Bí mật đằng sau những quả dâu tây trái mùa của Nhật Bản: Bất chấp cái giá về môi trường, nông dân chỉ trồng trái mùa vì lợi nhuận khủng
Ảnh: Japan Times
Ở Nhật Bản, vụ dâu tây đạt đỉnh điểm vào mùa đông. Tiết trời lạnh giá lại là thời điểm có những quả dâu mọng đẹp như tranh vẽ và được bán với giá hàng chục yên mỗi quả để làm quà tặng đặc biệt.
- 20-03-2023Một quốc gia châu Phi nghèo nhưng có thứ khoáng sản quý hơn kim cương, khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chạy đua để được hợp tác
- 20-03-2023Mỹ muốn TikTok ‘bay màu’ nhưng quên rằng người dân đang mê mệt 1 thứ cũng của Bytedance: Mỗi tháng có 200 triệu lượt tải, nhiều sức hút hơn cả TikTok
- 20-03-2023Cổ phiếu HSBC bị bán mạnh tại Hồng Kông vì lo ngại những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng
Bất chấp những cái giá về môi trường, Nhật Bản vẫn chỉ trồng dâu tây trái mùa. Để tạo ra một mùa xuân nhân tạo trong những tháng mùa đông, người nông dân đã trồng món ngon trái mùa này trong nhà kính khổng lồ được sưởi ấm bằng những chiếc lò sưởi đồ sộ và ‘ngốn’ gas.
Satoko Yoshimura là một nông dân trồng dâu tây ở Minoh, tỉnh Osaka và cô đã đốt dầu hoả để sưởi ấm nhà kính suốt mùa đông. “Bây giờ có rất nhiều người cho rằng việc có dâu tây vào mùa đông là điều đương nhiên. Nhưng nói thật thì chúng ta đang làm cái gì thế này?” cô vừa nói vừa tiếp tục đổ đầy dầu hoả vào bình sưởi của mình.
Tất nhiên, trái cây và rau được trồng trong nhà kính trên khắp thế giới. Thế nhưng, ngành công nghiệp Nhật Bản đã trở nên cực đoan đến mức hầu hết nông dân chọn ngừng trồng dâu tây trong những tháng ấm hơn bởi nếu trồng đúng mùa thì sẽ sinh lợi kém hơn nhiều.
Thay vào đó, vào mùa hè, Nhật Bản chủ yếu sẽ nhập khẩu phần lớn nguồn cung dâu tây.
Đây là một ví dụ về việc những kỳ vọng có được sản phẩm tươi quanh năm có thể đòi hỏi tiêu tốn năng lượng nhiều đến đáng kinh ngạc. Nói cách khác, Nhật Bản đang góp phần làm khí hậu ấm lên để đổi lấy dâu tây và cả cà chua hay dưa chuột.
Cho đến vài thập kỷ trước, mùa dâu tây của xứ mặt trời mọc vẫn bắt đầu vào mùa xuân và kéo dài đến đầu mùa hè. Nhưng thị trường Nhật Bản có truyền thống đánh giá cao các sản phẩm đầu mùa (hatsumono), từ cá ngừ cho đến gạo và trà.
Một vụ mùa toàn những quả đầu mùa có thể mang lại giá cao gấp nhiều lần bình thường và thậm chí còn có thể gây sốt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Khi nền kinh tế tiêu dùng của đất nước này cất cánh, cuộc đua hatsumono đã tràn sang dâu tây. Các trang trại bắt đầu cạnh tranh để đưa dâu tây ra thị trường càng lúc càng sớm hơn trong năm. Giám đốc điều hành của công ty tư vấn về dâu tây Ichigo Tech là Daisuke Miyazaki cho biết: “Mùa dâu tây cao điểm kéo dài từ lễ Giáng sinh đến tháng 4.”
Giờ đây, dâu tây là mặt hàng chủ lực trong dịp Giáng sinh ở Nhật Bản. Thứ quả này được dùng để trang trí cho những chiếc bánh Giáng sinh được bán trên khắp cả nước trong suốt tháng 12. Miyazaki cho biết một số nông dân đã bắt đầu vận chuyển dâu tây đầu mùa vào tháng 11.
Việc Nhật Bản hướng tới việc trồng dâu tây trong thời tiết lạnh giá đã khiến việc trồng dâu tây tốn nhiều năng lượng hơn đáng kể. Theo các phân tích về phát thải khí nhà kính liên quan đến các sản phẩm khác nhau ở Nhật Bản, lượng phát thải của dâu tây gấp khoảng 8 lần so với nho và hơn 10 lần so với cam quýt.
Nhà nghiên cứu về khoa học môi trường tại Đại học tỉnh Shiga tên Naoki Yoshikawa cho biết: “Tất cả đều bắt nguồn từ việc sưởi ấm. Chúng tôi đã xem xét tất cả các khía cạnh bao gồm cả vận chuyển hay những thứ cần thiết để sản xuất phân bón. Ngay cả sau khi nghiên cứu hết những điều đó, hệ thống sưởi vẫn tạo ảnh hưởng lớn nhất.”
Ở Nhật Bản, năng lượng cần thiết để trồng dâu tây trong mùa đông không chỉ là gánh nặng khí hậu. Nó cũng làm cho việc trồng dâu tây trở nên đắt đỏ, đặc biệt là khi chi phí nhiên liệu tăng cao. Vậy nên, trồng dâu tây vào mùa đông suy cho cùng lại làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nông dân.
Tham thảo Japan Times
Nhịp Sống Thị Trường