Bí quyết để trở thành một giao dịch viên giỏi và lương cao
Không chỉ thu hút được khách hàng gửi vài chục triệu, vài trăm triệu mà cả vài tỷ đồng mang đến gửi tiết kiệm là điều mà một giao dịch viên "đẳng cấp" có thể làm được. Vậy bí quyết của họ là gì?
Nghề “mặt hoa da phấn” nhưng lương thấp và rủi ro
Giao dịch viên vẫn được gọi vui là nghề “mặt hoa da phấn”, là các nhân viên ngân hàng làm việc tại quầy giao dịch ở chi nhánh, phòng giao dịch và các điểm giao dịch của ngân hàng. Hàng ngày họ tiếp xúc với khách hàng để tiếp nhận yêu cầu, xử lý giao dịch và ghi chép mọi giao dịch liên quan đến nghiệp vụ tiền mặt, séc, tiết kiệm, chuyển khoản, mua đổi ngoại tệ, mở tài khoản…phát sinh tại quầy.
Mỗi ngân hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung tiêu chuẩn tuyển dụng vị trí giao dịch viên của các ngân hàng là tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, giao tiếp tốt và ngoại hình cao ráo, mặt mũi ưa nhìn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thu, giao dịch viên của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, bộ phận của chị làm việc trực tiếp với nhiều khách hàng. Bình thường công việc rất thoải mái nhưng có những lúc khách hàng đến giao dịch đông, thậm chí nhiều người có thái độ khó chịu khi chờ đợi và chuyện giao việc viên bị... ăn mắng là bình thường.
Chị Thu cho biết thêm, những ai ở vị trí như chị cần có sự nhẫn nại và cần cù, chịu khó, phải đi sớm về muộn.
Trong công việc, mỗi giao dịch viên đều có vai trò của một người bán hàng và giới thiệu dịch vụ chéo, đồng thời tạo nên hình ảnh, thương hiệu và chất lượng dịch vụ của một ngân hàng, giúp ngân hàng tăng huy động vốn và lợi nhuận. Tuy nhiên, đa phần giao dịch viên tại các phòng giao dịch hiện nay lương thấp, chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, làm việc ở bộ phận này cũng có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào. Các rủi ro về pháp lý như pháp lý khách hàng, pháp lý giao dịch, pháp lý trách nhiệm…. như những bẫy ngầm dưới chân giao dịch viên. Hàng loạt vụ án liên quan hoạt động giao dịch ngân hàng thời gian qua đã khiến không chỉ lãnh đạo ngân hàng (bị rủi ro mất vốn) mà cả những giao dịch viên (rủi ro tác nghiệp) đều phải giật mình ái ngại và xem lại việc quản lý rủi ro.
Làm thế nào để GDV nâng cao thu nhập và tay nghề giỏi?
Đa số các ngân hàng hiện nay đã dùng KPI để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nhân viên – đặc biệt nhân viên bán hàng. Các cán bộ ngân hàng cho biết, thường mỗi quý, họ được “khoán” chỉ tiêu về huy động, số lượng thẻ mở mới cho khách hàng. Nếu không đủ số lượng được giao có thể bị trừ lương, giảm thưởng thậm chí… hạ mức đánh giá xếp loại nhân viên cuối năm.
Vậy làm thế nào để giúp các nhân viên giải tỏa những áp lực về doanh số và cải thiện nguồn thu nhập của mình?
Theo thạc sĩ Trịnh Minh Thảo (Tác giả cuốn Mô Hình Bán Hàng Tổng Lực), có rất nhiều cách để các nhân viên ngân hàng vượt qua các chỉ tiêu.
Việc đầu tiên, nhân viên ngân hàng phải am hiểu nhu cầu khách hàng, chủ động khơi gợi và luôn giới thiệu thêm sản phẩm dịch vụ khác… Đừng chờ cho đến khi khách hàng yêu cầu được đăng ký sử dụng.
Hai là, tận dụng các cơ hội bán cao hơn. Để tăng doanh số thì một trong những kỹ thuật trong bán hàng hiện đại rất cần được áp dụng thường xuyên đó là bán nhiều hơn kế hoạch mua ban đầu của khách hàng.
Ví dụ, một phần đáng kể khách hàng tiền gửi thường giao dịch với hai hay nhiều ngân hàng (quan điểm ‘không bỏ trứng vào một giỏ’!). Một giao dịch viên có “nghề” sẽ chăm sóc và phục vụ và chinh phục khách hàng, khiến họ tất toán sổ từ nơi khác chuyển hết về giao dịch với chi nhánh.
Như vậy, thay vì chỉ tập trung làm sổ vài trăm triệu, giao dịch viên đẳng cấp đó có thể khiến khách hàng gửi đến vài tỷ vì quá ấn tượng và hoàn toàn hài lòng hơn hẳn…
Liên quan đến quản lý rủi ro, theo Thạc sỹ Nguyễn Phúc Quý Thạnh, Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, các giao dịch viên phải chủ động không ngừng trau dồi chuyên môn, trang bị những kiến thức cần thiết cần thiết cả về nghiệp vụ lẫn kiến thức pháp luật, doanh nghiệp và dân sự...để có thể nhận thức rõ ràng, đầy đủ về rủi ro tác nghiệp. Bên cạnh đó, họ phải hường xuyên tham gia các hội thảo, các khoá đào tạo nghiệp vụ và các khoá nhận diện và phòng ngừa rủi ro. Quan trọng nhất là cần phải biết nói không với sự cả nể với sếp, rút kinh nghiệm từ các vụ án như Huyền Như trước đây.
Ngoài ra, theo quan điểm của người viết giao dịch viên phải luôn nâng cao các kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp trực diện và qua điện thoại; chăm sóc khách hàng và xử lý khiếu nại của khách; kỹ năng bán hàng và bán chéo; kỹ năng làm việc theo nhóm (teamwork); kỹ năng xây dựng hình ảnh văn hóa doanh nghiệp cho ngân hàng,…
Chỉ đơn giản là sự vui vẻ nhiệt tình chu đáo và thật thà, mỗi nhân viên giao dịch cũng sẽ tạo cho mình một thương hiệu cá nhân thu hút lượng khách hàng quen thuộc đến ngân hàng, mong 1 người tới vạn lần còn hơn là vạn người chỉ tới 1 lần!