ai?

Một người đàn ông họ Đường ở Trấn Hải, tỉnh Ninh Ba (Trung Quốc) đã lâm vào hoàn cảnh này. Ông chỉ làm một việc rất đơn giản nhưng đã khiến ngân hàng phải bồi thường khoản tiền lớn gấp nhiều lần số bị đánh cắp.

Ông Đường là chủ một nhà máy, như bình thường ông vẫn sử dụng dịch vụ thanh toán di động thông qua phần mềm Wechat ( chủ tài khoản WeChat có thể thanh toán trực tiếp trên thiết bị di động, có thể chuyển từ tiền Nhân Dân Tệ sang 09 loại tiền tệ khác (đồng bitcoin AUR, đô la Canada, đồng Euro, đồng bảng Anh, đô la Hong Kong, đồng yên Nhật, đồng won Hàn quốc, đô la New Zealand và USD).

Tính đến sáng ngày 18 tháng 11 năm 2015, tiền gửi trong tài khoản là 190.000 nhân dân tệ. Đến 6h40 tối ngày 18 Tháng 11 năm 2015, ông Đường nhận được tin nhắn báo đã chuyển đi gần 190.000 tệ (khoảng 650 triệu đồng), tài khoản chỉ còn lại 58 tệ.

Thẻ ATM trong tay, tại sao lại có giao dịch ngân hàng? Ông Đường vẫn giữ bình tĩnh, gọi điện đến ngân hàng để thông báo tiền trong thẻ bị mất cắp và đến đồn cảnh sát gần nhất để báo mất tiền.

Ngay ngày hôm sau, cảnh sát điều tra ra số tiền trên bị kẻ gian dùng sim giả chuyển đến tỉnh Hồ Bắc

Ông Đường cho biết, trong các điều khoản của hợp đồng chỉ rõ ngân hàng có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của các khoản tiền gửi. Trong khi đó tiền trong tài khoản của khách hàng lại bị đánh cắp, ngân hàng không thể trốn tránh trách nhiệm cho việc này.

Nhưng phía ngân hàng cho rằng lúc thực hiện giao dịch vì kẻ trộm đã nhập mật khẩu phù hợp với giao dịch hợp pháp, cũng không có thông báo mất thẻ nên không phải chịu trách nhiệm, tất cả đều làm theo đúng quy định của pháp luật và điều khoản trong hợp đồng.

Không được giải quyết thỏa đáng, ông Đường kiện ngân hàng ra tòa đòi bồi thường số tiền 190.000 nhân dân tệ đã mất cộng với số tiền lãi định kỳ.

Bất ngờ thay, tòa án Trấn Hải đưa ra phán quyết ngân hàng phải đền bù số tiền đã mất cho ông Đường, lý do ở đây là gì?

Vào ngày phát hiện số tiền bị mất cắp, ông Đường ngay lập tức bảo vợ mình thực hiện giao dịch chuyển 100 tệ vào tài khoản rồi ra cây ATM gần nhất rút đúng 100 tệ đó ra. Chính cách làm đó đã chứng minh được giao dịch với thẻ ngân hàng thật ở Trấn Hải, tỉnh Ninh Ba còn giao dịch giả ở Hồ Bắc. Chứng cớ sắt đá đó đã giúp ông Đường được bồi thường số tiền đã mất.

Ngân hàng phát hành thẻ nhưng không thể xác định nguyên nhân cũng như nguồn gốc các thẻ ATM và giao dịch giả. Chính điều khoản “chỉ cần mật khẩu phù hợp sẽ được công nhận là giao dịch chủ thẻ hợp pháp” và “không chịu trách nhiệm cho những tổn thất tài chính xảy ra trước khi chủ thẻ báo lỗi hoặc mất thẻ" đã tạo ra lỗ hổng cho kẻ gian lợi dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng.

Trong trường hợp này, cách làm vô cùng đơn giản mà hiệu quả của ông Đường đã giúp ông chiến thắng vụ kiện có xác suất thành công không cao. Nhắc nhở chúng ta luôn phải bình tĩnh và sáng suốt, trong bất kì tình huống khẩn cấp nào cũng phải giữ bình tĩnh để nghĩ cách giải quyết phù hợp nhất là với những vấn đề nhạy cảm và phức tạp như tài chính-ngân hàng.

PV

Trí thức trẻ / GenK

Trở lên trên