MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của đồng sáng lập Tesla sau khi bị Elon Musk chiếm ghế CEO: Thất nghiệp, cạn kiệt tiền trong suốt 2 năm

19-02-2023 - 20:51 PM | Sống

Martin Eberhard không thể làm việc cho công ty ô tô nào khác sau khi bị “đá” khỏi ghế CEO Tesla năm 2007.

Bi kịch của đồng sáng lập Tesla sau khi bị Elon Musk chiếm ghế CEO: Thất nghiệp, cạn kiệt tiền trong suốt 2 năm - Ảnh 1.

Thời điểm hiện tại, Tesla là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. Vì lẽ đó, có thể nhiều người cho rằng một trong những nhà sáng lập Tesla sẽ được săn đón trên thị trường việc làm.

Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy! Mới đây, nhà đồng sáng lập Tesla - Martin Eberhard đã chia sẻ với Business Insider rằng ông từng rơi vào cảnh thất nghiệp và cạn kiệt tiền sau khi bị đẩy khỏi vị trí CEO công ty năm 2007.

"Sau khi tôi rời Tesla, về cơ bản, tôi đã thất nghiệp trong khoảng hai năm vì thỏa thuận sở hữu trí tuệ giữa tôi và Tesla. Tình cảnh trong vài năm đầu tiên của tôi là thất nghiệp và hết tiền”, Eberhard cho biết.

Eberhard và người bạn lâu năm (cũng là đồng sáng lập Tesla) - Marc Tarpenning là những người nảy ra ý tưởng và thành lập Tesla. Tuy nhiên, hợp đồng của Eberhard với Tesla đồng nghĩa với việc công ty sở hữu quyền đối với sản phẩm mà ông tạo ra. Nó cũng không cho phép Eberhard làm việc với một công ty ô tô khác trong vòng hai năm kể từ khi nghỉ việc.

Bi kịch của đồng sáng lập Tesla sau khi bị Elon Musk chiếm ghế CEO: Thất nghiệp, cạn kiệt tiền trong suốt 2 năm - Ảnh 2.

Martin Eberhard (trái) và Marc Tarpenning.

“Đến ngày hết thời hạn hai năm đó, Volkswagen đã thuê tôi”, Eberhard nói. Ông gian nhập hãng xe này vào mùa thu năm 2009.

Eberhard đã đánh mất vai trò CEO của Tesla khoảng ba năm sau khi Elon Musk đầu tư vào công ty. Eberhard từng nói rằng Musk và hội đồng quản trị Tesla đã họp mặt sau lưng ông để bỏ phiếu cho Musk thay thế vị trí CEO của ông. Thay vào đó, Eberhard chuyển sang vai trò chủ tịch công nghệ tại Tesla nhưng ông hầu như không có nhiều quyền lực như trước. Công việc của ông chủ yếu là khắc phục sự cố và giải quyết một số vấn đề khác.

Eberhard rời công ty năm 2007. Kể từ đó, sự vai trò ban đầu của ông tại Tesla đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa ông và Musk. Musk cho biết sự ra đi của Eberhard có liên quan đến sự chậm trễ trong quá trình sản xuất Tesla Roadster, cũng như các vấn đề vận hành khác.

"Đây không phải là vấn đề về sự khác biệt về tính cách vì quyết định để Eberhard chuyển sang vai trò cố vấn đã được hội đồng quản trị nhất trí. Tesla có những vấn đề về vận hành cần được giải quyết và nếu hội đồng quản trị nghĩ rằng có bất kỳ cách nào để Eberhard có thể là một phần của giải pháp thì ông ấy vẫn sẽ là nhân viên của công ty”, Musk cho biết vào thời điểm đó.

Eberhard từng kiện Musk năm 2009 với cáo buộc phỉ báng. Vụ việc đã được giải quyết trong năm đó. Từ đây trở đi, Musk gọi Eberhard là “người tồi tệ nhất” mà ông từng làm việc cùng.

Bi kịch của đồng sáng lập Tesla sau khi bị Elon Musk chiếm ghế CEO: Thất nghiệp, cạn kiệt tiền trong suốt 2 năm - Ảnh 3.

Elon Musk (trái) và Martin Eberhard.

Năm ngoái, Musk chỉ trích rằng Eberhard "có thể mạo hiểm tiền của mình nhưng không muốn làm như vậy", ám chỉ việc đầu tư nhiều hơn vào Tesla. Lúc đó, Eberhard gọi nhận xét của Musk là không đúng sự thật.

Tại Volkswagen, Eberhard từng là giám đốc phát triển mảng xe điện cho đến năm 2011. Ông gọi trải nghiệm này là "cực kỳ mang tính giáo dục". Sau đó, ông tiếp tục làm việc một thời gian ngắn với các công ty khởi nghiệp khác, bao gồm Lucid Motors. Ngoài ra, ông cũng ra mắt hai công ty khởi nghiệp về pin xe điện là Inevit và Tiveni. Eberhard nói với Business Insider rằng ông vẫn sở hữu một lượng "cổ phần nhỏ" tại Tesla.

Ngày nay, Eberhard tự gọi mình là "doanh nhân đã nghỉ hưu" và "thỉnh thoảng có tầm nhìn". Ông vẫn thường xuyên gặp Tarpenning hàng tuần để thảo luận về các ý tưởng - một thói quen mà hai người đã duy trì trong suốt 35 năm qua. Hai doanh nhân cũng cùng nhau điều hành một công ty đầu tư nhỏ.

Nguồn: BI

Theo Mộc Tiên

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên