MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của thế hệ trung niên Mỹ: Đến tuổi nghỉ hưu vẫn lo trả nợ sinh viên vài chục nghìn USD, bất lực vì không kiếm ra tiền

23-06-2021 - 08:08 AM | Tài chính quốc tế

Bi kịch của thế hệ trung niên Mỹ: Đến tuổi nghỉ hưu vẫn lo trả nợ sinh viên vài chục nghìn USD, bất lực vì không kiếm ra tiền

Tại Mỹ, khoản nợ sinh viên 1,7 nghìn tỷ USD lại chủ yếu "đè nặng" lên vai của thế hệ trung niên. Hiện tại, có khoảng 8,7 triệu người Mỹ trên 50 tuổi vẫn phải trả các khoản vay đại học. Khối nợ của họ đã tăng khoảng 1/2 kể từ năm 2017.

Theo Bloomberg, một số đã đi vay để hỗ trợ cho con cái của họ và có thể phải đến xấp xỉ ngưỡng 90 tuổi họ mới trả hết nợ. Trong khi đó, một số khác quyết định học đại học khi đã nghỉ hưu. Ở cả 2 trường hợp, nhóm người đi vay đều phải chịu mức lãi suất cao.

Alma Topete (60 tuổi) – đã vay khoảng 30.000 USD và hiện nợ 70.000 USD, chia sẻ: "Lãi suất cứ tích lũy dần dần. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ phải trả nợ ở tuổi này."

Bi kịch của thế hệ trung niên Mỹ: Đến tuổi nghỉ hưu vẫn lo trả nợ sinh viên vài chục nghìn USD, bất lực vì không kiếm ra tiền  - Ảnh 1.

Kể từ năm 2017, tại Mỹ, nợ sinh viên của nhóm người già tăng nhanh nhất.

Đó là lý do tại sao việc tiếp tục thanh toán những khoản nợ sinh viên là một thách thức kéo dài qua nhiều thế hệ ở Mỹ. Chính sách hỗ trợ trong đại dịch sẽ kết thúc vào tháng 9 tới, nhưng chính quyền ông Biden cũng không đưa ra dấu hiệu nào cho việc giãn hay xóa nợ sinh viên mà ông hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.

Đáng lẽ ra, nợ sinh viên không phải là một gánh nặng cả đời đối với mỗi công dân. Hệ thống giáo dục của Mỹ - vốn phụ thuộc nhiều hơn vào việc vay nợ cá nhân hơn các quốc gia khác, hoạt động dựa trên ý tưởng rằng sinh viên tốt nghiệp có thể thanh toán nợ tương đối sớm trong quá trình đi làm. Hầu hết, các khoản vay thường được cam kết trả trong 10 năm, khoảng 1/3 thời hạn của khoản thế chấp thông thường.

Tuy nhiên, thực tế đối với nhiều người đi vay lại rất khác. Frank Sizer Jr. (77 tuổi) cho biết thời hạn trả nợ của ông là 20 năm. Từng là quản giáo nhà tù, Sizer đã vay tiền để giúp con trai theo học ngành sinh học tại Bridgewater College ở Virginia. Ông đã nghỉ hưu vào năm 2010, 2 năm sau khi con trai tốt nghiệp và hiện vẫn nợ khoảng 52.000 USD.

Bi kịch của thế hệ trung niên Mỹ: Đến tuổi nghỉ hưu vẫn lo trả nợ sinh viên vài chục nghìn USD, bất lực vì không kiếm ra tiền  - Ảnh 2.

Trung bình các khoản nợ sinh viên theo từng độ tuổi tại Mỹ.

Ông chia sẻ: "Chỉ có chúa mới biết số tiền ban đầu là bao nhiêu. Con số cứ tiếp tục tăng lên." Khi đi vay, ông kỳ vọng mình có thể thanh toán toàn bộ trước khi nghỉ hưu. Nhưng giờ đây, khi không còn đi làm, ông không biết phải làm thế nào để có 500 USD/tháng.

Lý do tại sao những người đi vay như ông Sizer thường phải chịu khoản nợ tăng lên là do họ phải trả lãi suất cao hơn.

Kể từ giữa năm 2006, các khoản vay liên bang được đảm bảo theo chương trình Parent PLUS tính lãi suất 4,66% theo trái phiếu kho bạc Mỹ, cao hơn nhiều so với mức trung bình dành cho sinh viên. Ngoài ra, các khoản vay của phụ huynh cũng đi kèm với khoản phí trả trước khổng lồ, hiện ở mức 4,23%/tổng số tiền đi vay – gấp khoảng 4 lần so với mức sinh viên thường phải trả.

Trong khi đó, không chỉ nhóm trung niên là phụ huynh phải gánh chịu những khoản nợ lớn vào cuối đời. Đối với nhiều người Mỹ lớn tuổi, con đường sự nghiệp suôn sẻ thực ra lại không giúp họ trả nợ đúng hạn, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một số lựa chọn học đại học khi về hưu và gánh thêm những khoản nợ mới.

Topete từng là tài xế xe buýt tại Stockton (California). Bà phải nghỉ làm sau vụ tai nan giao thông khiến sức khỏe suy nhược. Bà chia sẻ, mục tiêu chính sau đó là quay lại trường học và học cách làm việc với máy tính, sau đó tìm một công việc văn phòng.

Bi kịch của thế hệ trung niên Mỹ: Đến tuổi nghỉ hưu vẫn lo trả nợ sinh viên vài chục nghìn USD, bất lực vì không kiếm ra tiền  - Ảnh 3.

Người Mỹ và những khoản nợ: nợ mua ô tô, thẻ tín dụng, sinh viên và các khoản nợ khác.

Là mẹ đơn thân, bà cần phải đi vay để giúp chi trả hóa đơn dịch vụ hàng ngày, cũng như chi phí sách vở, trường học. Dẫu vậy, hiện tại, những vấn đề về sức khỏe đã khiến Topete không thể làm việc toàn thời gian và kiếm đủ tiền để trả nợ. Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất bế tắc."

Không như nhiều hình thức vay nợ khác, nợ sinh viên không thể được giải quyết thông qua việc phá sản. Những người được liên bang hỗ trợ có thể được xóa nợ khi qua đời, do đó người thân sẽ không phải chi trả khoản nợ này.

Khoản nợ của nhóm người về hưu có thể được khấu trừ vào thu nhập an sinh xã hội của họ. Trong năm tài chính 2019, Bộ Giáo dục Mỹ đã thu về 4,9 tỷ USD từ các chương trình an sinh xã hội của chính phủ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu chính quyền ông Biden có thực hiện lời hứa hỗ trợ số tiền lên tới 10.000 USD cho những người có khoản vay sinh viên hay không.

Topete cho biết bà không biết mình sẽ xoay sở như thế nào để trả nợ sau khi đợt hoãn nợ do Covid-19 kết thúc. Bà nói rằng việc xóa nợ sẽ là một điều "may mắn" và nếu chính quyền không thực hiện điều đó thì ít nhất họ nên thay đổi để người đi vay có thể nộp đơn phá sản.

Trong khi đó, Sizer cho biết ông khá bi quan về việc các khoản vay sẽ được xóa bỏ, nhưng cho rằng chính phủ nên tìm cách hỗ trợ giảm lãi suất. Ông chia sẻ: "Mọi phụ huynh đều muốn con mình thành công, có khởi đầu đúng trong cuộc sống."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên