MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của người già Hàn Quốc: Sống thọ nhưng quá nghèo

28-08-2017 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Theo Shin Kwang-yeong, giáo sư tâm lý học tại ĐH Chung-Ang ở Seoul, tuổi thọ của người Hàn Quốc tăng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng tốc độ già hóa quá nhanh khiến phần lớn người già rơi vào cảnh nghèo.

Đầu năm nay, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra 1 dự báo khiến nhiều người ngạ nhiên: phụ nữ Hàn Quốc sinh năm 2030 được dự báo sẽ có tuổi thọ trung bình lên tới 90 tuổi, vượt qua Nhật Bản trên bảng xếp hạng quốc gia sống thọ nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên tuổi thọ trung bình của nam/nữ ở 1 nơi nào đó trên thế giới vượt qua cột mốc 90.

Báo cáo nhận định tuổi thọ của người Hàn Quốc sẽ tăng mạnh nhất trong nhóm các nước phát triển, đến năm 2030 tuổi thọ trung bình của phụ nữ Hàn Quốc sẽ tăng thêm 6,6 năm so với 2010. Nam giới Hàn Quốc cũng thuộc hàng sống thọ nhất thế giới với tuổi thọ trung bình là 84 tuổi.

Những con số nói trên phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc từ cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm (1950 – 1953), chuyển mình thành 1 nền kinh tế hùng mạnh xuất khẩu mọi thứ, từ đồ điện tử gia dụng, smartphone đến cả món kim chi hay âm nhạc.

Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc tăng lên do nhiều nguyên nhân như lối sống lành mạnh (ít hút thuốc, ít béo phì) và cả do chế độ chăm sóc sức khỏe cho toàn dân khá tốt.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy 1 nghịch lý đáng lo ngại. Dù tuổi thọ của người Hàn tăng lên, gần một nửa công dân trên 65 tuổi của nước này đang được xếp vào nhóm nghèo theo dữ liệu của OECD. Khảo sát được thực hiện năm 2011 cho thấy 48,6% người già Hàn Quốc là người nghèo (theo định nghĩa kiếm được 50% hoặc ít hơn so với thu nhập của 1 hộ gia đình trung bình). Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 34 nước thành viên OECD.

Khoảng 1/4 trong số này đang sống 1 mình, và điều đó dẫn đến việc tỷ lệ tự tử trong người già tăng rất nhanh, từ mức 34 trên 100.000 người của năm 2000 lên 72 người trong năm 2010. Nhiều người quyết định từ giã cõi đời vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình.

Theo Shin Kwang-yeong, giáo sư tâm lý học tại ĐH Chung-Ang ở Seoul, tuổi thọ của người Hàn Quốc tăng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng tốc độ già hóa quá nhanh khiến phần lớn người già rơi vào cảnh nghèo.

Không có tiền tiết kiệm và không có gia đình hỗ trợ

Tại công viên Tapgol ở Seoul, hàng chục người đang xếp hàng để nhận bữa trưa miễn phí. Mở cửa quanh năm, quán ăn tự phục vụ này đã đón khoảng 140 người mỗi ngày, nhưng tình nguyện viên Kang So-yoon cho biết gần đây con số đã tăng lên khoảng hơn 200.

“Lý do chính là bởi nền kinh tế ở trong trạng thái tồi tệ và người già không kiếm được việc làm. Đối với một số người, đây là bữa ăn duy nhất trong ngày. Nếu như không có con cháu chăm sóc, đây là tất cả những gì họ có”, cô nói.

Điều đáng buồn là nhiều người già Hàn Quốc phải chịu cảnh khổ sở chính vì họ đã hi sinh quá nhiều cho con cái. Khi vẫn còn sức làm việc, nhiều người đã đổ hết tiền bạc cho chuyện học hành của con, dẫn đến không thể dành dụm tiền cho tuổi già.

Một người phụ nữ gần 80 tuổi cho biết bà không thể đủ sống với lương hưu. Hàng ngày bà tới đây để ăn cơm miễn phí. Con cháu không thể giúp bà vì bản thân chúng cũng gặp khó khăn về tài chính.

Theo truyền thống thì con cái có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Đây là truyền thống tốt nhưng cũng là một phần nguyên nhân khiến mạng lưới an sinh xã hội chưa kịp thích nghi để đối phó với tình trạng dân số bị già hóa quá nhanh. Và sự phân cực giàu nghèo ngày càng gia tăng khiến ngày càng có nhiều người không có đủ khả năng giúp đỡ cha mẹ họ về mặt tài chính.

Dịch vụ chăm sóc y tế toàn dân

Mới đây hoàn cảnh khó khăn của người già Hàn Quốc đã trở thành chủ đề nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống. Cựu luật sư Moon Jae-in đã chiến thắng nhờ tận dụng tốt sự giận dữ của công chúng trước tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ leo lên mức kỷ lục dưới thời người tiền nhiệm Park Geun – hye.

Lấy cải cách hệ thống an sinh xã hội làm ưu tiên hàng đầu, ông Moon cam kết sẽ tăng mức lương hưu cơ bản từ hơn 200.000 won hiện nay lên 300.000 won mỗi tháng, đồng thời tăng gấp đôi số việc làm cho người già. Ông cũng lên kế hoạch trợ cấp cho những bệnh nhân Alzheimer hay tăng số lượng nhà ở cho người già.

Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc được dự báo sẽ trải qua giai đoạn dân số già hóa rất nhanh trong mấy thập kỷ tới. Tỷ lệ người trên 65 tuổi trong tổng dân số được dự báo sẽ tăng từ mức 13% ngày nay lên 40% vào năm 2060.

Tuổi thọ trung bình tăng lên là điều mà quốc gia nào cũng muốn, thể hiện sự tiến bộ về kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nếu như kinh tế Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng và nước này không tìm ra được 1 giải pháp dài hơi để cải thiện đời sống của người già, tuổi thọ tăng sẽ mang lại nhiều phiền toái hơn là niềm tự hào.

Thu Hương

The Guardian

Trở lên trên