MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của đại dịch: Những con người chọn chết ở nhà, thay vì bơ vơ chốn xa lạ

09-02-2021 - 09:16 AM | Sống

Những người mắc bệnh hiểm nghèo - bao gồm cả Covid-19 - tại Mỹ đang chọn cách qua đời tại nhà, để thoát khỏi cảnh chia lìa với người thân.

Brian Simmons, chủ một nhà tang lễ tại Missouri cho biết, số lượng các chuyến đi tới nhà người dân để thu thập thi thể đang ngày càng nhiều hơn.

Khi Covid-19 oanh tạc cộng đồng tại Missouri (Mỹ), đội ngũ chỉ gồm 2 người của ông đã thường xuyên đi khắp các hộ gia đình tại Springfield, di dời thi thể của những người chọn chết tại nhà, thay vì dành những ngày cuối cùng trong nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện nơi người thân không được phép tới thăm. Họ không muốn chết trong cô đơn.

Simmons thấu hiểu sự lựa chọn này, bởi con gái ông (49 tuổi) đã nhiễm Covid-19 trước Giáng Sinh và phải điều trị trong bệnh viện Springfield. Khi đó, cả gia đình chỉ có thể nghe báo tin qua điện thoại, để biết rằng tình trạng của cô ngày càng tệ hơn.

Bi kịch của đại dịch: Những con người chọn chết ở nhà, thay vì bơ vơ chốn xa lạ - Ảnh 1.

Brian Simmons bên di ảnh của con gái

"Tình cảnh chia ly thực sự rất khó khăn" - Simmons chia sẻ. "Con gái tôi đến bệnh viện, và chúng tôi chỉ có thể nhìn con qua tấm cửa kính phòng chăm sóc tích cực (ICU), nơi cô được đặt vào máy trợ thở. Đó cũng là lần cuối Simmons được nhìn thấy con gái, vì chẳng bao lâu sau cô đã qua đời.

Nỗi sợ cô đơn - bi kịch của bệnh dịch

Khắp nước Mỹ, nhiều bệnh nhân - cả Covid-19 lẫn các bệnh nan y khác - cũng đang có quyết định tương tự. Họ thà chết ở nhà, thay vì đối mặt với viễn cảnh chỉ có thể nói lời vĩnh biệt qua tấm kính hoặc màn hình điện thoại.

"Những gì đang xảy ra là bệnh nhân chọn ở nhà," - Judi Lund Person, phó chủ tịch Tổ chức Chăm sóc tế bào giảm nhẹ Quốc gia chia sẻ. "Họ không muốn tới bệnh viện. Nhà dưỡng lão cũng không."

Số liệu từ nhà chức trách cho thấy tỉ lệ bệnh nhân chọn chăm sóc ở nhà cũng tăng 30% - 40% phần trăm. Theo Regina Bodnar - giám đốc điều hành viện dưỡng lão Caroll tại Westminster, Maryland (Hoa Kỳ), căn nguyên đằng sau chủ yếu là do nỗi sợ lây nhiễm tại các nhà dưỡng lão.

Bi kịch của đại dịch: Những con người chọn chết ở nhà, thay vì bơ vơ chốn xa lạ - Ảnh 2.

Bên trong nhà bảo quản lạnh của Simmons

Như Lisa Kossoudji, giám sát y tá tại Nhà dưỡng lão Dayton (Ohio), Kossoudji đã mang mẹ của mình (95 tuổi) về nhà chung sống khi đại dịch xuất hiện. Trước đó, cô đã phải trải qua hàng tuần không được nhìn thấy mẹ, lo lắng sức khỏe mẹ ngày càng suy sụp bởi bản thân bị hạn chế di chuyển tại nơi làm việc nhằm ngăn nguy cơ lây nhiễm.

Mẹ của Kossoudji mắc chứng dày động mạch trong não, hiện đang được chăm sóc y tế tại nhà. Và giờ, cô thấy những gia đình mình chăm sóc cũng đang có lựa chọn tương tự.

"Rất nhiều người đã mang thân nhân ốm yếu trở về, bất chấp việc họ phải cắm ống thở hay ăn qua ống truyền. Đó là những thứ thường ngày ai cũng nhìn vào và nói 'Trời ơi, tôi không làm được đâu'" - cô chia sẻ. "Còn giờ, ai cũng sẵn sàng mang họ về nhà, để có thể nhìn thấy nhau vào những thời khắc cuối." 

Trước đại dịch, các nhân viên y tế tại viện dưỡng lão phải chứng kiến bệnh nhân đang chết dần vì bệnh tim, ung thư, mất trí nhớ và vô số các căn bệnh khác nữa. Nhưng khi đại dịch xảy ra, mọi thứ thay đổi. Nhiều người phải làm việc tại nhà và có nhiều thời gian hơn. Đâm ra, họ cảm thấy thoải mái với việc được tự mình chăm sóc người thân, thay vì nhờ cậy viện dưỡng lão.

"Vấn đề của đại dịch là mọi thứ đến quá nhanh, đến mức đột nhiên các thành viên trong gia đình buộc phải sẵn sàng để chăm sóc người thân tại nhà" - trích lời Carole Fisher, chủ tịch Sáng kiến Chăm sóc Y tế Đối tác Quốc gia.

"Tôi từng nghe có gia đình bảo 'Tôi có thể chăm lo cho mẹ già theo cách rất khác, vì giờ tôi đang làm việc tại nhà'" - cô bổ sung.

Tuy nhiên, chết tại nhà không phải là lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Với những bệnh nhân ốm nặng, chăm sóc cho họ đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đêm mất ngủ và tăng thêm căng thẳng khi dịch bệnh đang càn quét quá nhanh.

Nguồn: AP, Spectrum


Theo JD

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên