MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị kiện từ đinh thép, móc áo…

22-06-2016 - 08:33 AM | Thị trường

Sử dụng các hàng rào phòng vệ thương mại sẽ là cái “van” cuối cùng hỗ trợ sản phẩm trong nước

Ngày 21-6, Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp (DN) trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cho biết đang xem xét việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu (thép mạ màu kẽm phủ sơn) của một số DN đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Xuất khẩu liên tục bị kiện

Trước đó, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ từ các DN xung quanh yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu.

Nếu khởi xướng điều tra, đây sẽ là vụ kiện phòng vệ thương mại thứ 7 của Việt Nam. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị kiện phòng vệ thương mại hơn 100 vụ từ khắp các thị trường. Trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm nay, trong tổng số 15 vụ việc bị điều tra phòng vệ thương mại có tới 7 vụ liên quan đến thép (thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, tôn phủ màu).

Mới đây, Tổng vụ Nhập khẩu, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành kết luận rà soát biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá tiếp tục được áp dụng cho các sản phẩm săm lốp xe của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này từ 30%-44%. Từ năm 2004 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm này.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng vừa ban hành quyết định sơ bộ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam. DOC kết luận 3 DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tham gia trả lời bản câu hỏi nên thuế suất riêng chỉ 0%-0,38%, trong khi các DN khác mức thuế chống bán phá giá lên tới 113,18%. DOC đang tiếp tục tiếp hành cuộc điều tra này và dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 16-10.

Một sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam là gỗ tấm nhập khẩu cũng vừa bị Tổng vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với mức cao nhất được áp dụng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam từ 40%-50%, trong thời gian 5 năm.

Tại hội thảo về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập ngày 21-6 ở TP HCM, bà Phạm Hương Giang - Phó Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh - cho biết rất nhiều mặt hàng xuất khẩu với giá trị không lớn của Việt Nam cũng bị kiện từ đinh thép, móc áo bằng thép, bộ đồ ăn, vôi sống, dây cu-roa, tỏi, bật lửa, máy chế biến nhựa…

“Nếu bị kiện, sản phẩm xuất khẩu có thể bị áp thuế cao đẩy giá hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng lên, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN. Như năm 2014, đinh thép xuất khẩu qua Mỹ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đã khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này giảm rất nhanh từ 34 triệu USD xuống chỉ còn chưa tới 1 triệu USD vào năm sau.

Ít quan tâm “vũ khí” phòng vệ thương mại

Bà Phạm Châu Giang - Trưởng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh - cho rằng thời gian tới, xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ ngày càng tăng khi thuế suất giai đoạn 2018-2020 về 0%. Dù DN Việt không xuất khẩu, chỉ hoạt động trên thị trường nội địa cũng sẽ phải cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà.

Phòng vệ thương mại là cái “van” cuối cùng để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ hàng nội địa nhưng không hiểu vì sao DN Việt Nam ít sử dụng. Trong khi DN Việt gần như không biết đến, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại rất am hiểu và có thể tính toán được những lợi hại khi bị kiện chống bán phá giá.

“Từ khi DN muốn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đến khi nộp hồ sơ lên cục rồi được xem xét khởi kiện phải mất khoảng 1,5 năm. Trong thời gian này, DN vẫn phải đối mặt với hàng nhập khẩu” - bà Giang nói.

Thực tế, năm ngoái, khi có thông tin về đùi gà Mỹ nhập khẩu Việt Nam thấp hơn giá đùi gà bán tại siêu thị Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có dấu hiệu phá giá và cần khởi kiện. Bà Phạm Châu Giang cho biết vào thời điểm đó, trung bình mỗi tuần, cục đều họp với các bên liên quan về đùi gà Mỹ, làm việc với các chủ trang trại lớn, các DN lớn nhưng đến giờ vẫn không có vụ khởi xướng điều tra nào vì điều kiện cần để khởi xướng điều tra là đại diện hộ sản xuất phải chiếm ít nhất 25% trong ngành nhưng 3 công ty nước ngoài như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã chiếm đến 75% mà chỉ một công ty muốn khởi kiện, 2 công ty còn lại không tham gia vì Việt Nam chỉ là thị trường, muốn kiện phải hỏi công ty mẹ ở nước ngoài.

Chi phí quá cao

Khi bị kiện phòng vệ thương mại, DN xuất khẩu sẽ thiệt hại về tài chính vì phải thuê luật sư nước ngoài với chi phí trung bình khoảng 300.000-400.000 USD/vụ việc và các chi phí khác như dịch thuật tài liệu sang ngôn ngữ cơ quan điều tra yêu cầu, thu thập tài liệu, chi phí nhân lực… Các DN còn bị suy giảm lợi nhuận, có khả năng phải đóng cửa, giảm lợi ích đáng lẽ được nhận từ các cam kết mở cửa trong hiệp định thương mại tự do, buộc phải tìm thị trường xuất khẩu khác và đối mặt với khả năng bị kiện từ các nước.

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên