Bí quyết của SIR Tailor: Mỗi tháng may không quá 35-40 bộ suit để giữ chất lượng, mở showroom tại Đức và bắt tay với người khổng lồ Patek Philippe tại Thái Lan
Đối với lĩnh vực thời trang may đo cao cấp cho nam giới, Bespoke mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm độc đáo, đề cao độ vừa vặn của sản phẩm theo số đo cơ thể không "đụng hàng" của từng cá nhân khi mặc suit. Bespoke là một nhận diện thương hiệu riêng mà một quý ông "khoác" lên mình trong giao tiếp xã hội và công việc.
Một buổi sáng đẹp trời, một người đàn ông ăn mặc lịch sự tự tin tiến vào boutique của SIR Tailor tọa lạc tại sảnh khách sạn 5 sao Melia, Hà Nội để may đo một bộ suit Bespoke. Đích thân Triết Võ, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh SIR Tailor bay từ TP. HCM ra để tư vấn về các loại vải nhập cao cấp cho vị khách và giải thích cặn kẽ về đặc tính của mỗi loại. Không gian boutique không lớn nhưng gọn gàng và sang trọng, nổi bật với những bộ suit được cắt may tỉ mỉ và được bày biện ở vị trí đẹp.
Triết Võ nói: "Chúng tôi luôn cố gắng cá nhân hóa việc may đo của khách hàng ở mức cao nhất có thể, từ việc đặt lịch hẹn, tiếp riêng từng khách cho đến việc cá nhân hóa toàn bộ quy trình cắt may một bộ suit đúng nghĩa Bespoke". Đối với lĩnh vực thời trang may đo cao cấp cho nam giới, Bespoke mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm độc đáo, đề cao độ vừa vặn của sản phẩm theo số đo cơ thể không "đụng hàng" của từng cá nhân khi mặc suit. Nói cách khác, Bespoke là một nhận diện thương hiệu riêng mà một quý ông "khoác" lên mình trong giao tiếp xã hội và công việc.
Trên thực tế, dù mới ra đời được 6 năm song đến nay nhờ triết lý kinh doanh đồng nhất và riêng biệt nên lượng khách hàng của SIR Tailor tương đối ổn định, khoảng 80% khách là người Việt, chủ yếu tập trung ở nhóm làm kinh doanh, chủ doanh nghiệp, giới văn phòng và cả "rich kids". Còn lại 20% khách là người nước ngoài, đa số là giới ngoại giao.
Với khoản vốn đầu tư ban đầu lên tới 17 tỷ đồng, có thể nói SIR Tailor là một trong những nhà may suit được đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Hội đồng quản trị mới của SIR gồm 4 người, Nguyễn Thành Vinh (Chủ tịch HĐQT), Trần Quý Hải, Philip Đoàn (Đoàn Thanh Phúc) và Triết Võ (Võ Minh Triết). Trụ sở của nhà may được đặt tại khu biệt thự Saigon Pearl (Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP. HCM) theo mô hình in-house workshop (vừa là văn phòng làm việc vừa là xưởng may), trong khi boutique tại khách sạn Melia Hà Nội là điểm hẹn khách đến đo đồ ở khu vực phía Bắc, nơi chưa có nhiều nhà may Bespoke đúng nghĩa.
Melia cũng là khách sạn 5 sao có vị trí thuộc loại tốt nhất và đông khách business nhất ở Hà Nội tại thời điểm này. Việc thương hiệu SIR được định vị ở mức cao cấp thể hiện ngay từ việc họ lựa chọn các vị trí kinh doanh có giá thuê mặt bằng đắt đỏ tại hai thành phố lớn nhất nước.
Theo ông Philip Đoàn, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Kinh doanh Quốc tế SIR Tailor, ý tưởng sáng lập thương hiệu may đo cao cấp dành riêng cho quý ông ra đời vào năm 2013 với một mục tiêu khá đơn giản và cụ thể, đó là nâng tầm phong cách ăn mặc của đàn ông dành cho các thế hệ doanh nhân hiện đại tại Việt Nam, đặc biệt khi đi ra nước ngoài.
"Do các yếu tố như đàm phán, giao tiếp và hội nhập quốc tế của thế hệ doanh nhân mới này diễn ra hết sức nhộn nhịp, tuy nhiên mảng kiến thức thời trang trong kinh doanh quốc tế tại Việt Nam thời điểm 2013 hết sức khan hiếm và sơ khai, cho nên chúng tôi mong muốn cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu về tủ đồ toàn diện dành cho giới doanh nhân", Philip Đoàn chia sẻ với CafeF.
Mỗi bộ suit được gọi là Bespoke thực sự không chỉ nằm ở chất lượng làm tay và đúng phương pháp mà còn phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về tính giới hạn số lượng. "Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ của SIR cảm thấy tính hiếm có và khác biệt của một bộ suit chứ không phải là sự đại trà. Chúng tôi quyết định không tăng thêm sản lượng trong tương lai mà vẫn giữ quy mô không quá 40 bộ suit/tháng. SIR Tailor chỉ tăng sản lượng dòng sản phẩm "Made-to-measure" là dòng may đo công nghệ chúng tôi đưa từ chuỗi cung ứng quốc tế về Việt Nam", Philip Đoàn tiết lộ.
SIR Tailor cũng trở thành nhà may Việt Nam đầu tiên đưa ra các bộ sưu tập hoàn chỉnh theo mùa và ứng dụng các kỹ thuật và kiến thức được đào tạo tại Ý với khoá học thiết kế riêng cho SIR từ trường thời trang Polimoda (tại Florence do gia đình Ferragamo từ thương hiệu Salvatore Ferragamo sáng lập). Một trong các sáng tạo quan trọng của họ là sử dụng lụa Lãnh Mỹ A để may bộ Tuxedo nổi tiếng của phương Tây, biến nó trở thành một biểu tượng xa xỉ mới cho ngành may đo Việt Nam.
Chiến lược kinh doanh của thương hiệu này trong năm 2019 là vươn ra thị trường quốc tế bắt đầu bằng việc khai trương và vận hành showroom tại thành phố Berlin, Đức vào đầu năm. Sự kiện này đánh dấu việc nhà may đầu tiên của Việt Nam hoạt động trên thị trường may mặc quốc tế và mục tiêu tiếp theo sẽ là khai trương showroom tại Bangkok Thái Lan. Chính nhờ khả năng triển khai và sở hữu chuỗi cung ứng quốc tế duy nhất trong ngành may đo nội địa, nhà may đã thuyết phục được nhà phân phối Patek Phillippe và Montegrappa tại Thái Lan đồng ý tham gia liên doanh với SIR Tailor thành lập nên SIR Tailor Thái Lan để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp tại đây.
Tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có SIR Tailor được thương hiệu vải nổi tiếng của nước Ý Loro Piana (thuộc tập đoàn LVMH) uỷ quyền đầy đủ bộ sưu tập vải Loro Piana. Khác với số ít nhà may nhập vải Loro Piana thông qua các nhà phân phối vải cấp 2, SIR Tailor là nhà may Việt Nam duy nhất làm việc trực tiếp với Loro Piana và sở hữu hoàn toàn bộ sưu tập vải đầy đủ.
Chủ tịch SIR Tailor, ông Nguyễn Thành Vinh giải thích SIR là cụm từ viết tắt của "Style, Individual, Recognition", hàm ý về 3 sự căn bản trong dịch vụ của hãng là "Cá nhân hoá", "Phong cách" và "Phong cách ấy được Công nhận". Nhà may này không tự định hình họ là một… nhà may, mà là một "fashion house" với nền tảng chủ lực là dịch vụ may và đo cao cấp.
Họ đã âm thầm gầy dựng tên tuổi cho mình chủ yếu bằng các dòng sản phẩm Classic bespoke menswear (đồ may đo đặt riêng cổ điển cho đàn ông), nhưng rất nhanh chóng mang đến cho khách hàng những lựa chọn đa dạng hơn, đặc biệt là ở mảng Casual wear (quần áo hàng ngày) gồm đồ jeans, Harrington jacket (một dạng áo khoác nam), safari jacket, peacoat (áo choàng dài), áo polo...
Tự nhận là thị phần của SIR trong phân khúc cao cấp thực sự chưa lớn vì phân khúc này quá rộng, các nhà đồng sáng lập xác định từ đầu đây là việc làm ăn nghiêm túc chứ không phải một cuộc dạo chơi. Sử dụng câu nói quen thuộc của giới thời trang, "Ghét ai hãy rủ họ làm thời trang", Triết Võ cho rằng HĐQT cũng như đội ngũ nhân sự chủ chốt tại đây đến với nhau trước hết từ niềm đam mê Bespoke giống nhau và... khác người.
Ông Nguyễn Thành Vinh cho biết, năm 2018 đánh dấu cột mốc SIR Tailor là nhà may Việt Nam đầu tiên hợp tác thiết kế bộ sưu tập thời trang cho hãng xe hơi thể thao Maserati (Ý) và các hãng mô-tô phân khối lớn Ducati (Ý) và Triumphs (Anh). Ông Vinh cho rằng, với tốc độ phát triển hiện nay ở phân khúc Bespoke giá gần như cao nhất Việt Nam với thương hiệu còn trẻ, SIR đã có được niềm tin của khách hàng về mặt sản phẩm và giá trị vô hình.
Về doanh số, năm 2018 SIR Tailor đạt mức 17,5 tỷ đồng với 2 showroom tại TP. HCM và Hà Nội, tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm kể từ năm 2016 khi mới tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của thương hiệu này. Trong phân khúc Bespoke, đây là mức doanh thu tương đối cao. Sản lượng các bộ suit SIR Tailor làm ra mỗi tháng rất giới hạn, chỉ ở mức không quá 35-40 bộ mỗi tháng để giữ chất lượng "thật sự Bespoke" chứ không tự khoác lên mình cái danh Bespoke. Về giá, một bộ suit cho nam giới tại đây có mức giá trung bình dao động từ 9-25 triệu đồng tùy loại vải và độ phức tạp của kỹ thuật may. Đây là phổ giá mới được họ áp dụng dành cho dòng Made to Measure (được hiểu là khách đến thử suit rồi chỉnh sửa kèm với chọn vải), trong khi dòng Bespoke của SIR nằm ở mức giá 40-100 triệu đồng.
Với thị trường Việt Nam nói riêng, thách thức lớn nhất là nhận thức của khách hàng. Giám đốc Sáng tạo SIR Tailor Phan Anh chia sẻ: "Việt Nam không phải là đất nước với truyền thống mặc Âu phục, những thứ chúng ta đang mặc là vay mượn đồng thời chúng ta cũng chưa có ý thức học hành một cách nghiêm túc trong khi nhu cầu ăn mặc lại rất lớn trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ". Bên cạnh đó, nhiều người có tiền vẫn có thói quen vào một shop thời trang xa xỉ để "xách" về một bộ suit có giá rất cao và coi đó là cách thể hiện đẳng cấp bản thân thay vì mất thời gian may đo "hàng thửa".
Chính vì vậy, hướng đi của SIR là phục vụ các khách hàng có nhu cầu trải nghiệm xa xỉ đi cùng với kiến thức sản phẩm vì sự xa xỉ thực thụ không nằm ở số tiền khách hàng chi ra, mà ở cách khách hàng hiểu về sản phẩm mình đang sử dụng và trân quý nó. Trong thực tế, vẫn có khá nhiều khách hàng không thể đợi vài tháng và 2-3 lần fitting để được mặc một bộ suit, vì họ chưa quá trân trọng các chi tiết làm tay (sẽ không đều như làm máy) dù họ biết đấy mới là Bespoke. SIR thừa nhận họ đang tham gia vào quá trình giáo dục thị trường do vậy phải có thêm thời gian.
Anh Dũng Đinh, một doanh nhân công tác trong lĩnh vực quan hệ chính phủ cho biết tiêu chí của anh khi đi sắm suit là chất lượng may của bộ suit và thời gian nhận được đồ không quá lâu. Do vậy, lựa chọn hàng đầu của anh thường là các thương hiệu cao cấp bán đồ may sẵn như Hugo Boss, Burberry với size định sẵn bởi điều kiện công việc không cho phép anh dành quá nhiều thời gian để may đo "hàng thửa".
Ngành Bespoke đang chứng kiến sự cạnh tranh âm thầm song rất khốc liệt, đặc biệt là tại Hà Nội. Trong vòng 3 năm trở lại đây, các nhà may đua nhau ra đời như nấm sau mưa, bắt nguồn từ 2 yếu tố chủ chốt. Đầu tiên là hàng may sẵn không đáp ứng đủ về mặt hình ảnh và chất lượng ở mức giá mà thị trường cần. Thứ hai là sự cạnh tranh chủ yếu ở thời điểm hiện tại (trong mảng bán lẻ) vẫn còn nhỏ lẻ và xảy ra chủ yếu ở phân khúc trung cho đến thấp cấp.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này sẽ sớm kết thúc với tốc độ phát triển của thị trường (Bespoke) như hiện nay. Khách hàng ngày càng thông minh hơn, may đo khẳng định được vị thế hơn, mặt bằng giá chung có xu hướng tăng mạnh", Phan Anh khẳng định.
Đội ngũ thợ may của SIR gồm có 22 người có trình độ chuyên môn cao, được tuyển chọn kỹ lưỡng và được chia ra theo từng phân đoạn, 8 thợ áo, 7 thợ quần, còn lại là thợ chuyên hoàn thiện sản phẩm một cách thủ công. Quá trình may đồ được giám sát gắt gao bởi đội ngũ quản lý của công ty. Chia sẻ với CafeF qua ứng dụng Facebook Messenger từ showroom mới mở của SIR tại Berlin, Đức, Philip Đoàn cho rằng niềm tự hào lớn nhất của SIR là họ được thị trường công nhận rộng rãi trong việc định hình một phong cách thời trang thực sự "đo ni đóng tấc" mà giới thời trang đã quen gọi tên là Bespoke.