Bị nghi ngờ về khả năng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, sếp TCL lấy minh chứng về xe máy Trung Quốc từng một thời "ám ảnh" người Việt
Được biết đến là một thương hiệu với các dòng sản phẩm bình dân, TCL đang cho thấy nỗ lực cạnh tranh trong phân khúc cao cấp trong những năm gần đây.
Là một thương hiệu lâu năm và đã có lịch sử họat động 25 năm tại Việt Nam, TCL chủ yếu nổi danh ở phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên mới đây, thương hiệu này đã cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ trong việc tiến vào phân khúc cao cấp.
Tại buổi họp báo trong khuôn khổ Hội Nghị Đối Tác Toàn Cầu TCL Industries 2024 (GPC 2024), một nhà báo đã đặt ra câu hỏi với nội dung như sau: "TCL có rất nhiều sản phẩm cao cấp. Nhưng nhiều người xem TCL là một thương hiệu bình dân. Thử thách để TCL để trở thành một thương hiệu cao cấp là gì?"
Trả lời câu hỏi này, Ông Bill Jiang, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Marketing của TCL, cho biết TCL đang trong quá trình xây dựng hình ảnh mới dưới tư cách một thương hiệu cao cấp. Quá trình này tuy sẽ mất thời gian, tuy nhiên TCL tin tưởng rằng với các đột phá công nghệ hàng đầu trên các dòng sản phẩm của mình, kèm theo các chiến dịch marketing và mở rộng chuỗi đối tác, hãng sẽ đạt được mục tiêu này.
"TCL khởi đầu hành trình của mình với các sản phẩm "value for money", nghĩa là mang đến giá trị đích thực cho người dùng. Đây là cách dễ nhất để thâm nhập và giành thị phần. Tuy nhiên, sau 25 năm, chúng tôi đã chứng minh được năng lực của mình không chỉ ở khía cạnh giá cả, mà còn là những công nghệ hàng đầu.
Ngày hôm nay tại GPC 2024, các bạn đã được chứng kiến những công nghệ như TV MicroLED lớn nhất, TV QD-Mini LED chất lượng hình ảnh tốt nhất, màn hình OLED dẻo, kèm hàng loạt các sáng tạo trong các lĩnh vực như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, smartphone, thiết bị đeo được... Đây đều là những công nghệ hàng đầu mà chúng tôi muốn mang đến cho người tiêu dùng.
Song song với đó, TCL còn đẩy mạnh việc phát triển hình ảnh thương hiệu, đẩy mạnh quảng cáo và marketing, mở rộng mạng lưới đối tác phân phối. Theo đại diện TCL, bước đầu, chiến lược của TCL đang cho thấy những hiệu quả tích cực.
"Tại Pháp, thông qua việc hợp tác với các kênh bán lẻ để mang đến các sản phẩm tốt hơn cho người dùng, TCL là thương hiệu thứ 2 nếu xếp theo doanh thu. Nếu chiến lược này cho thấy hiệu quả tại một thị trường cạnh tranh và khó tính như Pháp, chúng tôi tin rằng nó hoàn toàn khả thi tại các quốc gia khác."
Đặc biệt, ông Bill Jiang còn đề cập trực tiếp tới thị trường Việt Nam. Thực tế, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà TCL đặt chân trong kế hoạch toàn cầu hóa của mình. Những ngày đầu vào Việt Nam, là một thương hiệu Trung Quốc, TCL gặp vô vàn khó khăn, khi người tiêu dùng thường gắn kết Trung Quốc với các sản phẩm kém chất lượng.
Cùng thời điểm TCL gia nhập Việt Nam cũng là lúc trào lưu xe máy Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Những chiếc xe máy Loncin, Lifan với ngoại hình giống hệt xe Honda cùng thời (Dream, Wave), nhưng có mức giá rẻ chỉ chưa đến 10 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với những mẫu xe cùng loại của thương hiệu Nhật Bản. Tuy nhiên, những chiếc xe này đã không tồn tại được lâu trên thị trường vì chất lượng và hậu mãi kém. Điều này vô tình ảnh hưởng tới các thương hiệu khác như TCL.
"TCL có mặt tại Việt Nam từ năm 1999. Cùng thời điểm này, trên thị trường cũng tràn ngập những chiếc xe máy đến từ Trung Quốc với chất lượng kém, tạo nên hình ảnh xấu về sản phẩm Trung Quốc. Nhưng, TCL vẫn kiên trì với chiến lược của mình, và tính đến nay, TCL là một thương hiệu có chỗ đứng tại Việt Nam bởi các sản phẩm chất lượng."
Hay lấy một ví dụ khác, Samsung ở cách đây 20 năm trước cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại. Việc xây dựng hình ảnh cao cấp chắc chắn mất một khoảng thời gian, nhưng nếu có sự đầu tư đúng mực vào sản phẩm và định vị, chúng tôi tự tin rằng sẽ đến đích."
Đời sống và Pháp luật