MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật chưa kể sau cánh cửa Nhà Trắng

28-09-2018 - 19:19 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người đàn ông và phụ nữ làm việc ở Nhà Trắng, từng phục vụ các đời tổng thống Mỹ và gia đình họ, bắt đầu phá vỡ truyền thống im lặng tồn tại lâu đời khi đồng ý tiết lộ cuộc sống “thầm kín” bên trong Dinh thự nằm tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania NW, Washington.

Những góc khuất riêng tư

Trong cuốn sách “The Residence: Inside the Private World of the White House” (tạm dịch: Dinh thự: Bên trong thế giới riêng tư của Nhà Trắng), nữ tác giả Kate Andersen Brower kể những câu chuyện từ sự cô đơn của Tổng thống Richard Nixon trước vụ bê bối chính trị, sự chán chường mệt mỏi của Hillary Clinton trước vụ bê bối tình ái của chồng với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky cho đến những khoảnh khắc riêng tư đến mức khó hình dung được của các gia đình Đệ nhất nước Mỹ.

Bí mật chưa kể sau cánh cửa Nhà Trắng - Ảnh 1.

Nhà Trắng.

Phần lớn những câu chuyện trong cuốn sách – từ tràng chửi rủa của Nancy Reagan về những món đồ rẻ tiền dễ vỡ cho đến cái ôm thắm thiết mà Jackie và Bobby Kennedy dành cho người gác thang máy – hiếm khi được kể ra trước đó và được nêu tên người kể hẳn hoi chứ không bị che phủ dưới đám mây nặc danh bởi vì dường như không có quy định chính thức buộc tập thể nhân viên phải giữ bí mật về nội tình Nhà Trắng – tòa dinh thự chiếm diện tích 5.100m² với 132 phòng và 35 phòng tắm.

James Jeffries thổ lộ ông rất thích thú được hợp tác với   nữ nhà báo Kate Andersen Brower về cuốn sách. Ông là  người phục vụ 11 đời tổng thống, cùng với 9 người thân cũng làm việc trong Nhà Trắng. Còn nữ tác giả Kate cho biết cuốn sách dành tặng cho những người tận tụy phục vụ cho giới lãnh đạo nước Mỹ và nó cũng là bộ sưu tập thú vị về những ám ảnh, thói quen kỳ quặc và nhiều góc khuất hết sức riêng tư của các tổng thống.

Kate Andersen Brower, cựu phóng viên Bloomberg News, nảy sinh ý tưởng về cuốn sách khi bà cùng với một số đặc vụ truyền thông Nhà Trắng được bà Michelle Obama mời ăn trưa tại Phòng ăn Gia đình trong dinh thự. Sự khôi hài thân thiện giữa Đệ nhất phu nhân và người phục vụ bữa ăn gây chú ý cho Kate Brower. Sau đó, Brower cho rằng có nhiều câu chuyện thú vị để kể về cuộc sống và trải nghiệm của đội ngũ nhân viên Nhà Trắng.

Để chuẩn bị tư liệu, Brower bắt đầu trò chuyện với hơn 100 cựu nhân viên – bao gồm đầu bếp, người làm vườn, bảo mẫu, người hầu, người gác cổng, họa sĩ v.v… Nhưng, Brower nói: “Không giống như nhiều người khác ở Washington, họ không thích nói về công việc của họ”. Ngoài ra, để thực hiện cuốn sách, Brower còn phỏng vấn một vài thành viên cựu gia đình Đệ nhất.

James Jeffries là nhân viên duy nhất đang làm việc trong Nhà Trắng đồng ý trả lời phỏng vấn của Brower. Mặc dù không bắt buộc phải ký kết bất cứ thỏa thuận im lặng nào song tập thể nhân viên Nhà Trắng ngầm hiểu rằng họ sẽ bị sa thải nếu không kín mồm kín miệng! Ban đầu, các cựu nhân viên không muốn nói chuyện nhưng sau một thời gian thuyết phục họ bắt đầu bộc lộ những trải nghiệm của mình.

Eugene Allen là người đầu tiên kể câu chuyện phục vụ 8 đời tổng thống của ông với cựu phóng viên tờ Washington Post Wil Haygood. Christine Limerick, nữ cựu quản gia trưởng về hưu, tuyên bố bà tham gia vào cuốn sách của Brower bởi vì bà muốn cho mọi người có cơ hội nhìn vào “hậu trường” Nhà Trắng.

Bí mật chưa kể sau cánh cửa Nhà Trắng - Ảnh 2.

Cuốn sách của nhà báo Kate Andersen Brower.

Limerick thú thật: “Người ta không thật sự hiểu rằng các Đệ nhất gia đình cũng làm những gì mà mọi người đều làm”. Cuốn sách của Brower tiết lộ hai vợ chồng Barbara và George H.W. Bush (Bush cha) rất thân thiện với các gia đình nhân viên, thường bỏ qua những lỗi lầm của họ: “Hai vợ chồng Bush thường giúp đỡ nhân viên và biết cách xử sự. Hai cặp vợ chồng Clinton và Obama đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu nên lãnh đạm hơn”.


Theo Brower, phần lớn đội ngũ nhân viên người Mỹ gốc Phi cảm thấy “sự thấu hiểu và tôn trọng không nói ra lời” của vợ chồng Tổng thống Obama vì họ biết chia sẻ những hiện thực về người da đen ở Mỹ. Brower kể câu chuyện một nhân viên đã va chạm với vợ chồng Obama trên tầng 2 Nhà Trắng khi họ mới vào dinh thự đêm đầu tiên. Một số nhân viên cảm thấy phu nhân Nancy Reagan “trị vì” Nhà Trắng với bàn tay sắt, thường hay mắng mỏ người chồng tổng thống.

Nhân viên Nhà Trắng cũng nhận ra sự khó tính của Tổng thống Lyndon Johnson. Trong cuốn sách, Brower nhắc lại câu chuyện từng được kể trước đó về nỗi ám ảnh của Johnson đối với những chỉ dẫn chi tiết hết sức rắc rối của hệ thống vòi tắm hoa sen trong dinh thự. Mỗi khi đi tắm, Johnson rất hãi hùng vì vòi tắm hoa sen bắn nước khắp người ông. Cuối cùng, vòi tắm hoa sen phải điều chỉnh lại theo yêu cầu của Johnson.

Tập thể nhân viên Nhà Trắng cũng trải qua một thời gian khó khăn để thích nghi với cuộc sống của hai vợ chồng Tổng thống Clinton do họ hết sức quan ngại về sự riêng tư của họ. Hai vợ chồng yêu cầu sửa lại kết cấu mạch điện nội bộ, hệ thống điện thoại để họ có thể gọi riêng tư cho nhau mà không phải thông qua tổng đài. Mối lo ngại về sự riêng tư của hai vợ chồng Tổng thống Clinton càng căng thẳng hơn vào lúc cao trào của vụ bê bối tình dục được công khai vào tháng 1-1998 làm rối tung nhiệm kỳ Tổng thống của Bill Clinton.

Người làm vườn Ronn Payne đã kể với nữ tác giả Brower câu chuyện trong khi chăm sóc vườn hoa tại không gian gia đình tổng thống ở phía Tây tầng 2 (West Sitting Hall), ông tình cờ chứng kiến cảnh “chiến tranh” giữa hai vợ chồng Clinton và đồ đạc bị ném tứ tung khắp nơi. Nữ tác giả Kate Andesen Brower cũng mô tả bếp trưởng Roland Mesnier được hai vợ chồng Clinton (sống trong Nhà Trắng từ năm 1993 đến 2001) thường yêu cầu món bánh ngọt mocha vào ban đêm trong giai đoạn sóng gió này như thế nào.

“Ăn cắp vặt” để làm đồ… lưu niệm!

Mỗi một chi tiết của buổi Quốc tiệc hồi tháng 4-2015 tại Nhà Trắng chiêu đãi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều được sắp đặt hết sức chu đáo. Từ việc sắp xếp bàn với hoa anh đào và phong lan cho đến chuẩn bị rượu sake thật hoàn hảo để khách nhấm ngáp trong nghi thức chúc rượu mở màn.

Bí mật chưa kể sau cánh cửa Nhà Trắng - Ảnh 3.

Bộ đồ ăn được sử dụng trong Quốc tiệc chiêu đãi thủ tướng nhật Bản Shinzo Abe.

Nhưng, ngay trước khi món tráng miệng được dọn ra, các nhân viên phục vụ bàn có hành động rất lạ thường – đó là khéo léo thu dọn toàn bộ những tấm đế hình chim đại bàng mạ vàng gắn thiếp ghi chỗ ngồi khỏi những chiếc bàn để đề phòng những thực khách “nhám tay”! Nghe kỳ lạ nhưng đó là sự thật buồn cười ở Nhà Trắng.


Mặc dù thực khách đều là nhân vật có tiếng tăm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ những món đồ quý giá trên bàn tiệc biến mất vào túi, ví hay những chỗ “kín đáo” của họ! Đơn giản là, có lẽ ai cũng muốn “bỏ túi” những món đồ xinh đẹp ở Nhà Trắng để làm kỷ niệm.

Thực tế đó dẫn đến việc bùng phát nạn trộm cắp vặt xảy ra tại những sự kiện ở Nhà Trắng. Phần lớn những món đồ bị đánh cắp không có giá trị quá lớn: những chiếc khăn bằng vải nhung lông có đóng dấu nổi của Nhà Trắng để trong nhà vệ sinh hay những chiếc thìa rẻ tiền được thuê từ chủ khách sạn dành cho những bữa tiệc lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều món đồ quý giá hơn; bao gồm các tấm đế gắn thiếp, thìa bạc nhỏ và những vật trang trí bằng kính khắc hoa văn đu đưa ở chân đèn đặt trong nhà vệ sinh nữ.

William Bushong, nhà sử học của tổ chức tư nhân phi lợi nhuận Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, trình bày: “Đây là vấn đề kể từ khi Nhà Trắng mở cửa và Tổng thống John Adams bắt đầu mở tiệc thiết đãi mọi người. Sự cám dỗ chính là người ta mong muốn có thứ gì đó làm vật lưu niệm, tạo cho người ta sự kết nối với trải nghiệm khi ở Nhà Trắng. Sự cám dỗ này thật là không cưỡng lại được”.

Thậm chí, có những trường hợp cho thấy một số vị khách đến Nhà Trắng rất mất lịch sự. Các du khách giật lông đuôi con ngựa Old Witey được Tổng thống Zachary Taylor cưỡi từ cuộc chiến tranh Mexico. Khi chiến tranh kết thúc, Old Witey được thả rông trong Nhà Trắng và du khách dễ dàng giật lông đuôi của nó để làm kỷ niệm!

Dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln, du khách đến Nhà Trắng còn dùng kéo cắt vải màn cửa và đồ đạc. Thú vui đãi trà cho hàng trăm người cùng một lúc của Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt càng tạo điều kiện cho một số người dễ dàng “di chuyển” đồ đạc Nhà Trắng ra bên ngoài hơn nữa. Henrietta Nesbitt, quản gia Nhà Trắng từ năm 1933 đến 1945, than phiền về “những kẻ săn đồ lưu niệm” đáng buồn phiền và xấu hổ này trong cuốn sách “Nhật ký Nhà Trắng” (xuất bản năm 1948) rằng máy khâu tay của tổng thống cùng với huy hiệu Mỹ là những món đồ hấp dẫn nhất.

Đôi khi, những người giúp việc trong Nhà Trắng cũng “ngứa tay”. Thông minh nhất có lẽ là William H. Cook – vệ sĩ Tổng thống Lincoln và tiếp tục làm việc tại Nhà Trắng trong hơn 4 thập niên – khi ông “chế tác” những tấm ván sàn trong văn phòng Lincoln trong giai đoạn tu sửa nơi này năm 1902 thành hàng chục chiếc hộp để bán!

Đồ sứ trong Nhà Trắng được đánh giá là có giá trị nhất, với những món đã qua sử dụng còn đắt hơn những món chưa được dùng đến. Một cuộc điều tra danh sách hàng hóa bán trên trang web đấu giá trực tuyến eBay cho thấy một chiếc tách và đĩa lót tách đã qua sử dụng bằng sứ của Tổng thống Bill Clinton có giá đến 3.750 USD và chén đựng trứng bằng sứ được Tổng thống Lincoln sử dụng có giá ngất ngưởng – 19.999.95 USD!

Raleigh DeGeer Amyx, nhà sưu tập và đánh giá đồ đạc tổng thống, cho biết nguồn cung cấp đồ sứ tổng thống rất hiếm và thường khó đoán trước. Ví dụ, Amyx phải mất đến 20 năm mới có được một món đồ sứ của Tổng thống Ronald Reagan từ một người chơi golf chuyên nghiệp. Nữ nhà báo truyền hình Mỹ Barbara Walters nổi tiếng vào năm 2012 sau khi “ngứa tay” trộm khăn trong nhà vệ sinh Nhà Trắng đến mức gia đình tổng thống phải gửi cả một “rổ” những món đồ linh tinh từ dinh thự của họ, bao gồm cả một cái thìa, đến cho nhà báo!

Vài tháng sau, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói chuyện trong chương trình “Entertainment Tonight” của Đài truyền hình CBS: “Có lẽ quá thích thú khi có mặt ở đây cho nên bà cố gắng đánh cắp vài món từ Nhà Trắng. Barbara, bà có thể lấy bất cứ thứ gì bà muốn, bất cứ khi nào bà cần”. Nữ diễn viên điện ảnh đoạt giải Oscar Meryl Streep cũng là nhân vật tiếng tăm trộm cắp nhiều lần. Sau khi được vinh danh tại Trung tâm Kennedy năm 2011, Meryl Streep được mời đến thăm Nhà Trắng và nhân dịp này nữ diễn viên bỏ vào túi của mình một số khăn tay trong nhà vệ sinh. Và khi quay trở lại nhà vệ sinh Nhà Trắng vào 3 năm sau – lần này nữ diễn viên được mời sau khi giành được Huy chương Tự do Tổng thống, Meryl Streep lại tiếp tục trộm khăn tay.

Nhưng nạn trộm cắp những tấm đế gắn thiệp bằng bạc mạ vàng – bán được hơn 100 USD/ cái – trở thành nỗi ám ảnh kinh niên và đặt thành vấn đề nghiêm trọng cho gia đình Tổng thống Obama cũng như những gia đình tiền nhiệm. Nhà buôn đồ cổ Frank Milwee là người thiết kế bản chân đế gắn thiệp đầu tiên vào mùa thu năm 2003 cho bữa tiệc kỷ niệm sự kiện tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Vài năm sau, các trợ lý Phó tổng thống Dick Cheney và Tổng thống George W. Bush tiếp tục đặt Milwee làm các bản chân đế gắn thiệp khác nhau – bản của dinh phó tổng thống có con chim đại bàng bằng bạc, trong khi ở Cánh Đông (East Wing) là con chim đại bàng mạ vàng theo kiểu liên bang. Đối với những kiểu chân đế gắn thiệp dành cho khách hàng bình thường, Milwee không khắc dòng chữ “Nhà Trắng”.

Do đó, Milwee bảo các trợ lý khi tiếp tục đặt hàng với ông: “Có lẽ chúng ta sẽ ít bị mất cắp hơn nếu không khắc dòng chữ Nhà Trắng”.

Theo An An (tổng hợp)

Công an Nhân dân

Trở lên trên