Bi kịch mùa Covid-19: Giám đốc sa cơ phải xin làm công nhân nhà kho
Vì cơm áo gạo tiền, từ giám đốc, bếp trưởng đến nhân viên văn phòng đều phải xin làm công nhân Amazon vì đây là nơi duy nhất còn tuyển người mùa Covid-19.
- 01-04-2020Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào tới Amazon: Bài học vận hành đến từ gã khổng lồ vừa tuyển thêm 100.000 nhân viên giữa bão dịch bệnh
- 30-03-2020Nhân viên Amazon ở ổ dịch lớn nhất nước Mỹ đình công vì lo sợ Covid-19 lây lan
- 25-03-2020Amazon ngược dòng mùa dịch: Cổ phiếu được nhà đầu tư đổ xô tìm mua, không sa thải mà còn tuyển thêm 100.000 nhân viên
Từng là bếp trưởng tại một nhà hàng ở Milwaukee. Từng là chủ doanh nghiệp nhỏ tại Oregon. Từng là quản lý dụng cụ cho những ban nhạc, nghệ sỹ nổi tiếng. Cả 3 đều là những người Mỹ mới thất nghiệp và họ có một điểm chung: Tất cả gần đây đều nộp đơn xin làm việc ở nhà kho của Amazon.
100.000 việc làm cần tuyển của Amazon mùa này cho các nhà kho và mạng lưới vận chuyển của họ là điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Mỹ vốn đang u ám hơn bao giờ hết vì dịch Covid-19 - thứ khiến cho 10 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng 3.
Có rất nhiều công nhân theo giờ tại các nhà hàng, khách sạn đổ xô vào Amazon xin việc sau khi bị sa thải hoặc cho nghỉ tạm thời không lương. Nhưng đáng chú ý là những vị trí bỏ ngỏ ở Amazon còn hấp dẫn cả những người trước đây có nghề nghiệp ổn định, dân văn phòng nhiều kinh nghiệm vì mối lo cơm áo gạo tiền.
Nhà kho của Amazon.
Tình hình hỗn loạn hiện tại gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng ở Mỹ 11 năm trước. Khi ấy, các sinh viên tốt nghiệp trường luật cũng phải chuyển sang làm nhân viên pha chế hoặc những công việc tay tay nghề thấp vì thị trường việc làm gần như khô cạn. Sự không chắc chắn về việc khi nào virus corona có thể được kiểm soát và bao giờ nền kinh tế có thể mở cửa trở lại bây giờ đang đè nặng lên vai nhiều người làm công ăn lương.
Amazon thì lại đang rất cần họ, ít nhất là tạm thời.
"Các doanh nghiệp như nhà hàng và quán bar đang bị buộc đóng cửa để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Chúng tôi hy vọng những ai bị sa thải sẽ đến làm cho Amazon cho tới khi nào có thể quay trở về với công việc vốn có của họ", CEO Jeff Bezos viết trên Instagram vào ngày 21/3.
Một vài quảng cáo việc làm trên website của công ty kèm theo lời mô tả hấp dẫn như: "Công việc không cần sơ yếu lý lịch hay kinh nghệm".
Gil Amador, 36 tuổi là một bếp trưởng tại nhà hàng ở Milwaukee cho tới 2 tuần trước khi nhà hàng của anh phải đóng cửa vì dịch bệnh. Trong khủng hoảng 2008, nhà hàng anh làm cũng đã phải đóng cửa nhưng Gil tìm được một công việc ở nhà hàng khác lớn hơn có thể chịu đựng được suy thoái. Lần này anh không may mắn như vậy, hầu hết tất cả các nhà hàng đều đã đóng cửa. "Gần như là chẳng còn nơi nào trụ vững được nữa".
Vị trí của Gil ở nhà hàng vốn được trả lương khá tốt. Tuần này, anh bắt đầu làm việc trong nhà kho của Amazon, cách 30 dặm so với nhà anh với một mức lương thấp hơn rất nhiều.
Anh lo lắng mình sẽ bị nhiễm bệnh, nhưng anh còn lo không thể trả khoản tiền lãi tháng tháng 1000 USD hơn. "Tôi đã nghĩ về việc đó nhưng tôi lo về việc có thể mất mọi thứ mà tôi đã xây dựng suốt 10 năm qua hơn".
Về phía Amazon, họ không gặp bất kỳ khó khăn gì khi tìm nhân viên mới trên cả nước. Tuần trước, công ty nói rằng họ đã tìm được 80.000 nhân viên mới trong số 100.000 người đang cần. Đến tháng 4, Amazon đã tăng lương tối thiểu giờ lên 17 USD để tăng thêm hấp dẫn với những vị trí tuyển mới và giữ những người đang làm trong giai đoạn cao điểm.
"Chúng tôi tiếp tục tuyển thêm và đang thấy mọi người rất hào hứng. Chúng tôi biết nhiều người đã bị ảnh hưởng về mặt kinh tế khi các công việc ở khách sạn, nhà hàng, du lịch bị mất do khủng hoảng. Amazon muốn những người này biết rằng công ty luôn chào đón họ về đội của mình cho tới khi mọi thứ trở lại như bình thường".
Những vị trí tuyển mới ở Amazon đều là những việc có bậc lương thấp nhất tại Amazon - nơi các kỹ sư, chuyên gia dữ liệu và nhân viên marketing kiếm được hàng trăm nghìn USD mỗi năm.
Ginette Zuras-Hummel, 50 tuổi là một trong những người mới nộp đơn xin việc vào nhà kho Amazon. Điều đáng nói là Zuras-Hummel đang là chủ của công ty tư vấn Intergrity Billing& Consulting tại Wilsonville. Công ty của bà có 4 nhân viên tư vấn cho khách hàng về hóa đơn và những khóa đào tạo khác.
Rất nhiều các công ty khách hàng của bà đã phải đóng cửa hoạt động vì Covid-19. Do đó, doanh thu của hãng tư vấn cũng theo đó mà giảm từ 12.000 USD hàng tháng xuống chỉ còn 2.500 USD, đó là nếu may mắn. Số tiền đó không đủ để thuê nhà và văn phòng.
Bà Zuras cho biết đang nộp đơn xin vay tiền trong gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ nhưng hồ sơ của bà đang đứng sau 36 triệu hồ sơ khác. "Đến lúc vay được tiền chắc là công ty sẽ phá sản mất".
Vậy là, để công ty có thể hoạt động, bà đã nộp đơn xin việc ở một nhà kho Amazon. "Tôi dĩ nhiên thừa tiêu chuẩn nhưng tôi sẵn sàng làm ở Taco Bell hay bất kỳ chỗ nào để cứu công ty".
Scott Fahrig.
Scott Fahrig, 30 tuổi là quản lý dụng cụ cho các nghệ sỹ nổi tiếng cũng chứng kiến thu nhập giảm mạnh khi các buổi biểu diễn và lễ hội âm nhạc bị hủy cho tới tháng 8. Anh vốn kiếm được khoảng 65.000 USD một năm và sắp mua được một căn nhà ở ngoại ô Nashville. Nhưng giờ thì không thể nữa rồi.
"Tôi đã nộp đơn xin việc vào Amazon bởi đó là nơi duy nhất đang tuyển người". Anh được nhận vào làm vị trí phân loại hàng trong nhà kho và được yêu cầu bắt đầu làm việc từ 31/3. Tuy nhiên, sau khi nghe được thông tin có một vài công nhân ở nhà kho này bị nhiễm bệnh, Scott đã quyết định nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và cùng bạn mình đi về một thị trấn nhỏ sống.
"Tôi cảm thấy mình không sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị nhiễm Covid-19 đổi lấy công việc 17 USD mỗi giờ".
Nhịp Sống Kinh Tế