MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị nghi ngờ chất lượng thống kê, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê phản pháo “chưa hiểu thì phát biểu phải có trách nhiệm”

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê đã có phần phản biện tại Hội thảo khoa học Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và các giải pháp thúc đẩy.

Nguyên nhân của phản biện này là bởi trong thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực ngành cũng như số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra không sát với thực tế, không phản ánh đúng bản chất của kinh tế Việt Nam.

Trước những quan điểm đó, ông Lâm khẳng định ngành thống kê đã và đang sử dụng đúng phương pháp luận, những phương pháp này cũng theo đúng thông lệ của quốc tế, cán bộ ngành cũng có nghiệp vụ chuyên sâu về phân tích.

Vị Tổng cục trưởng này cũng nhấn mạnh: “Người sử dụng tin thống kê cũng phải hiểu nội hàm thống kê đó là gì, phản ánh cái gì, nắm được diễn biến kinh tế thì mới nói được số liệu thống kê như thế nào”.

‘Nhóm sử dụng số liệu thống kê cần công bằng, bình tĩnh và cẩn trọng xem xét số liệu thống kê rồi hẵng phát biểu. Hay nói cách khác là phải phát biểu có trách nhiệm, chưa hiểu thì phát biểu phải có trách nhiệm”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng khẳng định số liệu thống kê trước khi gửi không phải duyệt qua ai mà được công bố thẳng.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê phân bua về những con số của mình. Gần một tuần trước (6/11), đơn vị này đã đăng tải trên trang chủ của mình bài viết “Cần trách nhiệm hơn khi đánh giá số liệu thống kê” vì “Thời gian qua một số Đại biểu Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số nhà nghiên cứu, nhà kinh tế… có những phát biểu về chất lượng biên soạn chỉ tiêu GDP. Sau các ý kiến này, cộng đồng mạng có nhiều bình luận, đôi khi có chiều hướng cảm tính phủ nhận số liệu của Hệ thống thống kê Nhà nước”.

Trong bài viết này ngoài việc khẳng định ngành làm đúng theo khoa học và thông lệ quốc tế, Tổng cục Thống kê còn phân bua rằng thông tin cung cấp cho đơn vị mình nhiều khi không sát với thực tế nguyên nhân bởi nhận thức, trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.

Đơn vị cũng thừa nhận bản thân vẫn còn nhiều bất cập, cần khắc phục. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết cần bàn đến trách nhiệm của người sử dụng.

Đó là việc người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.

Dẫn chứng, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 9/2012, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng 2,2% so với tháng 8/2012, cao hơn rất nhiều CPI của các tháng trước đó (tháng 5/2012 tăng 0,18%, tháng 6/2012 giảm 0,26%, tháng 7/2012 giảm 0,29%, tháng 8/2012 tăng 0,63%), một số người dùng tin chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân đã vội phê phán phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê.

Thực tế lúc đó, theo lý giải của Tổng cục nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI cả nước tăng đột biến.

Ở góc độ khác, khi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao, đặc biệt khi có mưa bão, giá thực phẩm và rau quả tăng mạnh, các nhóm hàng hóa khác còn lại trong 10 nhóm hàng hóa thu thập thông tin để tính CPI không tăng, hoặc tăng không đáng kể, Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng thấp hơn mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lúc đó người sử dụng thông tin cũng nghi ngờ Tổng cục Thống kê tính thấp, không trung thực. Trong trường hợp này, một số người sử dụng thông tin đã đồng nhất CPI của 11 nhóm hàng hóa với chỉ số giá của một nhóm hàng (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống).

“Thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê của người sử dụng có tri thức mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội”, phía Tổng cục cho hay.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên