MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí quyết đối phó cực hiệu quả với 3 kiểu đồng nghiệp "khó ưa" nhất tại nơi làm việc

22-08-2017 - 07:22 AM | Sống

Làm việc với đồng nghiệp xấu tính không chỉ làm bạn cảm thấy khó chịu mà còn ảnh hưởng không tốt tới sự nghiệp của bạn. Những hành động của họ có thể khiến bạn căng thẳng thần kinh dẫn tới việc giảm năng suất lao động, thậm chí còn dẫn tới những vấn đề lâu dài về sức khỏe.

Tin tốt là, theo một nghiên cứu gần đây hầu hết những người đồng nghiệp xấu tính đều không phải là “ác quỷ” và bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh hành vi của họ. Jody Foster, phó giáo sư tâm thần học tới từ đại học Pennsylvania và là đồng tác giả của cuốn sách “Những người khó tính nơi công sở” cho biết việc hiểu rõ kiểu tính cách của đồng nghiệp sẽ giúp bạn có cách xử lý phù hợp để “chung sống” với họ yên ổn.

Theo Jody Foster, dưới đây là 3 kiểu đồng nghiệp “xấu tính” thường gặp nhất và tuyệt chiêu để “đối phó”:

1. Kiểu người quá quan tâm tới tiểu tiết

Đây là kiểu người bị ám ảnh với mọi chi tiết và làm việc như một robot. Họ xử lý mọi việc theo một cách thức nhất định và thường quản lý công việc từng ly từng tý. Jody Foster chia sẻ: “Họ khao khát sự hoàn hảo, và đề cao tính trật tự trong công việc”, “những người này khá cứng nhắc và thường gặp khó khăn trong việc ra quyết định và đề ra những giải pháp làm việc hiệu quả”. Thật không may những người này lại thường nhận được sự quan tâm của sếp và thăng chức. Lý do là bởi các giám đốc điều hành cần thời gian để lên các chiến lược kinh doanh cho công ty, vì vậy họ cần một người cẩn thận để ý tới các tiểu tiết thay cho họ.

Đối với những người này, họ luôn thấy bất an trong công việc vì nhu cầu muốn kiểm soát tất cả mọi thứ của họ cực kỳ cao. Nếu đồng nghiệp của bạn thường xuyên tranh luận với bạn về mọi chi tiết trong dự án, bạn nên dành thêm cho họ một chút quyền kiểm soát công việc. Dĩ nhiên bạn không cần phải đầu hàng trước những người như vậy, nhưng đây là cách để bạn tránh phải đối đầu trực tiếp với tính cách cố hữu của họ, hơn nữa lại thể hiện bạn rất tôn trọng ý kiến và sự tận tâm của đồng nghiệp. Ngoài ra, bạn không nên hứa suông với họ. Bạn nên hiểu những người đồng nghiệp này rất để ý và sẽ vô cùng thất vọng nếu không muốn nói là sẽ rất giận nếu bạn hứa rồi lại không làm được.

2. Kiểu người tôn thờ bản thân

Những đồng nghiệp này ảo tưởng về chính mình và thường không thể chấp nhận bất cứ thứ gì khác ngoài những lời ngợi khen. Kiểu người này thường phóng đại thành tích của bản thân, đổ lỗi cho mọi người về những thiếu sót của bản thân, cướp công của đồng nghiệp và tức giận khi bị chất vấn về những sai lầm...

Những người đồng nghiệp như vậy thường rất thiếu tự tin trong tâm thức. Họ thường tự tô vẽ cho mình một cuộc sống trong mơ. Khi làm việc với họ, hãy cố gắng tận dụng những mặt tốt của họ, tránh mất thời gian, tìm cơ hội và khen họ những câu đại loại như: “Bạn thật là giỏi, bạn làm nhanh quá”. Bằng cách thỉnh thoảng đưa ra những lời khen, sẽ giúp bạn tránh được những cơn giận bùng phát của họ. Nhưng đừng quên bạn phải bảo vệ bản thân và thành quả của mình bằng cách lưu lại quá trình làm việc và đóng góp của bạn cho công việc chung.

Tuy nhiên, nếu mọi việc vẫn vượt qua khả năng kiểm soát của bạn khiến bạn cảm thấy không thoải mái, sự đóng góp của bạn không được công nhận, bạn cần phải trao đổi với giám đốc nhân sự về việc này.

3. Kẻ hai mặt

Ban đầu, họ là những người đồng nghiệp tuyệt vời. Họ không tiếc lời khen ngợi bạn và khiến bạn cảm thấy thật tự tin với chính mình. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó bạn phát hiện họ đang tìm cách thao túng bạn hoặc họ quay ngoắt 180 độ trở thành những kẻ xấu tính vô cùng. Họ có thể chia sẻ những câu chuyện về đời sống cá nhân của họ với bạn dù bạn không thích, tán tỉnh bạn hoặc cố khiến bạn góp mặt vào những rắc rối của mình và khiến bạn rơi vào những tình huống khó xử nơi công sở.

Về bản chất, đây là những người có tính cách không ổn định và cư xử thất thường theo lối lúc thì đánh giá mọi thứ quá cao, khi lại hạ thấp sự việc quá mức. Bạn sẽ không thể biết họ đang ở trong giai đoạn nào. Cách thức hay nhất để đối phó với những người như vậy là bạn cần phải đặt ra ranh giới những gì có thể chấp nhận được, thực thi chúng và đừng bao giờ cho phép mọi thứ vượt khỏi giới hạn

Thu Hoài

CNBC

Trở lên trên