MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật đằng sau yếu tố 'giá rẻ' của loạt cửa hàng đồng giá như Daiso, Komonoya...

Bí mật đằng sau yếu tố 'giá rẻ' của loạt cửa hàng đồng giá như Daiso, Komonoya...

Vì sao tại các cửa hàng đồng giá, nhiều sản phẩm có vẻ như sẽ có giá vài trăm nghìn hay 1 triệu đồng ở các cửa hàng khác, đều được bán với giá 40.000 đồng? Hơn nữa, gần đây, số lượng sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng 40.000 đồng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về mặt tính năng hay thiết kế.

Trên thực tế, việc cửa hàng đồng giá 40.000 đồng bán sản phẩm đa dạng về chủng loại và rẻ về giá thành là do họ cắt giảm được chi phí một cách xuất sắc. Cụ thể, giá gốc (giá mua vào) từ cơ sở sản xuất các mặt hàng trong cửa hàng đồng giá có mức chênh lệch rất lớn, có sản phẩm rất rẻ, chỉ từ 4 nghìn, hoặc có sản phẩm cao hơn 40.000 đồng (trong trường hợp này, cửa hàng sẽ bị lỗ) nhưng khi bán ra, chúng đều có giá 44.000 đã bao gồm thuế.

Giả sử, giá gốc trung bình của hàng hoá nằm trong khoảng từ 20-30.000/sản phẩm. Tạm thời, hãy cho rằng, một đơn vị sản phẩm được sản xuất tại nhà máy với giá 10.000, tốn 5.000 chi phí vận chuyển để chở sản phẩm đến cửa hàng, 10.000 chi phí bán hàng và thu về 20.000 lợi nhuận.

Vậy đâu là bí mật về yếu tố giá rẻ trong các cửa hàng đồng giá?

Đầu tiên sẽ là các biện pháp để họ mua được sản phẩm giá rẻ từ nhà máy hoặc xưởng sản xuất. Rất nhiều sản phẩm đang bày bán trong cửa hàng đồng giá được sản xuất tại các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn nước sở tại, ví dụ như Trung Quốc, Bangladesh, hay cả Việt Nam.

Trong cửa hàng đồng giá, có rất nhiều sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản hoặc mang lại cho khách hàng cảm giác rằng sản phẩm "cao cấp" hơn hẳn so với mức giá 40.000 đồng. Thực ra, những nhà máy chuyên sản xuất các mặt hàng "cao cấp" chủ lực sẽ có những khoảng thời gian trống lịch sản xuất. Tận dụng những khoảng trống như vậy, các xưởng này sẽ sản xuất hàng hoá cho các cửa hàng đồng giá.

Về bản chất, đây là những sản phẩm có chi phí cao do được gia công bởi nguồn nhân công chất lượng tay nghề cao, nhưng lại bán với mức giá rất rẻ.

Những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh hệ thống cửa hàng đồng giá thường mua sản phẩm từ các công ty sản xuất với số lượng rất lớn trong một lần đặt hàng. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện chính sách "không đổi trả hàng hoá", nghĩa là dù trong trường hợp số sản phẩm họ mua trong cùng một lần không bán được, thì phía doanh nghiệp cũng cam kết không trả lại hàng.

Tập đoàn siêu thị đồng giá 40.000 đồng Daiso là một ví dụ. Số lượng sản phẩm trong mỗi lần nhập hàng của nhà phân phối này thường rơi vào khoảng một triệu đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, cửa hàng 40.000 đồng xem việc trả bằng tiền mặt ngay lúc nhập hàng là một nguyên tắc thanh toán.

Hai biện pháp trên giúp giảm thiểu rủi ro cho phía doanh nghiệp. Nếu họ nhận đơn hàng từ một cửa hàng thông thường, ví dụ, từ giờ đến 5 năm tiếp theo, cửa hàng này dự định sẽ nhập một lượng lớn sản phẩm do doanh nghiệp trên sản xuất, nên họ đã đầu tư vào cải tiến máy móc phục vụ cho việc sản xuất.

Nhưng rất có thể cửa hàng trên chỉ đặt hàng vài lần, rồi chấm dứt việc mua hàng. Như vậy, doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ không thể thu hồi chi phí tân trang máy móc. Hơn nữa, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ bị trả lại hàng khi sản phẩm bị ế ẩm hoặc do công việc kinh doanh của cửa hàng nọ không tốt, nên không thể thanh toán tiền mua sản phẩm.

Thực ra, trong việc ấn định giá bán sản phẩm dành cho một đơn vị phân phối, doanh nghiệp đã tính gộp vào phần chi phí bù đắp cho các "nguy cơ" kể trên. Ví dụ, nếu trung bình trong số 3 sản phẩm được bán ra, có 1 sản phẩm bị trả lại thì phía doanh nghiệp sản xuất chỉ thu được phần doanh thu của 2 sản phẩm còn lại.

Chính vì thế, nếu tổng doanh thu đến từ 2 sản phẩm không thể thu về chi phí sản xuất của cả 3 sản phẩm, thì doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ.

Do vậy, giá bán một đơn vị sản phẩm mà doanh nghiệp đưa ra cho cửa hàng đã bao gồm chi phí sản xuất của 1,5 đơn vị sản phẩm.

Một phương pháp mang tính đặc thù của cửa hàng đồng giá trong hoạt động thu mua sản phẩm đầu vào là mua toàn bộ hàng hoá đang còn trong kho của những doanh nghiệp bị phá sản, mặc cả xuống mức giá rẻ bất ngờ.

Hay giả sử, một loại bánh mới có thời hạn sử dụng 6 tháng, giá 250.000 đồng/hộp, được bán ra thị trường qua các cửa hàng tiện lợi. Loại bánh này đã được lên kệ trong 1 tháng, nhưng ế ẩm. Là đơn vị nhạy cảm trong việc sắp xếp hàng hoá dựa trên mức thu hút và hiệu quả bán ra của sản phẩm, nên cửa hàng tiện lợi sẽ ngưng bán loại bánh này.

Khi bị cửa hàng tiện lợi đánh giá là "khó bán", thì sản phẩm này cũng khó có thể được bày bán trong siêu thị. Tuy nhiên, vẫn còn 5 tháng nữa mới hết hạn sử dụng, nếu ngừng bán sẽ gây lãng phí. Song, nếu giữ lại sản phẩm trong kho, sẽ tiêu tốn chi phí bảo quản.

Sự tồn kho sản phẩm chính là vấn đề nảy sinh đằng sau cuộc cạnh tranh sản phẩm mới trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo. Chính vào lúc này, cửa hàng đồng giá 40.000 đồng - đơn vị có khả năng bán ra số lượng lớn các loại hàng hoá như bánh kẹo, sẽ tiến hàng mua vào loại sản phẩm trên với số lượng lớn và giá rẻ.

Sau đó, nhờ vũ khí "giá rẻ" chỉ 44.000 đồng/sản phẩm, loại bánh này sẽ nhanh chóng được phân phối đến các chuỗi cửa hàng đồng giá trên toàn quốc. Đây chính là một trong những biện pháp mua được hàng giá rẻ của cửa hàng đồng giá.

Ngoài ra, cửa hàng đồng giá sẽ không bán những sản phẩm đặt theo yêu cầu. Vì chi phí vận chuyển từng đơn vị hàng hoá đó đến cửa hàng sẽ rất tốn kém.

Các cửa hàng đồng giá hầu như không quảng cáo. Do giá thống nhất của hầu hết mọi sản phẩm trong cửa hàng 40.000 đồng là 44.000 đồng (đã cộng thêm thuế). Chính vì thế, việc quảng cáo về các đợt khuyến mãi hoặc khuếch trương quảng cáo như siêu thị, trung tâm bách hoá... là không cần thiết.

Một yếu tố khác, do tất cả hàng hoá ở đây là đồng giá, nên những việc như dán nhãn giá lên từng sản phẩm, hay thay nhãn giá cũng không cần thiết. Hệ thống máy tính tiền cũng không cần là loại nhiều chức năng.

Chính vì thế, tại các chuỗi cửa hàng 40.000 đồng của Tập đoàn Daiso, nhân viên bán thời gian đảm trách mọi công đoạn, từ đặt hàng, tính hoá đơn, sắp xếp sản phẩm, cho đến đứng quầy thanh toán và quản lý tiền bạc. Nhờ vậy, bản thân doanh nghiệp này có thể cắt giảm được khá nhiều chi phí lao động.

Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng nhân viên bán thời gian, việc quản lý công việc của nhân viên hoặc nếu nhân viên tự ý mang đồ về nhà cũng là điểm đáng lo. Do đó, tại các cửa hàng của Daiso, nếu số lượng hàng trong kho bị thâm hụt trên 1% trong mỗi lần kiểm kê định kỳ, nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm dựa trên những ràng buộc trong hợp đồng lao động. Thậm chí, họ có thể bị cho thôi việc.

Đặng Hùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên