MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bí kíp" sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả lại còn kiếm được cả chục triệu

05-09-2022 - 08:26 AM | Tài chính - ngân hàng

"Bí kíp" sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả lại còn kiếm được cả chục triệu

Thẻ tín dụng thường bị xem là một công cụ tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, gần đây không ít người đã làm điều ngược lại và biến thẻ này thành một công cụ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, lại còn có thể kiếm được hàng triệu đồng mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Đà nẵng có chia sẻ, bản thân đã áp dụng cách chi tiêu qua thẻ tín dụng khi bắt đầu cùng gia đình nhỏ ra ở riêng từ năm 2020 đến nay.

Ban đầu chị chỉ muốn tối giản các khoản sinh hoạt phí của gia đình. Ví dụ như các khoản học phí của con cái, tiền siêu thị,… Các khoản này tuy bé nhưng với một gia đình nhỏ thì các khoản này gây không ít đau đầu cho các bậc phụ huynh. Điểm đặc biệt của nhóm này đó là chúng là chi phí thiết yếu, không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi cuộc sống, một số cũng không thể cắt giảm. Ví dụ như tiền học cho con, không phụ huynh nào muốn con mình thiệt thòi cả. Vì thế các khoản này không thể tiết kiệm theo cách thông thường được. Chị Liên đã mày mò tìm đến thẻ tín dụng, trung bình mỗi tháng chị có thể được hoàn tiền từ 1-1,5 triệu đồng, uớc tính mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 12-15 triệu nhờ việc chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Loại thẻ tín dụng nào nên mở nhất?

"Thẻ tín dụng thường có 2 ưu đãi chính là ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm và trả góp lãi suất 0% miễn phí. Tuỳ vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người thì mở loại thẻ tương ứng. Nên mở nhất là các loại thẻ được hoàn tiền (cashback) và nên mở loại hoàn tiền thẳng vào tài khoản hơn là loại tích điểm mua sắm. Vì đôi khi tích điểm xong lại phải quy đổi ra quà và có những thứ quà không cần thiết, không mang ý nghĩa tiết kiệm. Trong số các ngân hàng hiện nay thì VPBank, Sacombank và VIB là những ngân hàng có các loại thẻ hoàn tiền đa dạng nhất và phù hợp với nhu cầu mua sắm đa dạng của tất cả mọi người. Các lĩnh vực thường được hoàn tiền là: Bảo hiểm, du lịch (vé máy bay), chi tiêu nước ngoài, mua sắm online, y tế, giáo dục, ẩm thực, siêu thị,..", chị Liên chia sẻ.

Về việc nên mở bao nhiêu thẻ tín dụng, trước tiên phải xem xét về kỷ luật trong chi tiêu của mỗi cá nhân thế nào. Vì dùng thẻ tín dụng rất dễ lạm chi và mất khả năng thanh toán. Điều đó dẫn đến việc dẫn đến chủ thẻ phải dùng đến các dịch vụ chuyển đổi trả góp dư nợ của thẻ tín dụng, chi phí lãi vay phát sinh từ 0,8-1%/tháng tương đương 10-12,7%/năm, hay nếu không chuyển đổi kịp, trả nợ chậm thì lãi phát sinh có thể từ 28-42%/năm. Vì thế, nếu mới sử dụng, chỉ nên dùng 1 thẻ để thực hành thói quen và tạo kỷ luật trả nợ đúng hạn, khi đã biết cách kiểm soát thẻ và chi tiêu thì mới tính đến việc mở thêm để tận dụng thêm các chương trình ưu đãi hoàn tiền khác nhau của mỗi thẻ. Chị Liên cũng chia sẻ thêm, khi có sao kê báo dư nợ bạn cũng phải đặt lịch nhắc thanh toán cho từng thẻ vào đúng ngày để tránh quên.

Hạn mức của mỗi thẻ không nên vượt quá 1 tháng chi tiêu. Tổng hạn mức tín dụng của tất cả các thẻ cũng không nên vượt quá số dư quỹ khẩn cấp của (quỹ khẩn cấp thường bằng 3-6 tháng chi tiêu). Việc này để đề phòng trường hợp có khoản nào chi tiêu lớn phát sinh thì mình cũng có sẵn tiền để trả nợ.

Ví dụ nếu tổng chi tiêu 1 tháng của mình là 20 triệu thì chỉ nên để hạn mức thẻ là 20 triệu thôi, có thể mở thêm 2 thẻ nữa để tổng hạn mức là 60 triệu trong trường hợp mình cũng có sẵn khoản quỹ khẩn cấp tối thiểu là 60 triệu để dự phòng.

Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả lại còn kiếm được cả chục triệu - Ảnh 1.

(Chị Nguyễn Thị Kim Liên, hiện đang làm việc trong ngành tài chính tại Đà Nẵng)

Khi thị trường có quá nhiều loại thẻ, làm sao biết được loại thẻ nào là tốt nhất?

Theo chị Liên, "Mình không chi tiêu theo ưu đãi của thẻ nên cũng không hẳn nắm bắt hết được hiện nay đang có các ưu đãi gì mà sẽ làm theo cách ngược lại. Có nghĩa là nắm bắt xem bản thân và gia đình mình chi tiêu trong những lĩnh vực gì là thường xuyên, mức độ chi tiêu bao nhiêu một tháng rồi tìm loại thẻ được hoàn tiền trong lĩnh vực ấy với mức hoàn tiền phù hợp nhất. Sau đó, mình đi tìm kiếm thông tin trên mạng, chủ yếu là cần đọc kỹ phần chương trình hoàn tiền rồi so sánh các loại hình thẻ với nhau và xem bên nào sẽ phù hợp với hạn mức chi tiêu của bản thân nhất".

Chị cũng đưa ví dụ về trường hợp của gia đình mình. Khoản chi tiêu cho bảo hiểm của gia đình chị là 50 triệu/năm, thanh toán làm 6 lần (3 hợp đồng x 2 lần phí nửa năm), khi tìm "thẻ tín dụng hoàn tiền bảo hiểm" sẽ ra các thẻ HSBC, Citibank, VPlady... Theo đó, HSBC và Citibank hoàn 1% không giới hạn, VPlady hoàn 15% tối đa 300 nghìn đồng/kỳ sao kê. Như vậy, mỗi lần thanh toán bảo hiểm được hoàn khoảng 380 nghìn đồng/lần, nhân cho 6 lần mình sẽ tiết kiệm gần 2,28 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều sàn thương mại điện tử cũng có kết hợp với ngân hàng để làm thẻ liên kết cũng được ưu đãi hoàn tiền khá cao. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thẻ này cần hết sức kỷ luật.

"Phải thực sự tỉnh táo khi dùng các loại thẻ này vì nó kích thích bạn mua sắm vô cùng ghê gớm. Thông thường, bạn sẽ được hoàn khoảng 10%, tối đa từ 400-600 nghìn/tháng với những loại thẻ này. Điều đó sẽ dễ khiến bạn gặp phải tâm lý 'được giảm 10% mà, cứ mua đi', nhất là với những thứ không cần thiết. Hơn nữa, khi mua sắm online, bạn không có điều kiện thử hàng, khó đảm bảo chất lượng hàng hoá và có thể phát sinh vấn đề khi ship nữa. Cũng có một số loại thẻ không giới hạn phạm vi chi tiêu, cứ mua sắm online là được hoàn (kể cả mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn online, thanh toán app store, netflix,…) như Online Plus của VIB, bạn có thể được hoàn 3% khi thanh toán online trong nước, 6% khi thanh toán online nước ngoài, tối đa 600 nghìn/kỳ. Khi dùng các loại thẻ này thì bạn sẽ chủ động hơn", chị Liên cho biết.

Cần lưu ý gì khi dùng thẻ tín dụng?

Theo chia sẻ từ phía chị Liên, khi dùng thẻ tín dụng, bạn phải đọc thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng và có 5 vấn đề đặc biệt phải lưu tâm

Thứ nhất là ngày sao kê: là ngày chốt số dư nợ cần thanh toán hàng tháng, thống kê lại toàn bộ các giao dịch sử dụng thẻ trong vòng 30 ngày trước đó.

Thứ hai ngày thanh toán / Ngày đến hạn: là ngày bạn cần thanh toán hết toàn bộ dư nợ đã được thông báo vào ngày sao kê. Thường các ngân hàng sẽ thông báo rằng bạn cũng có thể thanh toán khoản tối thiểu, khoảng 5-10% dư nợ, vào ngày thanh toán nhưng như vậy thì toàn bộ dư nợ còn lại của bạn sẽ được tính lãi vay từ ngày quẹt thẻ. Nếu không lưu ý kỹ chi tiết này, bạn có thể sẽ đóng mức lãi lên lên đến 36-40%/năm đối với các khoản chi tiêu của mình.

Thứ ba các loại ohí khi dùng thẻ và ngày phát sinh trừ phí: Phí thường niên thường là khoản phí lớn nhất của thẻ tín dụng, có thể từ 300 nghìn – hơn 1 triệu đồng/năm tuỳ loại thẻ, ngoài ra có thể có phí báo biến động số dư khoảng vài nghìn/tháng,… những khoản phí này thường cũng sẽ được ghi vào sao kê nợ của thẻ tín dụng mà không có thông báo. Nếu không thường xuyên kiểm tra sao kê và không thanh toán thì các loại phí này cũng tính lãi vay như bình thường. Các ngân hàng có thể ưu đãi miễn phí năm đầu, song sẽ bắt đầu thu phí từ năm thứ 2. Vì thế nên bạn phải hết sức lưu ý mỗi khi mở bất cứ thẻ tín dụng nào.

Ngoài ra còn có một số loại phí phát sinh khi sử dụng như: Phí rút tiền mặt, phí vượt hạn mức, phí trả chậm, phí chuyển đổi trả góp,… Mỗi thẻ đều có biểu phí và điều khoản riêng được công khai trên website ngân hàng nên người sử dụng cần đọc kĩ trước khi cân nhắc mở thẻ.

Không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng vì chi phí rút rất cao: 4% giá trị rút, và lãi vay sẽ được tính ngay từ ngày rút tiền đến khi trả hết nợ và không được miễn lãi như các khoản thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ.

Ảnh hưởng từ việc dùng thẻ tín dụng đến điểm tín dụng cá nhân (CIC): Một người không dùng thẻ tín dụng hoặc dùng rất ít sẽ có mức điểm tín dụng trung bình. Người dùng nhiều thẻ nhưng luôn trả nợ đúng hạn, không phát sinh nợ chậm trả sẽ được đánh giá tín dụng tốt. Vì trên hệ thống đã có dữ liệu trả nợ lịch sử để đánh giá "thái độ trả nợ" của người đó. Ở chiều ngược lại, trong trường bạn có các khoản nợ quá hạn, điểm tín dụng cũng sẽ bị đánh giá thấp theo.

Số điểm này sẽ ảnh hưởng đến lãi vay, thời hạn vay cũng như hạn mức vay của bạn, khi ngân hàng xét duyệt các món vay nợ lớn như vay mua nhà, mua xe. Ở nước ngoài, nếu bạn không có lịch sử tín dụng, nhiều khoản vay sẽ không được cấp.

Hòa An

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên