MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí kíp để năm mới mua được ô tô

24-01-2023 - 20:42 PM | Lifestyle

Điều quan trọng là lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cân nhắc khoản vay cẩn thận.

Năm mới, nhiều người trẻ đặt ra quyết tâm nỗ lực sở hữu những món đồ lớn, trong đó có thể kể đến ô tô. Tuy nhiên, với những người trẻ mới đi làm vài năm làm sao để tích luỹ một số tiền đủ mua đứt hay có vốn để vay nợ mua ô tô khá khó khăn. Chưa kể đến, ô tô được nhiều người cho là tiêu sản, không có khả năng “tiền đẻ ra tiền" trong tương lai. Do vậy, phương pháp tích luỹ ra sao, những vấn đề nào cần cân nhắc khi mua xe là điều cần được tìm hiểu kỹ càng.

Lên kế hoạch chi tiêu cẩn thận để mua ô tô

Thu Hà (29 tuổi, Đắc Lắc) đã mua đứt ô tô 700 triệu đồng. Cô bạn chia sẻ rằng bản thân quyết định không dùng đòn bẩy vì chính nỗi sợ về những khoản nợ dai dẳng. “Mình không muốn làm liều, khi phải bỏ ra một số tiền lãi lớn để trông ngóng việc lấy lại từng đồng”.

Theo Thu Hà, trước khi mua ô tô, cô bạn đã suy nghĩ đến số tiền mình kiếm được, số tiền đang có, và số tiền sẵn sàng chi trả cho việc mua xe. Bên cạnh đó, tính toán thời gian sử dụng xe bao lâu, có ý định bán lại hay là không. Những khoản tiền dùng để bảo dưỡng xe rơi vào khoảng nào. Sau khi tính toán tất cả những phương án trên, Thu Hà đưa ra kế hoạch tiết kiệm trước, chi tiêu sau, tránh tiêu vặt quá nhiều.

“Phương pháp mình thực hiện quản lý tài chính chủ yếu là tăng thu giảm chi. Việc quản lý tiền bạc lúc 2, 3 năm mới đi làm khác với sau gần 10 năm đi làm. Trong công việc, mình luôn cố gắng hết mình để tốc độ tăng lương hàng năm ở mức ổn định khoảng 10%, đây là mức lương tăng cao hơn tốc độ lạm phát ở Việt Nam, khiến cho tốc độ tiết kiệm sẽ tăng dần theo thời gian”.

Với số tiền dự trữ còn lại, cô bạn đầu tư thêm cả bất động sản, xây dựng một quỹ đầu tư dài hạn, một quỹ bảo hiểm cho cả gia đình. Sau khi tính tổng nguồn thu rõ ràng, Thu Hà bắt đầu lập kế hoạch cho việc chi tiêu. “Mình không lựa chọn việc tiết kiệm quá mức. Ngoài những khoản chi tối thiểu cho cuộc sống, mình vẫn lập 1 ngân sách "nice to have" - để trải nghiệm cuộc sống. Chúng ta sống cho giây phút hiện tại chứ không phải trì hoãn để sống cho tương lai”.

Bí kíp để năm mới mua được ô tô - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Cũng giống Thu Hà, Quang Triết (29 tuổi, TP.HCM) đã mua đứt xe cũ từ chính gia đình với mức giá 400 triệu. Lựa chọn mua xe cũ vì cùng mức giá khó tìm xe mới đúng với tiêu chí Quang Triết đang tìm kiếm. “Khi quyết định xuống tiền cho một chiếc ô tô, thứ đầu tiên mình quan tâm là chất lượng máy móc của xe. Ngoại hình và nội thất có thể độ lại sau nhưng máy móc, thắng xe, chân ga, điện đóm và chức năng an toàn phải tốt vì nó là những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và tính mạng mình. Xe mình dù là xe từ 2009 nhưng được chủ cũ giữ khá kỹ nên máy móc, ngoại hình và nội thất vẫn còn rất tốt, có thể đi thêm được nhiều năm nữa mà không tốn tiền tu sửa nhiều”.

Mặt khác, cậu bạn quyết định chọn mua xe cũ thay vì mua mới để đảm bảo sở hữu được chiếc xe phù hợp mà vẫn không phải vay mượn. “Tính mình rất dễ "sa ngã", mượn tiền rồi sẽ trượt dài mượn thêm, không cẩn thận là sụp đổ tài chính như chơi nên né xa vay nợ từ đầu".

Bên cạnh đó, theo Quang Triết, mua xe đã giúp cậu bạn trưởng thành hơn trong khía cạnh tài chính. Để mua được xe, cậu bạn phải đặt ra các mục tiêu tài chính nhỏ, chia tiền chi tiêu kỹ và tuân thủ đầy đủ các quy tắc. Tiết kiệm 50% thu nhập là tiết kiệm đủ 50%, không thể nào vì tháng này thèm cái này - muốn cái kia mà rút bớt để thỏa mãn bản thân.

Ngoài ra, mua xe cũng là cột mốc đáng nhớ giúp Quang Triết có thêm trách nhiệm, động lực để đi làm tiết kiệm cho những mục tiêu xa hơn. Sau khi mua được xe, cậu bạn bắt đầu nghĩ về chuyện mua nhà và đang dành dụm cho nó.

Bí kíp để năm mới mua được ô tô - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Cần tính toán rõ ràng khoản lãi khi mua ô tô trả góp

“Mỗi chiếc xe sẽ có đất diễn riêng và không phải tự nhiên mà nó tồn tại. Nếu mọi người bây giờ vẫn còn suy nghĩ phiến diện rằng, mua ô tô là để ra oai, hoặc bật chế độ xe xịn tán gái thì thực sự là quá sai lầm. Xe cộ là yếu tố an toàn, phù hợp với mục tiêu cuộc sống thì đáng để sở hữu mà" - Minh Tiến (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về quan điểm "mình mua ô tô chứ chưa muốn mua nhà" khi anh chàng sở hữu chiếc xe ô tô đầu tiên trong đời. Tiến đã mua ô tô giá lăn bánh khoảng 1,1 tỷ, vay 30% giá trị chiếc xe trong 5 năm.

Minh Tiến không cảm thấy bị áp lực khi vay nợ mua xe. “Công việc của mình thì cũng thừa nhiều thời gian nên khi mua xe trả góp, khi rảnh rỗi thì mình vẫn chạy dịch vụ, vừa kiếm thêm tiền, vừa thấy việc mua xe có ích”.

Bí kíp để năm mới mua được ô tô - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Ngoài ra, anh chàng cho rằng quan điểm "Vay ít thôi, xe 1 tỷ thì cân đo đong đếm lãi suất và tiền gốc trong tầm kiểm soát, vay 80% thì chỉ có cày gãy lưng chưa trả đủ lãi” rất đúng. Đây là điều nhiều người cần lưu ý khi vay nợ mua xe.

Làm một tính toán nhỏ, nếu bạn vay quá 50% số tiền mua xe. Ô tô lăn bánh rơi vào khoảng 1,1 tỷ, chỉ cần trả trước 30% khoảng 300 triệu, 70% còn lại Minh Tiến chọn trả góp trong vòng 5 năm, lãi suất tính nhanh rơi vào khoảng 10%, thì một năm anh chàng mất khoảng 80 triệu, 5 năm rơi vào khoảng 400 triệu tiền lãi. Cộng thêm xe là tài sản tiêu sản, sau 5 năm sử dụng, nếu muốn bán lại xe, bạn phải chấp nhận mức giá bán lại chỉ khoảng 600-700 triệu đồng. Cộng thêm tiền lãi, tính ra trong 5 năm bạn mất khoảng 800-900 triệu rồi, một số tiền khá lớn và không phải ai cũng có thể mường tượng được số tiền đó lớn như thế nào.

“Vậy nên, quyết định mua ô tô trả góp là khi mình đã có 70% giá trị chiếc xe rồi, 30% còn lại mình tính toán vay dựa trên số tiền mình có khả năng chi trả, vì thế, mình thấy khá thoải mái”, Minh Tiến chia sẻ quan điểm vay nợ mua ô tô của bản thân.

Theo Tô Diệp

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên