MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị hắt hủi và kỳ thị khi còn là một đứa trẻ, cô gái 21 tuổi đã trở thành nhà lãnh đạo và làm những việc ai cũng nể phục!

26-08-2016 - 14:29 PM | Sống

Mang trong mình hai tôn giáo khi cha theo đạo Thiên chúa, mẹ là người Hồi giáo, Arizza Nocum đã có tuổi thơ chẳng mấy dễ dàng. Thế nhưng, cô đã vượt lên tất cả để làm những việc có ích một cách đầy tâm huyết, mang tới tương lai tốt đẹp cho nhiều trẻ em.

Năm 2000, cuộc điều tra dân số kết luận Thiên chúa giáo chiếm phần lớn Philippines với khoảng 83% trong khi đạo Hồi chỉ chiếm thiểu số 5%. Chính vì thế, cuộc hôn nhân của cha mẹ cô là “lời tuyên bố chống lại xã hội họ đang sống”.

Trả lời phỏng vấn của Business Insider, Nocum cho biết: “Trong suốt bề dày lịch sử của Philippines, đạo Thiên chúa luôn chiếm ưu thế, điều đó đồng nghĩa với việc đạo Hồi sẽ bị đàn áp. Theo lẽ tất nhiên, hai tôn giáo này luôn xảy ra căng thẳng và thành kiến”.

Tuy nhiên, cô gái 21 tuổi được cha mẹ nuôi nấng trong sự giao thoa văn hóa của đạo Hồi và Thiên chúa, được tiếp cận Thánh Kinh và Kinh Quran. Nocum mặc trang phục bình thường khi tham gia Thánh lễ cùng với cha và đeo khăn trùm đầu khi tham dự sự kiện của người Hồi giáo với mẹ. Cô luôn cảm thấy thoải mái khi mang trong mình hai tôn giáo, cuộc sống kết hợp giữa “thánh giá và trăng lưỡi liềm”.

Mọi thứ thay đổi khi cô gái trẻ bước chân vào trường học, nhiều nhận xét tiêu cực từ bạn bè hướng về phía Nocum.

"Điều thực sự kinh khủng là khi tôi mặc quần áo bình thường, mọi người đối xử bình đẳng nhưng khi tôi đeo khăn che mặt và đi ra ngoài cùng mẹ, họ ngay lập tức thay đổi thái độ. Định kiến ấy khiến tôi nhận ra mọi thứ không công bằng và điều gì đó cần phải thực hiện”, Nocum tâm sự.

Năm 2008, với sự tài trợ của một số doanh nghiệp và cá nhân, gia đình Nocum xây dựng một thư viện tại Manicaha, bán đảo Zamboanga, mang tên “Kris Library” ( tạm dịch Thư viện Kris). Ý tưởng này xuất phát từ mục đích muốn tạo ra một cộng đồng nơi người Thiên chúa giáo và Hồi giáo có thể tương tác lẫn nhau.

Arizza bắt đầu tham gia vào dự án của gia đình năm 2011, chỉ trong vòng một năm, cô giúp đỡ xây dựng thêm 5 thư viện tương tự như vậy trên khắp đảo quốc Philippines.


Những bạn trẻ theo đạo Hồi học với máy tính, một số lần đầu tiên được tiếp cận với thiết bị mới mẻ này.

Những bạn trẻ theo đạo Hồi học với máy tính, một số lần đầu tiên được tiếp cận với thiết bị mới mẻ này.

Cô gái mang trong mình “thánh giá và trăng lưỡi liềm” cho hay: “Chúng tôi có khả năng thu hút mọi người bởi thư viện đưa ra sự kết hợp giữa sách, các nguồn tài nguyên kĩ thuật số, máy tính và kết nối internet. Trẻ em là đối tượng yêu thích máy tính và mạng Internet bởi cộng đồng ở đây không chỉ phải chịu cảnh giao tranh mà còn không thể tiếp cận nguồn điện hay điện thoại”.

Tuy vậy, khi đã bước qua cánh cửa thư viện, cả bậc phụ huynh và con em của họ đều rất e ngại việc ngồi trộn lẫn giữa hai tôn giáo. Họ sẽ tách ra thành 2 nhóm: một là Thiên chúa giáo, bên còn lại là Hồi giáo. Điều này thật đáng buồn. Tuy nhiên, thư viện Kris khuyến khích những đứa trẻ tương tác với nhau thông qua sự hướng dẫn và các chương trình học bổng giúp trẻ em đến trường. Khi ấy, sự hòa nhập của lũ trẻ khiến sự phân chia hoàn toàn biến mất.

Nocum chia sẻ, Kris Library đã tài trợ cho hơn 400 trường hợp, nhưng cô vẫn mong muốn thư viện của mình làm được nhiều điều hơn nữa và mở rộng quy mô với hơn 30 thư viện trên toàn Philippines. Hiện nay, các chương trình bảo trợ tập trung vào bạn trẻ gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột, nhưng Nocum muốn giúp đỡ nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là những người sống tại thành phố quê hương Manila của cô.

Nocum cho biết: “Hiện nay, những người nhận được lợi ích từ chương trình là người Hồi giáo và Thiên chúa giáo tại khu vực miền Nam - nơi giao tranh xảy ra, tuy vậy, chúng tôi muốn chương trình có thể đến với những người Philippines khác.

Nocum vừa mới tốt nghiệp với tấm bằng kĩ sư, nhưng nay cô muốn hướng mình tới các doanh nghiệp xã hội bởi lẽ: “Tại Kris Library, tôi nhận ra chúng tôi đang giáo dục các học viên và giúp họ hoàn thành giấc mơ giảng đường đại học, nhưng khi đến thăm họ sau khi ra trường, họ đang trong tình trạng thất nghiệp hoặc chờ việc bởi những khu vực này, đặc biệt là phía Nam, không có việc làm cho họ. Vì vậy, tôi muốn đi đến nhiều các doanh nghiệp hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm cho con người tại đây”.

Nocum là một trong 10 nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trên thế giới được chọn để tham gia vào Tổ chức Kofi Annan và hội nghị Một thế giới trẻ. Sát cánh cùng nhau, họ sẽ tạo ra một chương trình tiện ích với mục đích tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi trên khắp thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan.

Nguyễn Nguyễn

B.I

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên