MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà

30-06-2021 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà

Và đó là một chính sách cách ly không khoan nhượng, khi những ai vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền lên tới hơn 200 triệu đồng.

Trong bối cảnh biến chủng Delta đang hoành hành và khiến công tác chống dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới trở nên khổ sở, Hàn Quốc vẫn đang duy trì vị thế là một biểu tượng chống dịch của châu Á. Ở thời điểm hiện tại, đất nước này ghi nhận trung bình hơn 500 ca nhiễm mỗi ngày, nhưng số ca tử vong chỉ dừng ở mức 1 chữ số mà thôi.

Nhưng không phải tự nhiên mà người dân xứ sở kim chi làm được những điều mà nhiều nơi khác chẳng thể có được. Họ đã phải đi lên từ những đau thương, mất mát từng xảy ra trong quá khứ.

Bài học từ quá khứ

Năm 2020, ổ dịch siêu lây nhiễm tại nhà thờ Shincheonji bắt nguồn từ một người phụ nữ 61 tuổi. Đó là thời điểm ngày 16/2/2020, khi người phụ nữ tiến nhà thờ với cơ thể hơi sốt. Bà đặt tay vào máy quét vân tay, đi qua một lớp cửa kính, tiến vào sảnh cầu nguyện cùng hơn 1000 tín đồ khác. Vài giờ sau bà rời đi, để lại dư chấn kích hoạt một trong những ổ dịch lớn nhất ở thời điểm đó.

Đến cuối tháng 2, Hàn Quốc trở thành quốc gia có nhiều bệnh nhân mắc Covid nhất bên ngoài Trung Quốc. Các ca nhiễm mới tăng gấp đôi mỗi ngày, nhà thuốc hết sạch khẩu trang. Hàng chục quốc gia ban hành lệnh cấm di chuyển với các hành khách từ Hàn Quốc.

Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, ổ dịch tại Hàn Quốc đã được kiểm soát. 2 tuần đầu tháng 3, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm từ 800 xuống còn dưới 100. Họ thậm chí còn tổ chức thành công cuộc bầu cử với tỉ lệ cử tri cao nhất trong vòng 3 thập kỷ mà không kích hoạt một làn sóng lây nhiễm nào. Và họ những gì họ làm được thực ra rất đơn giản, vì nó đến từ những bài học có sẵn trong quá khứ.

Trên thực tế, chính sách chống dịch của Hàn Quốc được tạo ra từ những dịch bệnh trước kia. Như dịch SARS - thứ đã giết chết hàng trăm người tại Đông Á vào năm 2002. Hay dịch cúm H1N1 năm 2009 bắt nguồn từ Mexico đã lây lan sang hàng triệu người trên thế giới, và khiến vài trăm người Hàn Quốc tử nạn.

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà - Ảnh 1.

Khử khuẩn trong dịch MERS năm 2015 tại Hàn Quốc

Rồi đến dịch MERS hoành hành năm 2015, Hàn Quốc tạo ra một quy chuẩn chống dịch. Họ viết lại các quy tắc, trong đó bao gồm việc cho phép các phòng thí nghiệm sử dụng các bộ xét nghiệm khẩn cấp dù chưa kiểm nghiệm đầy đủ, lần vết dịch bằng hệ thống camera an ninh. Để tăng tính minh bạch, một bộ luật mới yêu cầu chính quyền địa phương phải đưa ra cảnh báo kịp thời đối với các khu vực có bệnh nhân.

Từ MERS, Hàn Quốc tạo ra một chiến lược chống dịch cụ thể, được áp dụng để giúp họ kiểm soát được Covid-19 của ngày hôm nay

Xét nghiệm nhanh

Một trong những bài học quan trọng nhất mà MERS mang lại đối với việc làm phẳng đường cong dịch bệnh, đó là nhanh chóng sản xuất những bộ xét nghiệm có độ chính xác cao. Thời điểm chỉ 1 tuần sau khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc đã phát triển ngay lập tức bộ xét nghiệm nhanh để đưa vào sản xuất hàng loạt. Đến giữa tháng 2, thời điểm nước Mỹ còn loay hoay với ý tưởng "miễn dịch cộng đồng", Hàn Quốc đã sản xuất hàng ngàn bộ xét nghiệm mỗi ngày. Đến tháng 3, họ xét nghiệm được tới 145.000 người, bằng nhiều quốc gia khác cộng lại.

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà - Ảnh 2.

Từ năm 2015, chính phủ Hàn Quốc đã mở tới 600 cơ sở và các trạm xét nghiệm lưu động để giảm thiểu thời gian tiếp xúc và giúp bệnh viện không bị quá tải.

Lần vết bằng công nghệ

Hàn Quốc đã lần theo dấu vết của các ca bệnh - từ thời gian, địa điểm họ đi qua, cho đến những ai có khả năng bị lây bệnh. Họ làm vậy bằng hệ thống camera giám sát được cấp phép kể từ khi MERS xuất hiện.

Năm 2015, một trong những sai lầm lớn nhất của chính phủ Hàn Quốc là từ chối chia sẻ thông tin nơi các bệnh nhân từng ghé đến. Vậy nên với Covid-19, Hàn Quốc đã chấp nhận đánh đổi quyền riêng tư của công chúng để kiểm soát đại dịch tốt hơn.

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà - Ảnh 3.

Kết quả nhanh chóng xuất hiện. Tháng 4/2020, chỉ trong vòng 48h kể từ khi 1 bệnh nhân 58 tuổi dương tính với virus, họ đã xác định được hơn 1000 người từng tiếp xúc với ông. Tất cả được hướng dẫn cách ly theo đúng quy định, để rồi cuối tháng 4 không còn một ổ dịch nào ở Hàn Quốc nữa.

Cách ly không khoan nhượng

Để tách những người khỏe mạnh ra khỏi nhóm mắc bệnh, Hàn Quốc đã chia các bệnh nhân ra thành nhiều nhóm nhỏ. Người già và những đối tượng mắc bệnh nặng sẽ được điều trị trong bệnh viện. Người có triệu chứng nhẹ được chuyển đi cách ly tập trung. Còn những người không có triệu chứng và nhóm tiếp xúc gần - chính là các F1 - phải cách ly tại nhà, trong đó họ dược hướng dẫn phải sử dụng phòng tắm riêng, ăn riêng, cố gắng hạn chế tiếp xúc với người ở cùng. Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến 2 lần để quan sát các triệu chứng.

Bí mật giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch châu Á: Cách ly F1 tại nhà - Ảnh 4.

Các F1 sẽ liên tục nhận được thông báo của chính quyền địa phương, để có phương án cách ly cụ thể. Chi phí khi tự cách ly sẽ được chính quyền hỗ trợ. Ngoài ra, họ được yêu cầu phải cài đặt một ứng dụng do Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc phát triển trong vòng 14 ngày để cập nhật thông tin cho nhà chức trách. Ứng dụng được tích hợp cả GPS để theo dõi vị trí, đảm bảo F1 không rời khỏi khu vực cách ly.

Trong trường hợp vi phạm, người cách ly sẽ phải đeo vòng tay điện tử kết nối với ứng dụng. Nếu rời xa chiếc điện thoại của mình, nhà chức trách sẽ nhận được thông tin và tiến hành bắt giữ. Người vi phạm có thể đối diện với bản án 1 năm tù giam, và khoản tiền phạt lên tới hơn 200 triệu đồng tiền Việt.

Nguồn: The Atlantic

Theo J.D

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên