Bị Mỹ thắt chặt visa du học, Trung Quốc mua lại hàng chục trường đại học, cao đẳng ở Mỹ và các nước phát triển
Dù tìm kiếm địa điểm mới ở những nước khác như Anh, Canada, Úc, nhưng các sinh viên và công ty giáo dục Trung Quốc vẫn thừa nhận rằng tấm bằng cử nhân, thạc sĩ ở Mỹ vẫn giá trị hơn cả.
- 25-06-2019Du học sinh Trung Quốc tại Mỹ trở thành "con tốt thí" trên "ván cờ" thương mại
- 04-06-2019"Mục tiêu" tiếp theo của ông Trump: Sinh viên Trung Quốc đang du học ở Mỹ
- 03-10-2018Căng thẳng leo thang, Mỹ có thể xem xét cấm sinh viên Trung Quốc sang du học
Ở trung tâm quận tài chính của Sydney, nằm giữa những văn phòng của các công ty luật và quản lý quỹ, các lớp học thông minh được tân trang lại của Học viện King's Own Institute (KOI) đã sẵn sàng để chào đón lượng lớn sinh viên. Tại đó, có một dãy dài những chiếc bàn màu trắng, được trang bị máy tính Dell và laptop của thương hiệu Lenovo. Tuy nhiên, có rất ít người Úc ở khuôn viên trường.
Với hơn 2.400 nhân viên, hầu hết đều đến từ nước ngoài, học tập lấy bằng cử nhân và thạc sĩ về các môn như kinh doanh, kế toán, và IT, KOI luôn ở vị trí dẫn đầu thế giới trong việc thu hút sinh viên Trung Quốc - những người đang tìm kiếm địa điểm thay thế cho Mỹ. China Education Group, công ty điều hành 9 trường trung học ở 6 tỉnh Trung Quốc, đã tuyên bố mua lại KOI với 128 triệu AUD (86 triệu USD) vào ngày 23/9. Đây là một thương vụ sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của KOI ở Trung Quốc, theo CEO của trường, Douglas Hinchliffe.
Các công ty như China Education đang mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và phụ huynh - họ cho rằng có một tấm bằng đại học ở nước ngoài sẽ tạo lợi thế khi làm việc tại Trung Quốc. Mỹ từ lâu đã là một điểm đến quen thuộc, với rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia "gửi" con đến các trường thuộc nhóm Ivy League. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại xảy ra, thì việc theo học tại Mỹ trở nên khó khăn hơn. Do đó, các sinh viên Trung Quốc đang cân nhắc về những quốc gia nói tiếng Anh khác, còn các công ty giáo dục của Trung Quốc thì đang chớp lấy thời cơ.
Jerry He, phó chủ tịch điều hành của Bright Scholar Education - có trụ sở tại thành phố Phật Sơn, chia sẻ: "Đã có sự thay đổi". Bright Scholar trong năm qua đã mua lại hơn 10 trường nội trú và ngoại ngữ, những trường của Anh có địa điểm ở Cambridge, Canterbury và London. Ông cho hay: "Khi căng thẳng giữa hai nước leo thang, các phụ huynh trở nên lo lắng và do dự. Họ sẽ nghĩ lại khi gửi con đến Mỹ."
Năm ngoái, số lượng sinh viên đại học của Trung Quốc được nhận vào các trường của Anh đã tăng 10,4% lên tới 10.180, theo Dịch vụ Tuyển sinh Đại học và Cao Đẳng của Anh. Số lượng sinh viên Trung Quốc đang nộp đơn đăng ký tăng vọt 30%, lên 19.700 người.
Dù tình hình khó khăn, nhưng nhiều trường của Mỹ vẫn nồng nhiệt đón nhận dòng sinh viên từ Trung Quốc bởi đây là nhóm sinh viên trả trước toàn bộ học phí. Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã tạo ra 22 tỷ USD cho nền kinh tế nước này hồi năm ngoái, theo Rahul Choudaha - phó chủ tịch điều hành bộ phận tham gia và nghiên cứu toàn cầu tại công ty nghiên cứ Studyportals.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất của Mỹ, chiếm khoảng 1/3 trên tổng số. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Mỹ đang yếu dần. Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, nước này đã cấp 101.000 visa du học cho sinh viên Trung Quốc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2018, giảm từ mức 152.000 trong năm 2016.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, chính quyền ông Trump là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt giảm đó, vì đã hạn chế việc cấp visa cho du học sinh Trung Quốc vì lo ngại các điệp viên sẽ đóng giả làm sinh viên hoặc nghiên cứu sinh. Hôm 16/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ một cư dân của thành phố Fort Lee bang New Jersey. Người này đã giúp một số người Trung Quốc lừa đảo để lấy visa cho nghiên cứu sinh.
Hồi tháng 8, Mỹ đã truy tố một giáo sư tại Đại học Kansas vì che đậy dự án ông này đang thực hiện cho một trường đại học ở Trung Quốc. Cùng tháng đó, 9 sinh viên Trung Quốc trở lại Đại học bang Arizona đã bị hải quan từ chối nhập cảnh tại sân bay Los Angeles. Các sinh viên này đều có học lực tốt, nhưng vẫn ở Trung Quốc. Cho đến hiện tại, trường đại học của họ vẫn chưa nhận được lời giải thích.
Tháng 6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo các sinh viên khi quay trở lại Mỹ rằng họ phải cảnh giác vì quy định hạn chế đang gia tăng. Sun Yiding, CEO của RISE Education Cayman, cho biết rằng do đó ngày càng nhiều người muốn tìm địa điểm khác ngoài Mỹ. Ông cho biết số lượng các chuyến đi tới Anh trong năm nay mà RISE cung cấp "tăng đáng kể".
Giờ đây, các quốc gia khác đang cởi mở hơn với sinh viên Trung Quốc. Chính phủ của Thủ tưởng Anh Boris Johnson hồi tháng 9 thông báo rằng nước này sẽ sớm cho phép sinh viên nước ngoài học tập tại Anh được làm việc tại đây sau 2 năm tốt nghiệp. Trong khi đó, chính sách của nước này năm 2012 lại bắt buộc sinh viên phải rời khỏi Anh trong 4 tháng sau khi tốt nghiệp. Tháng 2, Canada tiết lộ về một chính sách sẽ giúp các sinh viên tốt nghiệp ở đây có được giấy phép làm việc dễ dàng hơn. Và ở Úc, tính đến năm kết thúc vào tháng 6, chính phủ đã cấp visa làm việc cho 64.000 cử nhân là người nước ngoài, tăng gần 3 lần so với năm 2014.
Ted Michell, chủ tịch của American Council on Education - đại diện cho 1.700 trường cao đẳng và đại học, cho hay: "Đây là một thị trường rất cạnh tranh. Khi quan hệ Mỹ - Trung chuyển biến tiêu cực, thì những người bạn của tôi ở Úc và Anh hoàn toàn sẵn sàng đón nhận sinh viên Trung Quốc."
Bright Scholar bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Úc vào hồi năm ngoái, với thương vụ mua lại Đại học Bournemouth ở Dorset, Anh. Công ty tiếp tục thúc đẩy việc này vào tháng 6, mua lại 2 trường học của Anh với 47 triệu USD. 1 tháng sau đó, họ tuyên bố mua lại 18 trường, bao gồm 7 trường trung học ở Anh, Canada và Mỹ với 150 triệu bảng.
Một số công ty giáo dục khác của Trung Quốc đã giảm quy mô của các kế hoạch mở rộng ở Mỹ. Mùa hè vừa rồi, Beijing Kaiwen Education Technology đã từ bỏ ý định mua lại Cao đẳng Westminster Choir của Princeton, New Jersey, sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các cựu sinh viên và giảng viên.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn không bỏ cuộc trên thị trường "béo bở" của Mỹ. Trong số các trường được Bright Scholar mua lại, có một trường trung học tư thục có diện tích 8 ha tại Braintree. Ở Boston gần đó, Ambow Education Holding có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu Cao đẳng Bay State - một tổ chức giáo dục họ mua lại năm 2017 để làm điểm đến cho các sinh viên Trung Quốc muốn có bằng đại học của Mỹ. CEO Jin Huang chia sẻ, Ambow dự kiến năng nay sẽ mua các trường cao đẳng khác, đó là New School of Architecture và Design ở San Diego,
Huang chia sẻ, dù mối quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều mâu thuẫn, nhưng tấm bằng đại học ở Mỹ vẫn rất có giá trị. Bà nói: "Sau khi học ở Mỹ, các sinh viên có nhiều cơ hội hơn để tìm một công việc tốt so với việc học ở các quốc gia khác."