Bị HNX đưa vào diện kiểm soát, 1 cổ phiếu lúa gạo giảm kịch biên độ 10%, thị giá bốc hơi 50% trong 2 tháng dù xuất gạo Việt Nam đạt kỷ lục
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chuyển cổ phiếu TAR từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10.
- 23-09-2023Giá gạo Việt Nam lên cao nhất thế giới, Bầu Hiển thắng lớn với “khoản cược” Vinafood 2 (VSF): Bỏ ra 1.200 tỷ, nay có hơn 5.000 tỷ
- 18-09-2023Doanh nghiệp lúa gạo, thuỷ sản: Vốn ngân hàng “lúc không cần thì có, lúc khó lại không thấy”
- 16-09-2023Tập trung vốn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thu mua chế biến, tạm trữ lúa gạo
Phiên giao dịch ngày 9/10, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã giảm hết biên độ về mức giá sàn 12.600 đồng/cp (giảm 10%), trắng bên mua với gần 1,18 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn. So với vùng đỉnh hồi tháng 8, cổ phiếu TAR đã giảm gần 45% sau 2 tháng.
Trước đà giảm gần đây, TAR cùng nhiều cổ phiếu ngành lúa gạo đã có chuỗi tăng phi mã. Từ tháng 3 đến tháng 8, TAR đã tăng gần gấp đôi từ 12.000 lên gần 23.000 đồng.
Cổ phiếu TAR giảm sàn sau khi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc chuyển cổ phiếu TAR từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.
Ngày 26/8, TAR đã gửi công văn lên Uỷ ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội xin gia hạn công bố BCTC bán nên năm 2023 đã soát xét của công ty với thời hạn dự kiến là 30/9 do việc tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động kinh doanh...
Vào giữa tháng 8, Chủ tịch HĐQT của TAR là bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1956) và Tổng Giám đốc là ông Phạm Thái Bình (sinh năm 1956) đã nộp đơn xin từ nhiệm và lý do được cả 2 lãnh đạo đưa ra nhằm "cơ cấu lại nhân sự Công ty".
Về Trung An, Công ty là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, nổi bật có thị trường châu Âu. Từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện Công ty chia sẻ với báo giới, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An.
Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Đến nay Trung An đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.
Kết thúc quý 2/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến TAR lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Giải trình, Trung An cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và Công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Công ty đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 51 tỷ đồng cùng kỳ và chỉ thực hiện được hơn 1% kế hoạch lợi nhuận năm (50 tỷ đồng).
Xuất khẩu gạo Việt Nam thiết lập kỷ lục mới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất đã từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Điều đáng chú ý là đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD trong 9 tháng 2023 mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần 7,1 triệu tấn gạo.
Đó là bởi giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.
Nhịp sống thị trường